Nhiều Nỗ Lực Để Cây Cam, Quýt Đạt Ngưỡng 5.000 Ha
Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.
Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh có diện tích cam, quýt đã có nhiều biện pháp tổ chức thực hiện mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng cả về cây giống và chất lượng quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hiện trạng về diện tích cây cam, quýt trong tỉnh:
Năm 2012, do nhiều nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan nên diện tích cam, quýt trong toàn tỉnh chỉ có 1.675ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.411ha, sản lượng ước tính 9,4 nghìn tấn.
Đến hết năm 2013, thông qua triển khai thực hiện Đề án phục hồi cam sành; Chương trình nghiên cứu nguyên nhân suy giảm năng suất cam sành Hà Giang; triển khai Dự án Cam VietGAP tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, tổng diện tích cam, quýt toàn tỉnh hiện được nâng lên 3.624 ha, trong đó: Huyện Quang Bình 1.179,8 ha, Bắc Quang 2.139,4 ha, Vị Xuyên 230,8 ha.
Diện tích còn lại thuộc các huyện: Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ 11 ha, Xín Mần 7 ha và Bắc Mê 23 ha. Như vậy, căn cứ chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh phải trồng mới là 1.376 ha.
Trong quá trình triển khai các chương trình mở rộng diện tích trồng cam từ đầu năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã thực hiện một cách đồng bộ. Cơ chế, chính sách được UBND tỉnh và các ngành hoàn thiện, đặc biệt là việc phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện trong năm 2014. Người trồng cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia các chương trình.
Bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc như: Việc cụ thể hóa thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết từ tỉnh đến các ngành chuyên môn, các huyện còn chậm; ban hành chính sách để khuyến khích muộn dẫn đến việc tổ chức thực hiện chưa quyết liệt; chưa phân bổ kế hoạch chi tiết thực hiện chỉ tiêu đến các huyện; nguồn vốn đầu tư sản xuất cam còn gặp nhiều khó khăn.
Việc thực hiện vay theo Nghị quyết 47 HĐND tỉnh khó tổ chức thực hiện (quy định diện tích cam quá lớn); nhận thức của một số hộ gia đình tham gia chương trình vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, mức đầu tư còn thấp, mới chỉ đáp ứng được 30-35% so với quy trình kỹ thuật...
Những giải pháp mở rộng diện tích:
Để đạt được diện tích còn thiếu so với chỉ tiêu Nghị quyết, UBND tỉnh giao kế hoạch năm 2015 tập trung trồng mới tại 3 huyện trọng điểm với diện tích cụ thể: Bắc Quang 500 ha, Quang Bình 726 ha, Vị Xuyên 150 ha.
Đối với giải pháp về cây giống, trên cơ sở kế hoạch giao của tỉnh, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức đảm bảo sản xuất giống cam sành ghép đáp ứng đủ 500 ha trồng mới trong năm 2015 (trong năm 2014, trung tâm đã sản xuất 10 vạn cây giống cam sành Hà Giang mắt ghép, đến nay đã cung ứng được cho huyện Quang Bình 5 vạn cây, huyện Vị Xuyên hơn 2 vạn cây). Các giống cam khác 400 ha, diện tích còn lại 476 ha sẽ sử dụng cành chiết nhân giống tại chỗ.
Ngoài việc lấy giống từ Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức, UBND các huyện chủ động xây dựng phương án thực hiện trên địa bàn, chủ động liên hệ hoặc sản xuất tại chỗ để cung ứng đủ nhu cầu giống theo kế hoạch. Về cơ cấu, chủng loại giống các huyện tự lựa chọn, quyết định trên cơ sở đăng kí của nhân dân, tuy nhiên chất lượng, thủ tục, hồ sơ phải đảm bảo theo đúng quy định hiện hành về quản lí giống cây trồng. Trong diện tích cam trồng mới, giống cam sành Hà Giang được ưu tiên, là loại giống trồng chủ đạo, chiếm 70% cơ cấu giống.
Trong giải pháp về vốn, ngành Nông nghiệp – PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ giống cam. Đối với diện tích trồng bằng cây ghép, định mức hỗ trợ là 13,94 triệu đồng/ha, trồng bằng cành chiết và giống cam khác 12 triệu đồng/ha (giá cây ghép 35.000đ/cây, cành chiết 30.000đ/cành).
Trong công tác tổ chức thực hiện, Sở Nông nghiệp - PTNT, UBND các huyện thành lập tổ công tác phối hợp chặt chẽ với nhau để tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng đối với diện tích trồng mới năm 2015; UBND các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên thành lập mỗi huyện 2-3 tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc các xã tiến hành đăng kí, thẩm định đất... đồng thời chỉ đạo xuyên suốt cho đến khi hoàn thành chỉ tiêu của nghị quyết.
Có thể nói, để thực hiện được số diện tích còn lại trong việc mở rộng diện tích cây cam, quýt theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra, trong quá trình thực hiện sẽ còn có thể diễn ra những khó khăn. Tuy nhiên với những biện pháp, giải pháp phù hợp, cụ thể từ tỉnh đến huyện và các xã có diện tích cây cam trong tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp và Đảng bộ, chính quyền các địa phương, hy vọng rằng tỉnh ta sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32422&CatID=150&MN=26
Related news
Hiện, chất lượng gạo của Việt Nam kém là do cách làm ăn chụp giật của các thương lái, trộn lẫn các loại gạo cao cấp thấp cấp với nhau. Điệp khúc được mùa mất giá , nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp diễn do các bộ, ban ngành đang bỏ mặc nông dân.
Ông Sí Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Năng suất dưa chuột trung bình đạt 280 tạ/ha. Vụ dưa chuột năm nay, kế hoạch huyện giao là 36ha, nhân dân trồng được 43,7 ha, đạt 121,4% kế hoạch.
Nuôi tôm ở thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp sản phẩm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Diện tích nuôi tôm tại huyện Cần Giờ đạt 6.203ha, Nhà Bè 255ha và huyện Bình Chánh 60ha.
Theo đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh của tỉnh chỉ còn 4.072ha do có 428ha sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng; chuyển 202ha tôm sú quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến còn lại 13.149ha) và 1.280ha nuôi tôm sú - lúa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích mô hình này còn lại 7.620ha).
Vài chục cơ sở hành nghề này ở các khu vực giáp ranh: TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đã phải nợ lại mỗi nhà vườn 40 - 50 triệu đồng.