Nhiều ngư dân tính việc cho con nghỉ học
Cái ăn chưa đủ, nên việc học cho con cái đang là vấn đề khiến bà con ngư dân “đau đầu”.
“Nếu không được miễn, giảm học phí chắc ba mẹ kham không nỗi con ơi, e chừng phải nghỉ học” – câu nói ấy đã vang lên dưới nhiều nóc nhà.
“Con xin ba mẹ, đừng bắt con nghỉ học.
Con muốn đi học, con muốn đi học…” – Bùi Thị Khuyên vừa nói vừa lau nước mắt.
Khuyên là con gái thứ 3 trong gia đình có 4 người con của vợ chồng anh Bùi Đình Đăng và chị Hồ Thị Tươi (trú thôn 4, xã Gio Hải, Gio Linh).
Cách đây 10 ngày Khuyên còn hớn hở khoe khắp làng trên xóm dưới mình đậu Đại học Khoa học Huế.
Thế mà mấy hôm nay Khuyên khóc suốt vì nguy cơ bỏ học
. “Nhà có 4 đứa con, 2 đứa đang là sinh viên, bé Khuyên mới đỗ đại học, thằng út năm nay vào lớp 6.
Những năm trước đi biển ngày kiếm vài trăm ngàn còn gắng gượng lo cho con ăn học.
Nay cho bé Khuyên đi học sợ nuôi không nổi, rồi ra trường biết có xin được việc hay không.
Suốt ngày bé Khuyên cứ xin đi học nhưng mà… ” – anh Đăng thở dài.
Anh cho biết, nếu Nhà nước không có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thì e rằng phải cho con nghỉ học vì “cơm không có nhét vào bụng thì lấy đâu ra tiền đi học”.
Anh Hoàng Văn Liên (42 tuổi, trú xã Gio Hải) cho biết, đang vắt chân lên cổ chạy vạy khắp nơi kiếm hơn 4 triệu đồng nộp tiền học phí cho 2 đứa con gái lớp 8 và 9.
“Thiếu 2 triệu nữa mới đủ chú à.
Khó lắm, cá chết, dân biển ai cũng khổ nên chẳng biết mượn ai.
Vợ tôi phải qua Lào làm thuê kiếm tiền rồi.
Còn tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Mong sao Nhà nước có chính sách miễn, giảm học phí cho con em vùng biển chịu ảnh hưởng để có thể tiếp tục đến trường” – anh Liên nói.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị lần thứ 2, khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình đề án thu học phí năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 với nội dung sẽ xem xét việc không thu học phí theo thời điểm cụ thể đối với học sinh các vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố Formosa xả thải gây cá chết.
Tuy nhiên, đề án này đã không được HĐND tỉnh thông qua vì còn vướng mắc chuyện tăng học phí ở các vùng khác quá cao.
Related news
Hơn 20 năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Son được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh kế của nông dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Trong thời gian này, khi các loại thủy sản ven biển bị ô nhiễm, cá lồng nuôi trên sông Son càng khẳng định được thương hiệu, giá trị của mình...
Chỉ cần một chiếc cuốc nhỏ đơn sơ và một cái giỏ đựng, mỗi ngày người dân cũng săn được hàng chục kg hàu.
Từng là lâm tặc có tiếng ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ), gần 20 năm nếm đủ cay đắng, Phạm Hữu Mai đã “gác kiếm” chuyển sang nuôi cá lồng. Không ít người ngạc nhiên khi ở chốn rừng thiêng nước độc bỗng xuất hiện một tỷ phú cá lồng.