Nhãn Hiệu Chứng Nhận Gà Đồi Phú Bình Lợi Ích Thiết Thực Cho Người Chăn Nuôi
Trung bình mỗi lứa, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, ở xóm Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình - Thái Nguyên) nuôi 4.000 con gà đồi. Từ chăn nuôi gà đồi, gia đình ông đã thoát được nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá của xã.
Một niềm vui vừa đến với người chăn nuôi Phú Bình (Thái Nguyên), đó là ngày 11-11-2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Đây là nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi đầu tiên của tỉnh được bảo hộ, từ đó mở ra cơ hội lớn đối với những hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết: Thái Nguyên có rất nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm gắn liền với tên địa danh.
Để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, những năm qua, Sở KH-CN đã tập trung vào việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ KH-CN.
Việc phối hợp với UBND huyện Phú Bình tạo lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm“Gà đồi Phú Bình” là giải pháp thiết thực nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và giá trị kinh tế cho người chăn nuôi…
Chúng tôi đến Tân Khánh, một trong những xã chăn nuôi gia cầm lớn nhất ở huyện Phú Bình. Ông Nguyễn Xuân Mão, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi biết thông tin UBND huyện phối hợp với Sở KH - CN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà đồi của địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn rất vui mừng.
Toàn xã hiện có trên 330.000 con gia cầm. Tại thời điểm này, cứ 1.000 con gà thịt được xuất chuồng, các hộ chăn nuôi thu lãi từ 45 - 50 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi gà thịt, nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn giàu lên. Tôi tin sau khi sản phẩm gà của địa phương xây dựng được thương hiệu, giá trị kinh tế sẽ còn nâng lên nhiều.
Được biết, trong quá trình thực hiện các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”, cùng với nhiều hộ chăn nuôi khác ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, hơn 40 chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gà ở xã Tân Khánh đã được tập huấn về sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, chủ trang trại nuôi gà ở xóm Cà chia sẻ: Tôi bắt đầu chăn nuôi gà thả đồi từ năm 2010 và thoát nghèo nhờ nuôi gà. Tuy nhiên, có những thời điểm, giá gà xuống rất thấp, khiến cho kinh tế gia đình tôi gặp khó khăn.
Ví dụ như đầu năm nay, giá gà chỉ còn 30.000 đồng/kg, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, gia đình tôi đã bị thua lỗ hàng chục triệu đồng. Tôi hy vọng sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình”, lãnh đạo địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm gà đồi, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi…
Còn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã chăn nuôi Liên Minh (xã Tân Khánh) thì: Thực tế, vào năm 2012, chúng tôi đã từng mang sản phẩm gà đồi đến giới thiệu tại một số hội chợ, tuy nhiên do chi phí đi lại, thuê quầy quá cao nên Tổ hợp tác không thể duy trì việc quảng bá cho sản phẩm. Đầu năm nay, khi UBND huyện xúc tiến việc xin cấp nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình”, sau khi được tập huấn các hội viên trong Tổ hợp tác đã tự áp dụng quy trình chăn nuôi gà đồi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quản lý tốt nhãn hiệu sau khi được công nhận.
Đến thăm nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm ở Phú Bình, chúng tôi nhận thấy các hộ dân rất phấn khởi hưởng ứng việc xây dựng và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm gà đồi. Ông Đinh Văn Hùng, ở xóm Đồng Bốn (xã Tân Thành) cho biết: Sau khi được tham gia lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, tôi đã biết được lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, học được các kiến thức để quản lý và sử dụng nhãn hiệu.
Đặc biệt là các hộ chăn nuôi nắm chắc quy trình để sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của sản phẩm đối với từng loại như: sản phẩm gà giống, gà thịt, thịt gà đã chế biến và thực phẩm làm từ thịt gà để tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn là sau khi huyện được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” sản phẩm này có bán được với giá cao hơn không, bởi hiện nay giá cả vẫn phụ thuộc vào thương lái thu mua quyết định.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhìn chung mong chờ của người dân vào nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” tập trung vào 2 vấn đề, đó là đầu ra và giá bán sản phẩm.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được từ các hộ chăn nuôi gà ở huyện Phú Bình thì sản phẩm gà đồi ở đây được các thương lái thu mua đánh giá cao về chất lượng, nhưng giá gà đồi Phú Bình thấp hơn từ 20-30% so với gà đồi Yên Thế và đầu ra hiện nay vẫn còn thiếu ổn định.
Về những băn khoăn của người chăn nuôi gà, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình khẳng định: Mục đích chính của việc xin cấp nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” là đem lại lợi ích cho người chăn nuôi. Hiện nay, UBND huyện đang cùng lúc thực hiện kế hoạch thành lập các hợp tác xã chăn nuôi và đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở xã Xuân Phương và Bảo Lý.
Ngay sau khi công bố nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở KH-CN hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình”; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của nhãn hiệu chứng nhận cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xử lý triệt để những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Đồng thời, tập trung ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào quá trình chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” thông qua các diễn đàn và doanh nghiệp để kết nối với thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng với đó, tiến hành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” tại các thị trường nước ngoài tiềm năng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này trong thời gian tới...
Sau một thời gian dài chờ đợi, sản phẩm gà đồi của huyện Phú Bình đã có được thương hiệu. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý và những thành viên đăng ký sử dụng, chúng ta tin tưởng rằng, nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” sẽ ngày càng phát huy được tối đa giá trị, tự tin bước vào thời kỳ hội nhập, hứa hẹn mang đến những triển vọng tốt đẹp và góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện Phú Bình nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (1 chỉ dẫn địa lý, 12 nhãn hiệu tập thể và 2 nhãn hiệu chứng nhận). “Gà đồi Phú Bình” là nhãn hiệu đầu tiên đối với sản phẩm chăn nuôi của tỉnh được bảo hộ. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” bao gồm: gà giống, gà thịt, thịt gà đã chế biến, thực phẩm làm từ thịt gà, trứng gà. Các giống gà được mang nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” là: gà Ri, gà Mía lai, gà J-Dabaco, được nuôi tại tất cả các xã trên địa bàn huyện Phú Bình.
Nguồn bài viết: http://tttd.vn/Thi-truong/Thai-Nguyen-cong-bo-nhan-hieu-chung-nhan-Ga-doi-Phu-Binh--1000040531.htm
Related news
Hiện đang bắt đầu vào mùa bẫy tôm hùm con. Trên địa bàn thành phố Phan Thiết, nhiều ngư dân đã tiến hành đặt bẫy tại các vùng biển ven bờ. Mặc dù Chỉ thị 01 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về quản lý bẫy, bắt tôm hùm con đã cấm bẫy, bắt tôm hùm con từ ngày 1/3 đến 30/9 hàng năm, đồng thời cấm đặt bẫy tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền; các vùng cửa sông, cửa biển và các luồng tuyến giao thông đường thủy tàu thuyền thường xuyên qua lại.
Ngày 11/7/2014, tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức thả gần 1.000 kg cá các loại như cá lóc, cá chép, cá rô,… xuống môi trường tự nhiên trên sông Vàm Cỏ Đông.
Theo các chủ dựa cá ở chợ ấp 5, nước lũ đầu nguồn đang rút nhanh, số lượng cá đổ ra sông khu vực xã Vĩnh Xương rất nhiều, hàng ngày có nhiều xuồng, ghe lớn nhỏ của các ngư dân tham gia đánh bắt, chủ yếu là cá linh, mè vinh, cá dãnh, cá ét, cá chốt… có giá từ 5.000 đến 15.000đ/kg.
Theo các nhà khoa học, giống cừu Phan Rang được hình thành hơn 100 năm nay. Trải qua điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với môi trường sinh thái của tỉnh, là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Với 160.000 ha diện tích mặt nước biển và gần 600 hòn đảo, thế mạnh của Vân Đồn là khai thác tiềm năng biển đảo, đặc biệt là ngành thuỷ sản. Do đó, thời gian qua huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung nguồn lực phát triển bền vững lĩnh vực này.