Nhiều mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thành công
Nhận thấy nhiều lợi thế của con cá rô phi, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình nuôi thâm canh đối tượng này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi thâm canh mang cá rô phi lại hiệu quả kinh tế cao
Các giống cá rô phi được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh lựa chọn đưa vào nuôi như: cá rô phi đơn tính Đài Loan, rô phi đỏ, rô phi Cát Phú và rô phi Đường Nghiệp… triển khai tại các xã khó khăn của huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà…
Với mật độ thả 2 - 3 con/m2, vào khoảng tháng 3 âm lịch bà con tiến hành cải tạo ao đầm, tháng 4 thả cá giống và bắt đầu thu tỉa vào tháng 8 đến cuối năm. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt cỡ 0,6 - 1 kg/con, sau 10 tháng có thể đạt 1,2 - 1,5 kg/con, tỷ lệ sống trên 80%, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, màu sắc đẹp. Năng suất đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ, giá bán 30.000 - 50.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha/vụ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lý tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh với quy mô 0,7 ha. Khi mới thả, cá bị sốc độ mặn và chết khá nhiều, nhưng được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông theo sát hỗ trợ, anh Lý đã kịp thời xử lý, tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Sau 6 tháng nuôi, cá lớn rất nhanh, đạt cỡ 0,9 kg/con, chất lượng thịt cá hơn hẳn các điểm nuôi cá rô phi trong ao nước ngọt mà Trung tâm triển khai năm 2016. Với giá bán tại hồ là 50.000 đồng/kg, anh Lý thu về trên 50 triệu đồng.
Gia đình chị Đặng Thị Long, tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, xây dựng ao nuôi trên vùng đất trồng lúa nhiễm phèn nặng. Hai năm trước chị thả nuôi cá leo, cá lóc nhưng không thành công do độ phèn quá cao (pH < 4). Năm 2018, được sự hỗ trợ cả về kinh tế và kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chị đã mạnh dạn tham gia đối ứng xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh với quy mô 0,6 ha. Sau 5 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 0,6 kg/con, ước sản lượng 9 tấn; hiện thương lái đến tận hồ đặt vấn đề thu mua với giá 40.000 đồng/kg, ước lợi nhuận gần 50 triệu đồng, cao gấp hơn 5 lần trồng lúa trước đây.
Cá rô phi là đối tượng nuôi có nhiều lợi thế như chất lượng thịt ngon, dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh, giá cả phải chăng. Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh nhận định, đưa đối tượng này vào nuôi sẽ giúp “giải cứu” nhiều vùng đất trồng lúa bị nhiễm phèn, năng suất thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, nguy cơ có thể bị bỏ hoang. Đồng thời, đây sẽ là hướng đi mới giúp người dân nâng cao thu nhập ngay trên ao, ruộng của mình.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Related news
Cá được sản xuất ở mật độ cao trong lồng treo trong ao cá riêng hoặc trong vùng nước đặc khu. Hầu hết các loài nuôi trồng thuỷ sản được sản xuất trong lồng
Nitrit đi vào một hệ thống nuôi cá sau khi thức ăn được cá tiêu hóa và nitơ thừa được chuyển thành amoniac, sau đó được bài tiết như chất thải vào nước
Bổ sung hỗn hợp chiết xuất tự nhiên gồm keo ong và lô hội có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống và chức năng miễn dịch của cá rô phi trước một số dịch bệnh.