Nỗi lòng người dân ở làng bè cá chết
Nhìn ra bến sông, bà Đỗ Thị Thu (xã Long Hòa) thở dài: “Thấy quang cảnh hoang tàn không? Người ta dời đi vùng nuôi khác hết rồi, giờ trơ lại mấy cái bè trống như vậy.
Ai còn số ít cá thì ráng cầm cự, ai thiệt hại nhiều quá phải bán bè trả nợ, thậm chí bỏ nghề đi xứ khác. Đây là chỗ bị thiệt hại nhiều nhất”. Bà ngồi nhẩm tính, khoảng 5 – 6 hộ quy mô đã nghỉ nuôi hẳn, còn lại đều chuyển lên thượng nguồn bên huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) để tái nuôi, trong đó có cháu và em của bà.
Anh Đỗ Thành Thi (cháu bà Thu) đợt vừa qua thiệt hại bè cá thịt và cá giống hơn 1 tỷ đồng, còn bà Thu thiệt hại 27 muôn cá he và cá mè vinh. Tiền nợ 190 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng, nghĩ mình lớn tuổi, cũng không có vốn để di dời như các hộ khác, bà Thu quyết định nghỉ nghề nuôi cá và chưa biết sống bằng phương kế gì.
Ông Nguyễn Văn Nhàn (một hộ nuôi ở xã Phú Lâm) bức xúc: “15 tấn cá giống, 40 tấn cá thịt của tôi chết sạch, thiệt hại 4 – 5 tỷ đồng. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến cá chết là nhà máy Toàn Cầu xả nước bẩn ra sông, chứ chúng tôi không đồng ý với kết luận của ngành chức năng. Tôi nuôi cá 30 năm nay chưa bao giờ xảy ra hiện tượng cá chết nhiều đến như vậy. Ngay chính hộ tôi có điều kiện mà dời bè xuống Vàm Nao còn tốn chi phí trên trăm triệu đồng, những hộ khác làm sao có thể tái nuôi.
Quan trọng nhất là số người đang sống tại đoạn sông Cái Vừng sẽ ăn uống như thế nào, rủi dịch bệnh xảy ra thì sao? Chúng tôi không cần tiền bồi thường, chỉ cần kết luận nguyên nhân chính xác và thuyết phục”.
Không chỉ có ông Nhàn, hàng trăm hộ khác thuộc 3 xã trong vùng thiệt hại cũng đồng tình gửi đơn đề nghị lên tỉnh, Trung ương xem xét lại nguyên nhân. Thời điểm xảy ra cá chết hàng loạt, xã Phú Lâm có 14 bè thiệt hại, nay chỉ có 1 bè của ông Huỳnh Văn Hiên di dời đi nơi khác nuôi.
Còn xã Long Hòa có 33 hộ thiệt hại, nay có 18 hộ với 61 bè dời đi, những hộ còn lại nuôi lượng cá rất nhỏ (số cá còn sống sót trong đợt chết hàng loạt vừa qua). Theo người dân, được khuyến cáo của ngành chức năng, họ cũng không tái nuôi ngay vị trí cũ. Hỏi thăm những hộ di dời sang Hồng Ngự nuôi, nông dân đều đánh giá nguồn nước ở đó rất tốt.
Hộ anh Trần Xuân Hòa và chị Đỗ Thị Thơ cho biết, chi phí dời kéo bè, mướn đất tròm trèm gần 50 triệu đồng. Nhờ số tiền Nhà nước hỗ trợ nên gia đình đã tái nuôi số lượng nhỏ cá he, tình hình tiến triển khá tốt. Chị Đỗ Thị Thơ quả quyết: “Nước sông bị ô nhiễm do nhà máy gần đó xả ra. Tôi nuôi cá 28 năm không bao giờ xảy ra hiện tượng cá chết nhiều như đợt vừa qua.
Ngay thời điểm đó, nhà tôi có 1 hầm cá nuôi trong đất liền, chồng sơ suất bơm nước từ sông vào khoảng 2 tiếng đồng hồ thì cá trong hầm cũng chết sạch. Trùng hợp ngày đó nhà máy xả nước thải ra sông. Tại sao chỉ cách vị trí này 1km về phía thượng nguồn lại không xảy ra hiện tượng gì? Nếu ô nhiễm nguyên dòng sông thì chúng tôi không cãi, nước chảy xuống mà lại ô nhiễm ngay chỗ chúng tôi.
Gia đình tôi có đủ điều kiện bơm nước, đạp máy, bình oxy thì làm gì có chuyện cá chết, vị trí nhà tôi ở gần nhà máy nên chết sạch hơn 20 tấn. Chúng tôi chỉ mong nhà nước xem xét lại, chứ toàn thể bà con ở đây không ai đồng ý với kết luận đã đưa ra”.
Theo kết luận từ ngành chức năng, nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết trên vùng sông Cái Vừng là thiếu oxy cục bộ. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hỗ trợ trên 3 tỷ đồng cho các hộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, cùng với việc di dời đi nơi khác tái sản xuất, người dân không đồng ý với kết luận của ngành chức năng, trên 100 hộ dân đã gửi đơn Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, các cơ quan Trung ương đề nghị làm rõ nguyên nhân cá chết.
Related news
Với sản lượng 6-7 triệu tấn lúa/vụ, nhu cầu sử dụng máy sấy lúa của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất lớn. Tuy nhiên, hiện công nghệ và số lượng máy sấy lúa ở đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Thời gian gần đây nông dân trồng chanh ở tỉnh Đồng Tháp hết sức phấn khởi vì được các DN của Hàn Quốc sang ký hợp đồng thu mua trái chanh bông tím nên đầu ra khá ổn định.
Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tiếp tục xả nước để hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu Mekong