Những vườn nhãn tỷ đồng ở vùng sâu Sơn La
Một gốc nhãn, ngang 1 ha ngô
Sông Mã là huyện vùng sâu của tỉnh Sơn La giáp biên giới tây bắc Việt – Lào.
Nhưng Sông Mã bây giờ không heo hút buồn tẻ nữa.
Sông Mã mùa này là mùa vui.
Nhãn Sơn La năm nay được mùa được giá.
Dọc quốc lộ 4G từ huyện Mai Sơn xuôi về trung tâm huyện qua các xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Chiềng Cang…, những ngày này, dòng xe tải từ các tỉnh miền xuôi tấp nập lên thu mua nhãn.
Những ngôi nhà cao tầng nguy nga như biệt thự mọc lên san sát bên những vườn nhãn.
Cây nhãn theo chân những người dân Hưng Yên lên lập vùng kinh tế mới ở Sông Mã từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhưng chỉ thực sự giúp người dân nơi đây thay da đổi thịt trong vòng 3-4 năm trở lại đây.
Bước ngoặt ấy bắt đầu nhờ phong trào ghép cải tạo vườn nhãn.
Chúng tôi tạt vào vườn nhãn gần 500 gốc nhãn ghép của anh Phạm Văn Nhất, khu Tiên Sơn, xã Chiềng Khương.
Năm nay, do vùng nhãn Hưng Yên thiệt hại vì cơn bão số 1 nên thương lái khắp nơi đổ về vựa nhãn Sông Mã tranh mua, giá nhãn thương lái đặt mua tại vườn ở Sông Mã trung bình lên tới 23-25 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 3 – 5 nghìn đồng/kg so với mọi năm.
Với vườn nhãn đã ghép cải tạo khoảng 600 gốc, trừ chi phí đầu tư, công hái khoảng 70 triệu đồng/ha, năm nay anh ẵm không dưới 400 triệu đồng.
Anh Nhất bảo, vườn nhà anh thuộc loại trung bình, chứ năm nay, ở vùng nhãn Chiềng Khương một số vườn như vườn anh Hà Dương (khu Thống Nhất), anh Xuân Nam (bản Khương Tiên)… thu tiền tỉ!
Ở huyện Sông Mã trong vụ nhãn năm nay, đã ghi nhận nhiều gốc nhãn ghép cho thu hoạch 400 kg quả, bán với giá đầu vụ lên tới 36.000 đ/kg, cho thu nhập gần 15 triệu đồng/gốc.
Kể về sự lên ngôi của cây nhãn Sông Mã hôm nay, anh Nhất bảo: Thực ra khoảng trước năm 2010, ở Sông Mã chẳng mấy ai để ý tới cây nhãn.
Những năm đầu 1990, tỉnh Sơn La từng có phong trào trồng nhãn trên đồi trọc như trồng rừng để làm “cây xóa đói giảm nghèo”.
Những vườn nhãn trồng hàng chục năm chẳng ai chăm sóc nên còi cọc, quả bé, cùi lại mỏng nên chỉ có thể bán cho các lò sấy làm long nhãn.
Giá nhãn trước đây năm cao chỉ 4.000 - 5.000 đ/kg, năm ế 2.000 đ/kg.
Mỗi hecta nhãn năm được mùa chỉ khoảng 6-7 tấn, nếu trừ công thuê người hái thì xem như hòa vốn nên nhiều hộ thậm chí chẳng thèm thu hoạch, một số phá nhãn đi trồng ngô.
Thế nhưng từ năm 2011 đến năm 2012, phong trào ghép cải tạo vườn nhãn bắt đầu nở rộ ở Sông Mã.
Ban đầu, mỗi hộ chỉ học lỏm nhau thuê người từ Hưng Yên lên ghép một vài chục cây.
Thế rồi chỉ sau vài năm, khi một số diện tích nhãn ghép thu hoạch cho hiệu quả bất ngờ, phong trào ghép nhãn lan ra như một cơn lốc.
Đến nay, Chiềng Khương là một trong những xã đi đầu ở Sông Mã, với gần như 100% diễn tích nhãn được ghép cải tạo.
Anh Nhất làm một phép tính: Trước đây, các hộ dân ở Sông Mã sống dựa vào trồng ngô.
Trước, chi phí vật tư còn thấp nên mỗi hecta ngô còn có lãi 9-10 triệu đồng.
Tuy nhiên giá ngô mấy năm rồi vẫn chỉ xoay quanh 5-6 nghìn đồng/kg, trong khi giá giống, phân bón, công thuê người cứ tăng vùn vụt.
Bây giờ mỗi hecta ngô nếu cộng tất tần tật tiền giống, công vỡ hố, công gieo hạt, thuốc trừ sâu, phân bón, công thu hoạch…, tính ra trừ chi phí chỉ có lãi khoảng 5 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, hiện mỗi gốc nhãn ghép cho thu hoạch trung bình từ 200-300kg quả, nếu nhân với giá bình quân các năm gần đây khoảng 20 nghìn đồng/kg thì mỗi gốc nhãn cho thu lãi ngang ngửa với 1 ha ngô!
“Năm 2014, nhà tôi đã chuyển hết 2ha ngô sang trồng nhãn.
Nếu cây nhãn vẫn có giá như hiện nay, khoảng 3 năm nữa thôi, dân ở đây sẽ bỏ ngô trồng nhãn hết” – anh Nhất dự báo.
Những vườn nhãn tỷ đồng
Sau thời “trị vì” của cây ngô, cà phê nổi lên là cây trồng có tiếng tăm hàng đầu ở Sơn La trong suốt một thời gian dài.
Cách đây 3-4 năm về trước, cây cà phê leo dần lên đồi cao, phá thế độc tôn của cây ngô.
Ở vựa cà phê chè huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), mỗi hecta cà phê năm được mùa, cho sản lượng trên dưới 10 tấn quả, năm cà phê được giá, có thể tới 11 nghìn đồng/kg.
Một số vườn nhãn ghép 3 năm tuổi trồng trên đất dốc, đã cho những chùm quả 2-3 kg/chùm, tương đương giá trị 1 yến ngô
Trừ chi phí, người trồng cà phê có thể thu lãi 50-60 triệu đồng/ha.
Đây là mức thu nhập tuyệt vời mà nông dân vùng cao Tây Bắc phải trầm trồ.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, giá trị kinh tế của cây cà phê đã chẳng là gì so với cây ăn quả, đặc biệt cây nhãn.
Quả đồi dốc rộng gần 2 ha tại tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) của ông chủ Nguyễn Văn Phòng cách đây vài năm còn là đồi cà phê, nhưng bây giờ đã được thay thế, phủ kín bằng cây nhãn.
Những gốc nhãn ghép giống nhãn Hưng Yên chỉ sau 2 năm hiện đã cho quả trĩu trục trên triền đồi dốc, năng suất lứa quả bói cũng ngót nghét 8-9 tấn/ha.
Anh Phòng bảo, đây là bằng chứng cho thấy cây nhãn hoàn toàn có thể trồng được trên đồi núi dốc, miễn là độ sâu tầng đất phải trên 50-60cm.
Vị này phân tích: Cà phê cũng có giá trị, nhưng so với nhãn hiện nay chẳng là gì.
Mỗi gốc nhãn ghép trồng năm thứ hai đã cho quả bói, từ năm tuổi thứ tư trở đi có thể cho trung bình từ 200kg quả/cây, mỗi hecta nhãn có thể cho 20-25 tấn, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha, gấp hàng chục lần so với cà phê khỏe như lật bàn tay.
Cây nhãn cũng chịu hạn, dễ chăm sóc, không chịu rủi ro do sương muối, mưa đá như cà phê.
Ở Sơn La, anh Nguyễn Văn Phòng được mệnh danh là “vua nhãn”.
Không chỉ vì gia đình đang sở hữu khoảng trên 7ha nhãn, mỗi năm cho thu nhập trên 2 tỉ đồng, mà còn bởi anh là một trong những người tiên phong đưa phong trào ghép cải tạo vườn nhãn ở tỉnh này.
Từng lang bạt kỳ hồ, năm 1995, anh quyết định đưa gia đình lên Sơn La lập nghiệp.
Quê gốc Hưng Yên nên cây nhãn được anh lựa chọn đưa lên vùng đất mới.
Thế nhưng cây nhãn thực sinh, trồng cả chục năm chỉ cho quả bé như đầu ngón tay (người dân hay gọi là nhãn cỏ).
Mọi sự thay đổi chỉ đến với anh Phòng từ năm 2010, khi một số gốc nhãn anh ghép cải tạo thử nghiệm cho kết quả bất ngờ với năng suất tăng gấp đôi, thương lái tranh nhau mua với giá cao chót vót.
Cùng với việc ghép cải tạo 100% cho các vườn nhãn trước đây, hiện anh Phòng đã thành lập HTX nhãn chín muộn, thường xuyên duy trì từ 40-50 công nhân nhận ghép cải tạo nhãn vườn tạp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.
“Vua nhãn” Nguyễn Văn Phòng phân tích: Từ chỗ bỏ đi, ghép cải tạo đã tạo nên cuộc đổi đời về giá trị cho cây nhãn Sơn La nhờ tăng được “3 gấp đôi”: Một là năng suất tăng gấp đôi, từ 6-7 tấn/ha lên mức trung bình 15-17 tấn/ha; hai là chất lượng, mẫu mã quả được cải thiện, giá bán tăng từ 2-3 lần so với trước đây.
Đặc biệt, trước đây nhãn cỏ thường thì “năm cho quả, năm trả đất”, tuy nhiên nhờ ghép cải tạo kết hợp chăm bón, nhãn cho quả đều đặn hàng năm, tăng gấp đôi số vụ cho thu hoạch.
Related news
Là xã miền núi thuộc diện khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, xã Liên Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang từng bước hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích vào cuối năm 2016.
Từ chính mảnh đất trồng chè hơn 2ha gia đình vẫn đang trồng nhiều năm nay, anh Trịnh Xuân Thanh đã xây dựng được thương hiệu trà sạch an toàn với nhiều sản phẩm đa dạng như trà khô, trà sấy qua một lửa và bột trà xanh.
Nhằm cố gắng cải tạo đất và xử lý môi trường độc hại tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, Củ Chi, TP.HCM), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã tổ chức cho người dân xã Đông Thạnh vào tham quan các vườn cây ăn trái ngay trên bãi rác.