Nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả
Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Bến Tre (Dự án AMD) với mục tiêu là xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho nhóm hộ nghèo, cận nghèo, hộ nông dân, nhóm hợp tác, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều mô hình được đầu tư xung quanh đối tượng hỗ trợ thích nghi với điều kiện sinh thái vùng ngọt, lợ, mặn và ảnh hưởng từ BĐKH đã phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho đối tượng được hỗ trợ.
Mô hình trồng sầu riêng ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách). Ảnh: Thu Huyền
Mô hình sản xuất nấm bào ngư tại xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách) đã được Dự án AMD hỗ trợ thực hiện từ tháng 6-2017. Mỗi năm sản xuất 2 vụ, mỗi vụ khoảng 3 tháng. Loại nấm sản xuất là nấm bào ngư xám với 2 thành viên tham gia. Số lượng sản xuất là 4.000 phôi/vụ trên diện tích 30m2. Giá mỗi bịch phôi là 3.500 đồng. Sau khi thu hoạch, tiếp tục sử dụng rơm để ủ nhằm tận dụng những bịch phôi còn có khả năng cho nấm rơm. Bã rơm sau khi ủ được tận dụng để bón cho cây trồng. Mô hình đầu tư 2 vụ 8.000 bịch phôi, vốn 28 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư cho trại chất giống và các dụng cụ vật tư khác khoảng 6 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch được 1.200kg nấm/năm với doanh thu 48 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận thu được được 14 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập từ nấm bào ngư, còn có thêm thu nhập từ nấm rơm 20 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng hoa kiểng được thực hiện từ tháng 8-2017, do Dự án AMD đầu tư với tổng chi phí 16 triệu đồng để mua cây giống, vật tư và dụng cụ chăm sóc hoa kiểng. Mô hình thực hiện tại ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Với sản phẩn chủ yếu là hồng lộc. Quy mô thực hiện là 800 cây trên diện tích 500m2 cùng với 2 lao động, tổng vốn đầu tư 30 triệu đồng. Qua thời gian trồng, chăm sóc đến nay đã bán được 90 cây với giá 40 ngàn đồng/cây. Nếu thu hoạch hết 800 cây thì lợi nhuận 35,75 triệu đồng, lợi nhuận 292% cùng với lợi nhuận lao động 17,85 triệu đồng/năm.
Mô hình tưới phun tiết kiệm thực hiện tại ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú trên cây xoài tứ quý. Diện tích đầu tư của mô hình là 2.000m2 với tổng số xoài là 100 cây. Mô hình thực hiện từ tháng 2-2018. Tổng chi phí đầu tư là 16 triệu đồng. Thực tế xã Thạnh Phong nằm trên đất giồng cát, khả năng giữ nước của đất rất kém. Nông dân tưới cho cây mỗi ngày 2 lần với thời gian 1 giờ/1.000m2 và mỗi lần tưới cần kéo dây tưới rất khó khăn.
Mô hình sản xuất cây đầu dòng trên sầu riêng được thực hiện tại ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách). Dự án đầu tư là để bán bo giống cho các hộ sản xuất cây giống. Dự án thực hiện trên diện tích 1.000m2 với 60 cây sầu riêng giống Mon Thon. Khâu chăm sóc cũng được tiến hành bình thường như các loại cây sầu riêng để trái, chỉ có điểm khác là chủ hộ có thể bán thêm cành nhánh cho người mua để làm bo ghép trên cây sầu riêng con. Thời gian trồng từ tháng 12-2017 với tổng vốn đầu tư 12 triệu đồng, trong đó Dự án AMD hỗ trợ 6 triệu đồng. Sau 2 năm trồng có thể bắt đầu bán nhánh để ghép bo. Như vậy, ngoài thu nhập từ bán trái sầu riêng thì mỗi năm vườn sầu riêng cây đầu dòng còn có thể tăng thu nhập từ việc bán bo ít nhất 4,8 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà nòi lai lấy trứng ấp, thực hiện tại tổ hợp tác ở xã An Hiệp (Ba Tri), được thực hiện từ tháng 12-2017. Mô hình nuôi có diện tích 30m2 với 500m2 đất trồng cỏ. Chỉ sử dụng 1 lao động và tận dụng thời gian rỗi khoảng 3 giờ mỗi ngày, với thời gian nuôi là 6 tháng. Dự án tài trợ con giống, thức ăn, gồm 20 triệu đồng với 70 gà mái hậu bị, 7 gà trống. Sau 3 tháng nuôi có thể thu hồi vốn, từ tháng thứ 4 bắt đầu có thu nhập 4 triệu đồng/tháng và thời gian gà đẻ kéo dài khoảng 15 tháng. Cuối vụ còn thu nhập một phần nhỏ từ gà loại thải giá bằng phân nửa giá gà thịt.
Related news
Để hạn chế dịch bệnh phát sinh thì chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học là phương pháp hiệu quả và an toàn hơn hết. Sau đây là một số lưu ý trong chăn
Vật nuôi chiếm đến 5% sản lượng khí nhà kính do con người tạo ra nhưng một chủng rong biển có thể giảm đáng kể tỉ lệ đó
Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện biên giới này rất mới mẻ nhưng lại có nhiều tiềm năng phát triển.