Nhập cả trăm tấn kháng sinh cấm để… nuôi trồng thủy sản
Cục Thú y cho biết, chỉ riêng trong năm 2015, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin với khối lượng 109.440kg, 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu Oxytetracyclin với khối lượng 284.900kg. Ngoài ra còn có 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline. Tất cả các công ty đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích sản xuất thuốc thú y. Đây là ba nhóm nguyên liệu kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Tình trạng nhập khẩu khối lượng lớn các loại kháng sinh, nguyên liệu kháng sinh này đã dẫn tới việc sử dụng tràn lan kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Bằng chứng là kết quả lấy mẫu, kiểm tra mẫu các hộ nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL mới đây cho thấy, có đến 82,7% số hộ nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang sử dụng kháng sinh, bao gồm cả kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Amoxicillin, Ampi, Enrofloxacin, Tetracyclin…
Ngoài ra, tỉ lệ các hộ ương nuôi cá tra giống, nuôi tôm thương phẩm cũng ở mức cao báo động, hậu quả là tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều nước trả về do tồn dư kháng sinh với tỉ lệ cao.
Cụ thể, trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, Cục Thú y đã tổ chức triển khai khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL. Kết quả cho thấy có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Tỉ lệ này đối với các hộ nuôi tôm là khoảng 68%.
Theo nhận định của Cục Thú y, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy sản những năm qua đã ở mức báo động, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng. Trong khi đó, việc nhập khẩu các loại kháng sinh này thời gian qua vẫn rất phổ biến.
Do đó, Cục Thú y đề xuất tập trung thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu và lạm dụng kháng sinh đối với các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản gồm Enrofloxacin, Nitrofuran. Các chất hạn chế sử dụng trong chăn nuôi và thủy sản như Tetracycline, Oxytetracycline cũng được Cục Thú y yêu cầu kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu.
Related news
Một triệu con tôm sú giống và 23 ngàn con cá chẽm, ốc hương giống cỡ 20mm đến 30mm đã được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Khánh Hòa tiến hành thả xuống đầm Nha Phu vào sáng 1/4. Hoạt động này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2016).
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực thuỷ sản, từ đó nâng cao hiệu quả các hoạt động nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Đây là nền tảng để phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2015, diện tích thu hoạch cá tra khoảng 3.600ha, sản lượng trên 1 triệu tấn (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014) với năng suất trung bình đạt 285 tấn/ha (so với năm 2014 là 279 tấn/ha). Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 11,5%.