Nhà nông cảnh giác chất cấm
Mất ăn mất ngủ vì chất cấm
Năm 2015 có lẽ là một năm nhiều sóng gió của nông dân Nguyễn Viết Anh (ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai). Nhiều năm trong nghề chăn nuôi nhưng chưa bao giờ ông Viết Anh nghĩ rằng, bản thân sẽ bị cơ quan chức năng “bêu tên” là trang trại đã sử dụng chất cấm, chất tạo nạc… Ngay cả khi đã bị nhiều cơ quan báo chí nêu tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Anh cũng chưa hiểu nguồn gốc chất cấm tồn dư trong trang trại là ở đâu ra.
Theo đó, là chủ 1 trong 2 trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) bị Đoàn thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện có dư lượng Salbutamol vượt mức cho phép, nhiều tháng liền ông Anh đã mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Phần khác, “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa hơn”, thông tin heo xuất bán từ trại ông Anh bị phát hiện có dư chất cấm khiến nhiều thương lái thu mua lo ngại.
Ông Viết Anh cho biết, gia đình ký hợp đồng nuôi gia công cho C.P từ năm 2008, mỗi lứa khoảng 3.000 con. Tất cả con giống, thuốc, thức ăn chăn nuôi đều do phía Công ty C.P cung cấp, hộ của ông chỉ nuôi và tuân thủ các quy định của công ty.
“Chúng tôi không biết chất cấm, chất tăng trọng là gì cả. Công ty giao con giống, giao cám, thuốc và chúng tôi chỉ có việc chăm sóc, cho ăn, quản lý chuồng trại sao cho lợn lớn đều, khỏe, ngoài ra không được quyền làm gì khác” - ông Anh nói. Từ ngày bị cơ quan chức năng phát hiện có dư lượng chất cấm trong lô heo của gia đình, ông Anh và gia đình ngày đêm lo lắng vì sợ phía công ty sẽ cắt hợp đồng gia công.
Từ 1.7 tới đây, bà con nông dân nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy lô sản phẩm, đồng thời sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù đến 20 năm. Do đó, bà con vừa mất trắng vừa vướng tù tội nên phải tránh xa với các loại chất cấm này”.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NNPTNT
Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi heo không còn công khai, phổ biến như thời điểm trước đây. Phần lớn bà con nông dân đều đã nhận thức được mức độ nguy hại của các chất cấm này đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Chưa kể, hiện tại, giá thu mua heo nhiều nạc cũng đã giảm sâu so với loại heo nhiều mỡ (có trọng lượng từ 100kg trở lên). Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, giá thu mua heo mỡ đạt từ 55.000 – 56.000 đồng/kg trong khi heo nạc, chắc thịt, trọng lượng dưới 100kg chỉ có giá 52.000 đồng/kg.
“Người tiêu dùng cũng đã khôn ngoan hơn trong việc chọn lựa giữa thịt heo nhiều nạc do sử dụng chất cấm và thịt heo an toàn. Ngoài ra, các chuỗi chăn nuôi sạch, an toàn cũng đang phát triển tốt, chất cấm dần dần bị loại bỏ dần” - ông Báu cho hay.
Sợ chất cấm hay sợ bị bỏ tù?
Suốt một thời gian dài, các chất tạo nạc như Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol trong chăn nuôi khiến người tiêu dùng lo ngại, ngoảnh mặt quay lưng với chính sản phẩm chăn nuôi trong nước. Kết quả là giá thịt giảm sâu, nguồn thu nhập của hàng triệu nông dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, trong nhiều năm liền, việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc diễn ra rất phổ biến, công khai tại các trại chăn nuôi. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng đồng thời, khiến việc chăn nuôi ngày càng khó khăn. Theo ông Đoán, tồn dư chất cấm có thể “ẩn mình” dưới nhiều dạng trong chăn nuôi như thức ăn, premix, các loại thuốc thú y… Do đó, từ khi việc sử dụng chất tạo nạc bị người tiêu dùng lên án, nhiều nông dân loay hoay trong việc chọn quy trình chăn nuôi an toàn cho bản thân.
Bà Nguyễn Thị Lộc - hộ chăn nuôi có hơn 100 heo nái đẻ ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước đây, để tiết kiệm chi phí, bà Lộc tự mua các nguyên liệu như bắp, đậu nành, bột cá và các loại premix để tự trộn làm thức ăn cho đàn heo. Tuy nhiên, khi sử dụng thức ăn tự trộn, bà Lộc phải tăng cường dùng thêm nhiều các sản phẩm kích thích tăng trưởng để đảm bảo năng suất. Mặc dù vậy, bà Lộc gần như không kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào. Nay, lo ngại tồn dư chất cấm trong heo khi xuất chuồng, bà Lộc chuyển sang mua thức ăn công nghiệp của các doanh nghiệp lớn, có uy tín. “Làm vậy, lỡ có chuyện gì cũng có chỗ để mà truy xuất nguồn gốc, có phía công ty họ cùng chịu trách nhiệm” - bà Lộc cho biết.
Còn theo ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, mới đây, thông tin nông dân sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tù nên nhiều bà con tỏ ra… vui mừng. Theo ông Quyết, việc sử dụng chất tăng trọng, chất cấm, thuốc BVTV gần như trở thành thói quen của nhiều nông dân. Thói quen này đã ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với nông sản nội địa.
“Chúng ta nỗ lực kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng một khi người tiêu dùng e ngại hàng nội sẽ quay sang ưu tiên hàng nhập khẩu”- ông Quyết nói.
Related news
Mặc dù có tới 70% diện tích đất tự nhiên là đồi gò, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng chỉ sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có 13/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên.
Mảnh đất ven sông ở thôn Đồng Sáo, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) trước đây toàn thùng trũng, cỏ mọc tốt hơn lúa. Vậy mà anh Lưu Văn Chinh đã chinh phục, cải tạo thành trang trại cho doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng.
Năm 2015, Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về chế biến hạt điều. Tuy nhiên, khi ở ngôi vị quán quân, ngành điều của Việt Nam vẫn có nhiều khó khăn và thử thách, lọ mọ “gót chân Asin”.