Nhà nông chết đứng cùng cây mía
“Mất hết rồi chú ơi!”
“Nắng có cháy da thịt cũng ráng chịu chớ biết làm sao. Chúng tôi không sợ cái nắng như lửa đốt này, mà chỉ sợ mía nhà mình chết hết, con cháu chúng tôi biết lấy gì mà ăn” – ông Võ Văn Quân (58 tuổi, ngụ ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) ngao ngán thở dài. Ngồi kế bên chồng, bà Thám (vợ ông Quân) nói như khóc: “Mất hết rồi chú ơi. Mấy tháng qua vợ chồng tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để giữ mía, nhưng chắc không được gì”.
Gia đình ông Quân có hơn 0,5ha đất trồng mía. Vụ mùa năm nay, ông tốn vài chục triệu đồng tiền đầu tư. Thế nhưng khi mía đang trong giai đoạn cho đường, thì đùng một cái nắng hạn kéo đến, nước mặn bao vây khắp vùng Cù Lao Dung khiến ruộng mía nhà ông Quân chết khô từng ngày. “Mía năm nay “đắng” quá. Hơn 30 năm trồng mía, tôi chưa từng gặp cảnh nào như thế này” – ông Quân chua chát nói.
"Diện tích mía bị thiệt hại không chỉ khiến cho bà con nông dân thua lỗ, mà còn đẩy Nhà máy đường Sóc Trăng với công suất 1.000 tấn mía/ngày (sản lượng đường đạt mức 15.000 tấn/ năm) trước nguy cơ thiết hụt nguồn nguyên liệu để hoạt động”.
Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng
Chung cảnh với gia đình ông Quân, mấy ngày qua bà Trần Thị Khanh chạy đôn chạy đáo tìm nước ngọt cứu mía. “Gia đình tôi có gần 2ha đất trồng mía. Năm nay tôi phải tốn nhiều chi phí ở khâu xuống giống, vì trồng hai lần mới có ruộng mía xanh tốt. Nhưng cây mía đến 10 tháng tuổi thì nước mặn tràn vào ngập rẫy. Cứ thế mặn tấn công ngày càng ác liệt, làm cho cây mía vàng lá, chết rụi dần” – bà Khanh mếu máo.
Không chỉ có ở Cù Lao Dung, hàng ngàn hộ dân trồng mía ở miệt Thới Bình (Cà Mau) và huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang cũng đang đứng ngồi không yên. “Hiện độ mặn đo được dưới các kênh trong nội đồng hơn 15%o, với độ mặn này cây mía không tài nào sống được. Hàng ngày ra ruộng mía, đứng nhìn nó khô héo, chỉ biết khóc rồi đi về, chứ không cón cách nào khác”– ông Trương Tấn Liêm, có hơn 2ha đất trồng mía ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, than.
Bỏ xứ… vì mía
Đối với người trồng mía ở các tỉnh miền Tây, giá mía nguyên liệu bấp bênh trong những năm qua đã làm thua lỗ. Riêng năm nay, hạn và mặn khiến cây mía chết, nên họ trắng tay, một số hộ lâm cảnh nợ nần phải bỏ xứ đi làm thuê nơi khác kiếm sống.
Bà Trần Thị Lệ ở huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết, 2 người con trai lớn của bà đã phải lên Đồng Nai làm công nhân, vì mấy công mía gia đình không đủ ăn. “Năm trước, khi cây mía gần đủ 12 tháng thân cao 2,5-3m. Năm nay do mặn tấn công nên cây mía èo uột, cao dưới 1,5m, thương lái họ chê không mua”– bà Lệ nói. Chung cảnh ngộ, ông Võ Văn Quân lo năm nay gia đình sẽ lỗ gần 40 triệu đồng. “Hai đứa con của tôi cũng theo bạn bè lên Sài Gòn tìm việc làm. Làm cha mà để con phải tự lo cái ăn tôi đau lắm” – ông Quân tâm sự.
Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đã có hơn 7.000ha mía của bà con ở huyện Cù Lao Dung bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn. Trong đó, diện tích bị mất trắng khoảng 1.200ha; bị thiệt hại từ 50% trở lên gần 700ha; còn lại hơn 5.000ha bị thiệt hại từ 30 - 50%. Năng suất giảm còn trên dưới 30 tấn/ha, chất lượng chữ đường cũng giảm mạnh” .
“Nước mặn đã tấn công vào các vùng quy hoạch trồng mía của huyện Thới Bình. Hiện tại có hơn 750ha bị ảnh hưởng, không phát triển được khiến chữ đường không đạt cao, nông dân thua lỗ” – ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm.
Để giảm bớt thiệt hại, Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người trồng mía đẩy nhanh tiến độ thu hoạch (có trên 2.000ha mía được thu hoạch xong); không xuống giống vụ mới ngay mà đợi đến mùa mưa vào khoảng tháng 6 tới.
Còn ông Nguyễn Hoàng Lâm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, ngành nông nghiệp đang có phương án trình chuyển đổi cây trồng từ mía sang một số loại cây trồng khác.
Related news
Khác với cảnh cây trái sum suê, trĩu quả của những năm trước đây, những ngày này, ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) – nơi được mệnh danh là “vương quốc” cây trái, hoa kiểng, cây giống miền Tây – những vườn cây trở nên tàn lụi do mặn xâm nhập bất ngờ, người dân trở tay không kịp.
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, xảy ra trên diện rộng và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã đưa ra giải pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản ứng phó tình hình này.
Hiện nay, nhiều nông dân của huyện Bác Ái (Ninh Thuận) thành công với mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà. Nấm bào ngư dễ trồng, đầu ra ổn định và đặc biệt là tận dụng nhiều diện tích nhỏ.