Nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi tại Quảng Bình
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi tại huyện Bố Trạch. Đây là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Tôm càng xanh phù hợp với đặc điểm sinh thái vùng nuôi nhiễm mặn
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai nuôi thử nghiệm tôm càng xanh ở vùng phá Hạc Hải của 2 xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), nhận thấy tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Để khuyến cáo người dân chuyển đổi vùng đất nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh, năm 2019, Trung tâm đã tiếp tục triển khai hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch).
Sau khi thẩm định thực tế địa điểm nuôi, Trung tâm đã ký hợp đồng trực tiếp triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh với hộ ông Trần Văn Nghĩa, quy mô 12.000m2 và hộ ông Phan Văn Thanh, quy mô 7.000m2. Điểm nuôi là vùng chiêm trũng nhiễm mặn, trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả thấp. Ao cũ của các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật Trung tâm hướng dẫn tiến hành bơm cạn; tu sửa lại bờ ao, cống cấp thoát nước; vét bớt lớp bùn đáy, cỏ cây và để lại phần cỏ năn để tôm lên trú ẩn; bắt và diệt ốc, diệt cá tạp bằng thuốc Saponin; bón vôi khử trùng. Sau 4-5 ngày mới tiến hành cấp nước cho ao; nước được lọc qua lưới lọc mịn. Sau 3-4 ngày, cán bộ kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng các thông số, yếu tố môi trường ao nuôi đảm bảo mới tiến hành thả giống.
Giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cơ cở sản xuất giống đóng ở tỉnh Bạc Liêu. Tôm giống khi thả có kích cỡ PL15, bơi lội khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng. Mật độ thả 10 con/m2, số lượng giống thả 190.000 con/2 hộ. Sau 6 tháng thả nuôi, hiện trọng lượng tôm thu hoạch trung bình khoảng 25 con/kg, với tỷ lệ sống trên 50%, giá bán khoảng 200.000 -230.000 đồng/kg.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, chủ hộ nuôi thì tôm càng xanh phù hợp với đặc điểm sinh thái vùng nuôi nhiễm mặn. Trong quá trình nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, chưa thấy dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thì mô hình triển khai đạt mục tiêu đề ra, qua theo dõi cho thấy tôm càng xanh hoàn toàn phù hợp với điều kiện nuôi của tỉnh, là đối tượng có giá trị kinh tế.
Related news
Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi nên lựa chọn loại thức ăn đảm bảo có thành phần phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của tôm.
Để tiết kiệm chi phí nuôi và mang lại thành công của một vụ nuôi, khi lựa chọn thức ăn cho tôm, người nuôi cần chú ý ba vấn đề sau: Cảm quan, kích thước; độ bền
Năm 2016 vẫn là năm được dự báo ít mưa, khô hạn, dễ xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài, hình thái thời tiết này không có lợi cho nuôi thủy sản.