Nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao
Cho đến nay, virus cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện trên người, gia cầm và môi trường tại Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam.
Như vậy, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N3, A/H5N8, A/H9…) xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nêu trên.
Do đó, để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác xâm nhập vào trong nước, hạn chế virus lây nhiễm và gây tử vong cho người gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm Cao Đức Phát vừa ban hành Công điện số 10598/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường công tác phòng, chống virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Nội dung công điện yêu cầu, các địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên các địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc.
Mặt khác, các đơn vị cơ sở cần tiến hành rà soát kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; cập nhật các chợ có buôn bán gia cầm sống, các điểm thu gom gia cầm sống có nguồn gốc không rõ ràng để tập trung giám sát đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Các đơn vị cơ sở tiếp tục tăng cường công tác giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu giám sát virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác trên gia cầm nhập lậu, gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống và môi trường nhằm phát hiện sớm virus xâm nhập để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh cúm, chủ động phối hợp với cơ quan thú y để điều tra xác minh, truy xuất nguồn gốc gia cầm có liên quan để xử lý triệt để.
Khi phát hiện có virus cúm A/H7N9 và chủng virus cúm mới xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường cần báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y để ngăn ngừa virus phát tán ra diện rộng, bao gồm cả biện pháp tạm dừng buôn bán gia cầm sống trong thời gian từ 7 đến 10 ngày đối với chợ có phát hiện virus cúm để tiêu độc khử trùng.
Related news
Theo ý kiến của cả chủ các trang trại và công ty sản xuất TĂCN, trong bối cảnh hiện nay thay vì chọn giải pháp “xung đột” về lợi ích, cả các chủ trang trại và doanh nghiệp phải bắt tay với nhau để đón “con sóng” lớn TPP.
Bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ đánh giá QĐ 580 là một chính sách hay nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.
Sau khi có dự án xóa bỏ cây thuốc phiện, đồng bào vùng rẻo cao thuộc xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chuyển sang trồng đào và mận tam hoa từ chục năm nay. Cây đào là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình nơi đây, nhưng năm nay do nở sớm nên bà con có nguy cơ bị mất trắng vụ đào này.