Nông dân Đồng Nai ồ ạt trồng chôm chôm Thái
Lợi nhuận cao
Thị xã Long Khánh là vùng trồng chôm chôm lớn nhất ở Đồng Nai với gần 2.600 ha; trong đó, riêng xã Bình Lộc có hơn 1.000 ha. Năm 2013, toàn xã Bình Lộc có gần 100 ha chôm chôm Thái nhưng đến nay đã tăng lên 500 ha. Tại huyện Xuân Lộc, nơi có trên 2.000 ha chôm chôm thì diện tích chôm chôm Thái chiếm 40%. Diện tích tăng như trên không phải do người dân trồng mới (mở rộng) mà đa phần chặt bỏ chôm chôm tróc để thay thế bằng chôm chôm Thái.
Bà Lê Thị Lan (xã Bình Lộc) chia sẻ, năm 2013 trở về trước, gia đình có 5 ha chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn. Đến nay, đã chặt bỏ 3 ha chôm chôm tróc để thay thế bằng chôm chôm Thái. Thời gian tới, nếu giá chôm chôm Thái tiếp tục duy trì ở mức cao, gia đình sẽ chuyển toàn bộ diện tích để trồng loại cây này. Việc tiêu thụ chôm chôm hiện phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, thị hiếu của người tiêu dùng. Tương lai, nếu giá chôm chôm tróc, chôm chôm nhãn cao hơn chôm chôm Thái đành chấp nhận.
Hiện nông dân Đồng Nai bước vào vụ thu hoạch chôm chôm. Giá chôm chôm tróc thương lái thu mua tại vườn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn giá khoảng 15.000 đồng/kg, chôm chôm Thái có giá cao nhất với 18.000 đồng/kg. Theo đánh giá của nông dân, sản lượng các loại chôm chôm trên tương đương nhau, đạt 16 - 17 tấn/ha. Sản lượng này cùng với giá hiện tại, mỗi ha chôm chôm Thái cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, người trồng chôm chôm nhãn thu 250 triệu đồng, chôm chôm tróc chỉ đạt hơn 110 triệu đồng.
Cẩn trọng vì tăng “nóng”
Trước đây, đa phần dân Đồng Nai trồng chôm chôm tróc, sau đó chuyển sang trồng chôm chôm nhãn vì thấy lợi nhuận cao và nay nông dân chạy đua phát triển chôm chôm Thái. Việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm nâng cao thu nhập là tất yếu, song chôm chôm Thái là loại cây cần nhiều nước tưới, khó chăm sóc, giá không ổn định như chôm chôm bản địa, rủi ro với nông dân là rất lớn.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc) cho biết, mỗi loại chôm chôm có một hương vị đặc trưng. Những năm gần đây, thị trường ưa chuộng chôm chôm Thái.
Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích chôm chôm Thái tăng. Tháng 6/2016, chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc Long Khánh được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây là tiền đề giúp “nâng tầm” 2 loại chôm chôm này, đưa sản phẩm xâm nhập vào các thị trường mới.
Tuy nhiên, hiện diện tích chôm chôm bản địa bị thu hẹp; đang mùa thu hoạch song nhiều người đã ghép sẵn mầm chôm chôm Thái lên 2 loại chôm chôm trên và chờ thu hoạch xong là cưa bỏ. Với đà này, tương lai chôm chôm Thái sẽ dội chợ, giảm giá, trong khi chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc thiếu hụt trên thị trường.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, địa phương hiện có hơn 11.000 ha chôm chôm (diện tích lớn nhất cả nước), tập trung ở thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc và Thống Nhất. Những năm qua, diện tích chôm chôm ở Đồng Nai tăng không đáng kể, song có sự thay đổi về cơ cấu. Cụ thể, diện tích chôm chôm Thái không ngừng tăng trong khi chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc sụt giảm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã khuyến cáo nông dân cần thận trọng khi chuyển đổi giống cây trồng. Hiện chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc lợi nhuận không bằng chôm chôm Thái song đây là loại cây đã được trồng lâu năm ở Đồng Nai, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, nếu nông dân ồ ạt phát triển chôm chôm Thái sẽ dẫn đến nguồn cung tăng, khả năng mất giá rất lớn.
Related news
Sau phản ánh về việc bơm tạp chất vào tôm, phóng viên tiếp tục tìm hiểu và ghi nhận nhiều chiêu trò gian lận, làm “bẩn” thực phẩm như bơm chích chất cấm vào lợn, hải sản…
Dù có chứng nhận VietGAP, song sản phẩm nấm kim châm của doanh nghiệp Việt vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị do các siêu thị mới chỉ nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán và người tiêu dùng vẫn chưa tin việc doanh nghiệp Việt có thể sản xuất được nấm kim châm.
Ngày 19.7, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, các cơ sở trên địa bàn thành phố chỉ sản xuất số lượng rau, thịt an toàn đáp ứng 5% nhu cầu, còn lại 95% nhập từ nguồn khác khó kiểm soát An toàn vệ sinh thực phẩm…