Nơi sinh sản 4 loài cá quý sông Lô
Cá chiên, cá lăng, cá bỗng và anh vũ được mệnh danh "tứ quý" trên sông Lô, sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang.
Có địa chỉ cung cấp giống tin cậy, giúp người nuôi cá quý yên tâm về chất lượng.
Các loài cá lừng danh danh này đã được Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang nhân giống thành công. Nơi đây trở thành nguồn cung cấp cá giống tin cậy.
Thâu đêm trực cá đẻ
Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang có diện tích 37 ha, trong đó có 34 ha diện tích mặt nước. Hiện nay, Trung tâm đã tự chủ 100% kinh phí. Cán bộ, nhân viên nơi đây đang nỗ lực hơn để đi vững trên đôi chân của mình.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang kiểm tra môi trường sống của cá nuôi ương.
Thành quả nổi bật mang lại hiệu quả kinh tế của Trung tâm là việc nghiên cứu và nuôi ương thành công các giống cá quý như anh vũ, lăng, chiên, bỗng. Anh Nguyễn Quang Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm chia sẻ, nhớ lại thời kỳ đầu năm 2014, khi đồng hành cùng cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu nhân giống các loài cá quý này gặp không ít trở ngại.
Ví như con cá chiên, chỉ thích nghi với nước sạch, hàm lượng ôxy cao, có dòng chảy xiết, trước khi nhân giống thành công loài cá này, các chuyên gia và cán bộ của Trung tâm đã phải trải qua 5 lần thất bại.
Phó giám đốc Nguyễn Quang Nghĩa kể, giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, cán bộ Trung tâm lấy nước giếng khoan thực hiện nuôi ương nên cứ liên tiếp nhận trái đắng. Sau một thời gian cùng ăn, cùng ngủ với cá, anh em nhận ra rằng, nước giếng khoan hàm lượng ôxy thấp, chứa nhiều ion kim loại, cá bố mẹ còn khó sống thì làm sao có thể là môi trường lý tưởng để nuôi ương. Góp nhặt những thất bại như vậy, đến cuối năm 2015 thành công bắt đầu gõ cửa.
Mùa cá sinh sản cũng là dịp anh em ở Trung tâm tất bật nhất. Mỗi loài cá lại có thời gian sinh sản khác nhau. Cá lăng đẻ vào dịp tháng 5; cá chiên tháng 6, tháng 7; cá anh vũ cuối tháng 10 đến tháng 11; cá bỗng tháng 5, tháng 6. Đây cũng là dịp cán bộ, nhân viên của Trung tâm phân lịch cho nhau thức đêm cùng cá.
Năm 2019, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang sản xuất được hơn 4 vạn con cá chiên giống.
Bởi các công đoạn từ nhiệt độ, ánh sáng, nguồn nước, thời gian cho ăn… đều cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Ngay cả chi tiết nhỏ nhất như khi cá nở, vỏ trứng không tự tiêu được, mắc vào trong khe điều tiết nước nếu không vệ sinh kịp thời nước dâng lên cá bột sẽ bơi ra ngoài cũng trở nên quan trọng.
Với cá lăng chấm, thời gian trứng thoái hóa rất nhanh, nếu không chú ý xử lý kịp thời sẽ lỡ lứa. Với cá chiên, cần nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, giai đoạn cá đẻ lại vào dịp tháng 6, tháng 7 trời rất nóng. Vì vậy sau khi cá đẻ xong, phải ấp trong những nhà có điều hòa để đảm bảo nhiệt độ duy trì từ 22 đến 26 độ…
Phó giám đốc Nguyễn Quang Nghĩa bảo với chúng tôi rằng, lực lượng làm cá giống đặc sản của Trung tâm có 7 người, thì có 2 nữ được đặc cách không phải trực đêm. Còn cánh nam giới thì thay phiên nhau 2 người 1 kíp trực như… trực vợ đẻ. Nhiều anh em nói vui, “sắp bị vợ bỏ vì yêu cá hơn yêu vợ”. Tếu táo thế nhưng gia đình nào cũng hiểu được hoàn cảnh của anh em vào mùa cá đẻ nên đều cảm thông.
Nguồn cung cấp giống tin cậy
Trước kia, việc nuôi “tứ quý” gặp nhiều khó khăn vì nguồn giống khan hiếm. Nếu có thì ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên. Do đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới nên cá hay bị vẹo sống lưng, không thể phát triển bình thường. Cá giống từ tự nhiên chưa được thuần hóa nên khi nuôi trong lồng, cá không quen môi trường sống thường tìm cách sổ lồng, dễ bị sứt sát dẫn đến nhiễm bệnh chết yểu.
Vì vậy khi Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang sản xuất được cá giống thực sự là cứu cánh với người nuôi cá quý. Do đã quen với con người, cũng như các chế độ chăm sóc nên khi thức ăn cho xuống cá bắt mồi ngay, sức đề kháng chống chịu với môi trường tốt, cá đều cỡ, lớn nhanh nên người nuôi rất phấn khởi.
Dù đã nhân giống thành công hầu hết các loài trong nhóm cá “tứ quý”, nhưng không phải loài nào cũng được Trung tâm sản xuất giống quy mô lớn. Bởi do nhu cầu thị trường và nhiều loài khá kén môi trường sống cũng như người nuôi. Như loài anh vũ, Trung tâm đã nhân giống thành công từ cuối năm 2017, đầu 2018 nhưng chỉ xuất ra thị trường được khoảng hơn 1.000 con/năm. Cá bỗng, xuất được khoảng hơn 3.000 con/năm…
Hiện nay, sản xuất cá chiên vẫn là nguồn thu chính trong nghề sản xuất giống cá quý của Trung tâm. Năm 2018, đơn vị cung cấp ra thị trường gần 2 vạn con giống. Năm 2019 sản xuất được trên 4 vạn con. Các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang cũng đã biết đến con giống ở Tuyên Quang và đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, các HTX, hộ gia đình nuôi cá đặc sản trên sông Lô, Gâm trong tỉnh đều là khách hàng chính của Trung tâm.
Ông Phạm Thanh Bình, người nuôi cá ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, vì có nguồn giống đảm bảo chất lượng nên khoảng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi cá đặc sản phát triển mạnh trong vùng. Từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn xã đã có 50 hộ nuôi với hơn 100 lồng cá chiên, bỗng, nhiều hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Gia đình anh Lê Anh Minh, ở tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang có 3 đời làm nghề chài lưới. Hiện nay, gia đình anh nuôi 7 lồng cá chiên, trung bình mỗi lồng 30 con. Nguồn cá giống anh mua của dân chài lưới đánh bắt được nên chất lượng không đảm bảo, nhiều con khi đưa về thuần phục tỷ lệ chết thường là 50%, có khi không cứu được con nào.
Anh Minh cho biết, người nuôi cá lồng như anh rất mong muốn Trung tâm Thủy sản tỉnh nhân giống với số lượng lớn hơn nữa để những người mưu sinh bằng nghề thủy sản có nguồn giống ổn định, đảm bảo chất lượng.
Nghề nhân giống cá quý của cán bộ, nhân viên Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang vẫn là hành trình dài. Tiềm năng phát triển nghề thủy sản của tỉnh này và cả nước còn rất lớn. Nếu xây dựng được bước đi thích hợp, vững chắc thì ước mơ biến nơi đây thành trung tâm sản xuất giống cá quý lớn của miền Bắc sẽ chẳng còn là khát vọng xa vời.
Related news
Tôm, cá là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo môi trường sống. Vì vậy, nhiệt độ là một trong những yếu tố tác động nhiều đến hoạt động sinh lý
Theo Sở Thủy sản quận Khulna, 28.564 ha đất nuôi cua tại các huyện Koyra, Paikgachha, Dumuria, Dacope và Botiaghata đã cho thu hoạch trên 6.898 tấn.
Điệp seo là động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao; để phát triển nuôi đối tượng này đòi hỏi đảm bảo nguồn cung cấp con giống ổn địn