Những cánh đồng vàng ở An Giang
Những “cánh đồng vàng” là tên gọi những cánh đồng chuyển đổi cây trồng, canh tác với mô hình “2 lúa + 1 màu”, “2 màu + 1 lúa”… cho giá trị từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên tại các vùng đầu nguồn, cù lao, ven sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên của tỉnh An Giang.
Trong ảnh: Cây bắp lai “bám trụ” tốt tại An Giang, nông dân tăng thu nhập. Ảnh: P.T.A
Nơi tiên phong… bỏ cây lúa
Đầu năm 2014, Bình Phước Xuân là xã đầu tiên của An Giang công bố “xóa” cây lúa, chuyển đổi 100% diện tích đất sản xuất sang trồng rau màu và lập vườn cây ăn quả. Chuyện gây không ít ngạc nhiên với nhiều người, khi đây là vùng đất trù phú và nằm trên cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới. Bấy giờ, ông Lê Quang Diễn - Chủ tịch Hội ND xã Bình Phước Xuân cho biết, 1 công 1.000m2 đất trồng cây bắp (ngô) thu trái non xuất khẩu lợi nhuận 2,9 triệu đồng/vụ/công; cây khoai cao (3 vụ) lãi bình quân 21,7 triệu đồng/công/vụ, cây ớt trên 35 triệu đồng/công/vụ… và cây xoài 3 màu cho thu hoạch vụ đầu tiên trên 7,5 triệu đồng/công…
Năm 2017, Hội ND các địa phương tiếp tục nhân rộng, phối hợp chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để hội viên, nông dân làm ăn theo hướng chất lượng và hiệu quả ngày càng cao”. Ông Châu Văn Ly - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang
Cũng theo ông Diễn, năm 2013, Bình Phước Xuân canh tác 857ha rau màu, 372ha vườn và 6ha lúa. Như vậy, sau hơn 10 năm chuyển đổi cây trồng, tổ chức lại sản xuất, đây là một kỳ tích của hội viên, nông dân vùng cù lao Giêng. Hàng năm, rau màu ở đây đạt trên 3.335ha (3 vụ chính là đông xuân, hè thu, thu đông) gồm ớt, dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bắp, khoai cao… bình quân cho thu nhập 120-150 triệu đồng/ha. Còn lập vườn trồng cây ăn quả cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha.
Từ mô hình sản xuất của Bình Phước Xuân, ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới cho hay, diện tích vườn toàn huyện phát triển lên 4.658ha, chủ yếu tại 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân thuộc vùng cù lao Giêng. Đặc biệt, 2 xã Bình Phước Xuân và Mỹ Hiệp đã “bỏ” cây lúa, chuyển đổi trồng rau màu và lập vườn trồng cây ăn quả. Trong đó, có 7,5ha vườn tại xã Bình Phước Xuân được cấp chứng nhận VietGAP năm 2015. Năm 2014-2016, Chợ Mới cũng đã tổ chức dạy nghề cho hơn 4.600 nông dân, chuyển giao kỹ thuật hơn 11.340 người…
Xu hướng ngày càng phát triển
Với việc tổ chức lại sản xuất, anh Trần Anh Châu - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, nhiều mô hình được nông dân nhân rộng, như chuyển đổi “2 vụ lúa + 1 vụ màu”, trồng rau an toàn, nuôi trồng và kinh doanh hoa kiểng… góp phần tăng giá trị sản xuất trên mỗi héc-ta đất, từ chỗ 85 triệu đồng/ha (năm 2011) tăng lên trên 138 triệu đồng/ha (năm 2016).
Theo ông Võ Văn Nghĩa -Phó Chủ tịch Hội ND thành phố Long Xuyên, đây là một trong những địa phương ngoại thành có nhiều mô hình phong phú và đa dạng, phát huy lợi thế và tiềm năng vùng đất cù lao. Với 1,2ha đất cồn, nông dân Nguyễn Thành Trung, phường Long Châu, thị xã Tân Châu chuyển sang trồng củ sắn xen ớt và bắp, thu nhập trên 435 triệu đồng/năm. Đối với cây bắp lai cũng “bám trụ” tốt, nông dân tăng thu nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, qua công tác tổ chức lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng hiệu quả, số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần, số hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 4 lần. Điều quan trọng hơn là còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với công việc thời vụ sản xuất và vận chuyển nông sản hàng hóa.
Related news
Với 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay thực hiện dự án nuôi bò sinh sản có “điểm tựa” để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Các đại lý của phân Văn Điển đã có mặt ở tất cả các địa bàn, sẵn sàng phục vụ bà con nông dân sản phẩm phân bón uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý
Công ty Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sẽ xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường khó tính nhất thế giới vào giữa năm 2017.