Nông dân hưởng lợi kép từ thâm canh mía
Hiệu quả mô hình “Sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân (Hội Nông dân tỉnh) triển khai tại xã Chiêu Yên và Tân Tiến (Yên Sơn) đã giúp tăng thêm thu nhập, nâng cao kiến thức trồng mía cho nhiều nông dân.
Trong ảnh: Chị Triệu Thị Thu, thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chăm sóc vườn mía. Ảnh: Công Vượng
Mô hình có 25 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 10,5 ha, thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12-2016. Đây đều là những hộ có nhân công lao động, có vườn mía liền kề. Để mô hình phát huy hiệu quả, các hộ được tập huấn kỹ thuật từ khâu xử lý đất, bón lót phân, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, thu hoạch, xử lý mía gốc sau thu hoạch.
Xã Chiêu Yên có 13 hộ nông dân ở thôn Yên Vân, Vàng Lè, Vắt Cày, Đán Khao tham gia mô hình với tổng diện tích 5,5 ha mía. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giống mía Roc 22 và vật tư trồng trọt, gồm phân đạm, lân, kali, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ nguyên liệu mía của bà con được Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ký kết bao tiêu sản phẩm với giá 900.000 đồng/tấn mía nguyên liệu.
Theo tính toán của Hội Nông dân xã, với giá thu mua 900.000 đồng/tấn, năng suất mía bình quân 81,5 tấn/ha, lại được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì 13 hộ dân tham gia dự án lãi gần 30 triệu đồng/ha, tăng 20 - 25% so với trước khi có dự án.
Chị Triệu Thị Thu, ở thôn Đán Khao vui mừng cho biết, trước đây, gia đình chị trồng mía nhưng chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên cây mía hay bị sâu bệnh, thân cây nhỏ, thu nhập thấp. Tham gia mô hình với 0,5 ha mía, gia đình chị được hỗ trợ toàn bộ giống mía và được cán bộ kỹ thuật về tận nơi hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Kết quả, giống mía này chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao. Vụ này, mía được mùa, cây to, dóng dài, thân cây thẳng tắp. Ước tính, gia đình thu về hơn 40 tấn mía, thu 40 triệu đồng, tăng gần chục triệu đồng so với vụ trước.
Cùng với xã Chiêu Yên, xã Tân Tiến triển khai mô hình thâm canh mía năm đầu tiên ở thôn Khấu Lấu và thôn Cháy với 12 hộ trên quy mô 5 ha mía. Anh Triệu Văn Xuân, Trưởng thôn Khấu Lấu, xã Tân Tiến bày tỏ, gia đình anh và 8 hộ khác tham gia mô hình thâm canh mía, trung bình mỗi hộ có diện tích từ 0,2 đến 0,8 ha mía.
Các hộ tham gia mô hình được “hưởng lợi kép” từ hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Quan trọng hơn là bà con được hướng dẫn chu đáo về kỹ thuật, quy trình thâm canh mía từ khi làm đất, trồng, chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cây mía. Từ đó, năng suất mía của các hộ tham gia mô hình đạt trên 80 tấn/ha, cao hơn hẳn những vườn mía khác (trung bình chỉ đạt từ 60 - 70 tấn/ha). Nhờ đó, giúp mỗi hộ cũng tăng thêm từ 3 - 10 triệu đồng so với các vụ mía trước.
Ông Hà Văn Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết, toàn xã có 720 hội viên nông dân ở 14 chi hội. Cây mía được nông dân đưa vào trồng từ 4 năm qua, tổng diện tích gần 100 ha. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Mô hình “Sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” triển khai ở xã đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.
Mô hình thâm canh mía ở xã Chiêu Yên và xã Tân Tiến đã phát huy hiệu quả. Đây là mô hình điểm để các hội viên nông dân toàn tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng.
Related news
Theo quy hoạch nông thôn mới, sau dồn điền đổi thửa, mỗi xã ở Hà Nội có từ 1 - 2 khu chăn nuôi tập trung, tuy nhiên việc triển khai chủ trương này đang gặp khó
Ở trong nước, các doanh nghiệp lại đang kêu “rất khó khăn” trong việc cân đối giữa bài toán đảm bảo nguồn nguyên liệu và tiêu thụ thương mại.
Hiệu quả sử dụng quy trình bón phân khép kín của Lâm Thao trên cây ngô khiến các đại biểu dự hội nghị đều bật cười…