Niềm vui của người trồng quế
Dân phấn khởi
Những ngày này, khắp núi rừng vùng cao Trà Bồng, Tây Trà đâu đâu cũng phảng phất hương thơm của quế. Năm nay, giá quế vỏ tăng cao hơn mọi năm khiến người trồng loại cây này rất phấn khởi. Song, điều làm người dân ở “thủ phủ” quế vui mừng hơn cả là một nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế quy mô và hiện đại đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Hiện tại, mỗi ngày nhà máy thu mua hàng chục tấn cành, lá quế của người dân đem tới bán, thứ mà trước đây chỉ bán được một phần rất nhỏ, còn lại phải bỏ ở rẫy hoặc đốt đi.
Cầm xấp tiền vừa bán lá quế cho nhà máy trên tay, anh Hồ Văn Lâm, ở thôn 2 xã Trà Thuỷ (Trà Bồng) hồ hởi cho biết, nhà có gần 1ha đất trồng quế với hơn 10.000 gốc. Năm nay, ngoài việc giá quế vỏ tăng gấp đôi, anh còn có thêm một khoản tiền từ việc bán cành, lá quế. “Mấy năm trước thu xong cành, lá gia đình thường bỏ lại trên rẫy. Năm nay nghe có nhà máy thu mua nên tui gom lại được hơn hai tấn, bán giá 2.800 đồng/kg, thu được gần 7 triệu đồng.
Trong khu dân cư giờ ai cũng đi gom cành, lá quế để bán cho nhà máy”, anh Lâm kể. Còn hai mẹ con chị Hồ Thị Nhát, ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà), dù trời đã đứng bóng nhưng vẫn lom khom thu gom lá quế trên rẫy. Lau vội mồ hôi trên trán, chị Nhát tươi cười, khoe: “Nghe mấy người trong xóm nói gom lá quế bán lấy tiền, mẹ con tôi liền đi theo và cũng có thu nhập khá”. Theo một số người chuyên thu gom lá quế, những năm trước thu mua lá quế chỉ để cung cấp cho các cơ sở làm nhang hay chuyển đi Bắc Trà My (Quảng Nam), nhưng số lượng rất ít và giá cả lại không cao như năm nay.
Chính quyền vui lây
Trên khu đất rộng 35.800m2 tại tổ dân phố 3, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), một Nhà máy sản xuất tinh dầu từ cành, lá quế bề thế với dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Cổ phần tinh dầu quế Quảng Ngãi đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng, công suất thiết kế 33 tấn cành, lá quế mỗi ngày, tương đương với 12.000 tấn mỗi năm. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ cho ra 80 tấn tinh dầu quế. Tất cả sản phẩm đã được ký hợp đồng xuất đi các thị trường Trung Quốc, ẢRập…
Chỉ tay về phía đống lá quế đã mua của dân, ông Nguyễn Khắc Tịnh – Giám đốc nhà máy cho biết, hiện tại trên địa bàn hai huyện Trà Bồng và Tây Trà có khoảng hơn 3.600ha quế. Mỗi vụ thu hoạch, một khối lượng cành, lá quế khổng lồ bị bỏ lại trên rẫy vì không có nơi tiêu thụ hay chỉ tiêu thụ được rất ít, việc này vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tới chất đất. Xuất phát từ thực tế đó, công ty chúng tôi đã nghiên cứu và đầu tư xây dựng nhà máy này, với mục đích vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến tinh dầu, vừa giúp bà con có thêm một khoảng thu nhập đáng kể từ cây quế.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, phấn khởi cho biết thêm: Việc hình thành Nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế quy mô trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao giá trị cho cây quế, giúp người dân có thêm một khoản thu nhập để ổn định cuộc sống, nên địa phương rất vui và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà máy hoạt động.
Related news
Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…
Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.
Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.