Nỗ Lực Bảo Vệ Rừng Xay
“Cơn sốt” ươi đi qua, giờ đến mùa trái xay vào vụ sai quả. Để loại cây quý hiếm này không bị xâm hại, những ngày này cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà đang ngày đêm bám trụ tại những điểm “nóng”, kịp thời ngăn chặn nhiều đối tượng khai thác xay trái phép.
Cùng dân bảo vệ rừng
Điểm thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ, nơi có những cánh rừng xay quý hiếm luôn có ít nhất 2 cán bộ kiểm lâm túc trực 24/24 giờ. Vừa trở về sau chuyến xuyên rừng dưới cơn mưa lất phất, kiểm lâm viên Lữ Tấn Phát chia sẻ: “Địa bàn chúng tôi phụ trách cách xa trung tâm huyện 40km, nên phải mượn tạm nhà dân để ở. Điều kiện công tác gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Thế nhưng anh em vẫn nỗ lực hết mình và thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, tổ chức các đợt truy quét, kịp thời ngăn chặn nhiều đối tượng khai thác xay trái phép. Với phương châm “3 bám và 3 cùng”, đó là “bám dân, bám rừng và bám cơ sở”; “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, cho đến giờ này, những cánh rừng xay vẫn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt”.
Theo chu kỳ từ 5 - 7 năm cây xay cho quả một lần. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9. Giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg xay tươi. Trung bình một người, mỗi ngày có thể thu nhặt được khoảng 10- 15kg. Bởi lợi nhuận khá hấp dẫn nên đồng bào vùng cao xem xay là “lộc rừng”.
Để giữ được những cánh rừng xay quý hiếm, người dân đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến giữ rừng. Kiểm lâm viên Lữ Tấn Phát cho biết thêm: “Cùng với việc người dân nhận khoán bảo vệ rừng, họ chính là những “tai mắt” giúp kiểm lâm địa bàn làm tốt nhiệm vụ của mình. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc vừa manh nha ý định khai thác xay trái phép đã bị người dân phát hiện, báo với chính quyền để kịp thời ngăn chặn”.
“Trái xay có hình bầu dục hơi dẹp, màu đen hay nâu thẫm, vị ngọt, chua nhẹ. Trái xay có chứa lượng đạm protein thấp, chất xơ dạng thô cao vừa phải, nên loại quả này có thể giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, được nhiều người rất ưa chuộng. Theo nhiều thương lái thu mua xay ở huyện Sơn Hà, trái xay sau khi được phân loại, đóng gói sẽ được xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam”.
“Lợi kép” nếu biết khai thác
Trái xay được thu hoạch theo lối truyền thống bằng cách dùng sào dài để đập cho trái rụng xuống hoặc trèo lên cây hái quả. Cách khai thác này vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ rừng, phát huy hết những nguồn lợi từ rừng mang lại, góp phần tăng thêm thu nhập cho đồng bào vùng cao.
Thế nhưng, nguồn lợi được ví là “lộc rừng” này, những người dân quanh năm gắn bó, bảo vệ những cánh rừng từ bao đời nay được hưởng lợi chẳng đáng là bao.
Ông Đinh Văn Hộp ngụ thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ than thở: “Những năm về trước, ươi, xay là cây góp phần “xóa đói” cho bà con. Nhưng giờ đến mùa, chẳng ai buồn hỏi, bởi vụ ươi vừa rồi, bà con không hưởng được gì nhiều. Ươi được mùa, trúng giá, nhiều đối tượng từ các địa phương khác ồ ạt kéo đến, lùng lục khắp các cánh rừng “xí” phần hết.
Họ không ngần ngại dùng cưa lốc để triệt hạ ươi để thu quả, khiến bà con không khỏi xót xa. Vụ xay đang vào mùa, chỉ mong tình trạng cũ không tái diễn”.
Ông Tạ Tiến - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Sơn Hà chia sẻ: “Ươi, xay nếu được thu hoạch đúng quy định sẽ mang lại “lợi kép” cho người giữ rừng.
Tuy nhiên, trước “hấp lực” của nó, nhiều người không ngần ngại triệt hạ những loại cây quý hiếm này để thu quả. Phần nhiều những đối tượng này ở các địa phương khác đến. Mới đây chúng tôi đã tịch thu 400kg xay khai thác trái phép ở Sơn Kỳ và Sơn Lập (Sơn Tây).
Trước mắt, việc bảo vệ rừng xay phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp thu hái, mua bán quả ươi, xay và chặt hạ cây trái phép, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, khai thác xay đúng quy định để bảo vệ loại cây này”.
Related news
Bệnh "đốm trắng" trên cây thanh long Chợ Gạo xuất hiện từ tháng 6/2013 với ghi nhận có 120 ha bị nhiễm bệnh, tỉ lệ nhiễm bệnh từ 20 - 30% khiến năng suất và chất lượng trái bị sụt giảm. Trước tình hình trên, các ngành chức năng tích cực khảo sát, xác định nguyên nhân, đưa ra biện pháp phòng trị hữu hiệu và phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp và là chu kỳ cuối trong quy trình chọn tạo, sản xuất, công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang) phối hợp với Viện Rau quả trung ương thực hiện trên cây vải sớm tại xã Phúc Hoà.
Hiện huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có hơn 100ha trồng cam, tập trung ở các xã Vạn Yên, Bản Sen. Trong đó Vạn Yên 70ha với hơn 100 hộ trồng cam, chủ yếu ở các thôn Cái Bầu và thôn 10-10.
Theo nhà nông, vào thời điểm này năm 2013, các thương lái đã tìm đến tận ruộng để đặt cọc mua hàng, nhưng năm nay, cây dưa gần đến kỳ thu hoạch mà người trồng dưa vẫn chưa có thông tin gì về đầu ra, giá cả.
Không để cái đói, cái nghèo khuất phục, anh Hoàng Văn Hồng ở thôn Hà Nội, xã Đại Thành (Hiệp Hòa, Bắc Giang) quyết định ra đầm hoang gần nghĩa địa để đào ao nuôi cá và mở trang trại nuôi lợn.