Nguy Cơ Bùng Phát Vàng Lùn - Lùn Xoắn Lá
Nhiều diện tích lúa hè thu (HT) sớm ở ĐBSCL đã bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) với tỷ lệ gây hại từ 10-30%. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thì nguy cơ dịch bệnh lây lan sang diện tích lúa HT chính vụ (xuống giống trong tháng 5, 6) là rất lớn.
“Xé rào” xuống giống, dính bệnh
TS. Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 128.238/283.500 ha lúa HT, chủ yếu tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành… Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, tuy nhiên có một số diện tích nông dân xuống giống trước lịch thời vụ ở hai huyện Giồng Riềng (gần 9.000 ha) và Tân Hiệp (4.700 ha) đang ở giai đoạn đòng trổ. Toàn tỉnh hiện có 1.684 ha lúa bị sâu bệnh, trong đó 197 ha bị bệnh VL-LXL gây hại với tỷ lệ trung bình từ 5-10%; chủ yếu xuất hiện trên trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ.
Riêng ở xã Tân Thành (Tân Hiệp) có 30 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ lên đến 30%. Theo điều tra cho thấy, đa số diện tích bị nhiễm bệnh VL-LXL là do nông dân không tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ ngay vào đợt rầy nâu di trú nên bị rầy tấn công, truyền bệnh.
Tại Hậu Giang, trong tổng số trên 67.000 ha lúa HT được nông dân xuống giống cũng đã có trên 500 ha bị bệnh VL-LXL gây hại. Mặc dù mức độ thiệt hại thấp nhưng diện tích bị bệnh lây lan rất nhanh. Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, tuần qua toàn tỉnh có 204 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL, nâng tổng số diện tích bị nhiễm từ đầu vụ lên 539,5 ha; tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành A và TP Vị Thanh. Trong đó, có 52,5 ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ từ 10-15% ở huyện Châu Thành A, còn lại nhiễm nhẹ. Theo ông Phúc, diện tích bị nhiễm bệnh chủ yếu là do nông dân gieo sạ không đúng lịch khuyến cáo của ngành.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVTV Cần Thơ cho biết, đến nay cơ bản nông dân đã xuống giống dứt điểm lúa HT, với tổng diện tích là 80.000 ha. Trong đó đã có 300 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL ở mức độ tương đối nặng, chủ yếu tập trung ở quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh.
Theo bà Kiều, nguyên nhân dẫn đến bệnh VL-LXL ở vụ lúa HT năm nay là do một số nông dân chạy theo giá, xé rào xuống giống trước lịch thời vụ. Hầu hết các trà lúa bị rầy nâu tấn công, truyền bệnh đều ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Ngành đã hướng dẫn nông dân tích cực chăm sóc những diện tích đã từng bị nhiễm bệnh để lúa phát triển bình thường trở lại.Nhờ phát hiện kịp thời nên các trạm BVTV tại địa phương kết hợp với nông dân đã tiến hành nhổ bỏ lúa bị nhiễm bệnh nhằm tách ly những cây khỏe còn lại. Đến nay dịch bệnh VL-LXL trên địa bàn TP đã cơ bản được khống chế, không để xảy ra lây lan trên diện rộng, chỉ còn khoảng 10 ha đang bị nhiễm.
Né rầy, diệt rầy đúng cách
Theo ông Võ Minh Phúc, giải pháp hiệu quả nhất để khống chế bệnh VL-LXL vẫn là gieo sạ tập trung, né rầy theo khuyến cáo của ngành chức năng. Hiện nay, có nhiều nông dân trộn thuốc trừ rầy vào lúa giống trước khi gieo sạ. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại hiệu quả, vì khi rầy trưởng thành mang mầm bệnh di trú từ nơi khác đến, chúng sẽ chích vào cây lúa. Khi rầy bị ngộ độc chết thì chúng đã truyền bệnh rồi. Do đó, chỉ nên phun thuốc trừ rầy khi phát hiện rầy ở độ tuổi 2, 3 và mật số trên 3 con/tép lúa để tránh tình trạng lây lan từ cây lúa bệnh sang cây lúa khỏe.
Việc nông dân xé rào xuống giống trước lịch thời vụ dẫn đến lúa bị nhiễm bệnh không chỉ bản thân bị thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng đến SX chung của khu vực.
TS. Trần Quang Giàu cho rằng, tỷ lệ rầy mang virus gây bệnh VL-LXL trên địa bàn tỉnh là 20%. Khi các trà lúa gieo sạ sớm thu hoạch sẽ làm rầy di trú, gây ảnh hưởng đến diện tích lúa HT chính vụ gieo sạ trong tháng 5 và đầu tháng 6 này. Vì hiện nay toàn tỉnh vẫn còn trên 50% diện tích chưa xuống giống.
“Trước nguy cơ bệnh VL-LXL tái bùng phát thành dịch trên diện rộng, ngành đã thông tin rộng rãi cho nông dân biết để chủ động phòng trừ, cử cán bộ điều tra khoanh vùng và hướng dẫn nông dân dập dịch. Đối với diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng, trổ, nếu phát hiện bị bệnh VL-LXL thì phải tiến hành nhổ hủy cây lúa, nếu ruộng bị nhiễm trên 30% thì phải cày vùi và tuyệt đối không phun thuốc ngừa rầy nâu khi rầy xuất hiện với mật số thấp. Còn đối với diện tích lúa HT chuẩn bị xuống giống, cần gieo sạ tập trung đồng loạt, né rầy theo đúng lịch thời vụ và áp dụng quy trình "3 giảm 3 tăng" để tránh dịch hại bộc phát”, ông Giàu khuyến cáo.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, năm nay tỉnh xuống giống lúa HT trễ hơn một số tỉnh lân cận nên tránh được đợt rầy mang virus gây bệnh VL-LXL. An Giang đã xuống giống đạt 90% diện tích trong tổng số 232.000 ha lúa HT, chủ yếu là xuống giống tập trung trong tháng 4.
Theo ông An, mặc dù trên địa bàn tỉnh dịch bệnh VL-LXL xuất hiện chưa nhiều và mức độ gây hại thấp nhưng nguy cơ là rất cao. Vì vậy, ngành khuyến cáo bà con nông dân không nên chủ quan. Theo dự báo, sắp tới sẽ có đợt rầy nâu di trú gây ảnh hưởng đến diện tích lúa đã gieo sạ. Chính vì vậy, nông dân cần “né rầy” bằng cách xuống giống đồng loạt, tuân thủ gieo sạ đúng lịch thời vụ và thường xuyên thăm đồng để phát hiện và khống chế dịch bệnh kịp thời.
Related news
Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh nhấn mạnh từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2000, ngành kinh tế mắc ca đã manh nha hình thành khi giá trị kinh tế loại cây trồng được mệnh danh “hoàng hậu của các loại hạt khô” không hề nhỏ.
Hàng trăm tàu cá làm nghề giã cào của ngư dân thành phố bám biển ngày đêm khai thác. Thường từ 0 giờ các tàu cá xuất bến đi khai thác ruốc, đến sáng hoặc trưa cùng ngày cập Cảng cá Quy Nhơn để bán. Mỗi tàu cá khai thác được từ 2 - 7 tạ ruốc, cá biệt có tàu cá khai thác đến hơn cả tấn ruốc.
Theo Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên, trong năm 2015, dự án này tiếp tục thực hiện chương trình Gap theo mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học tại đầm Ô Loan (khu vực các xã An Cư, An Hải, huyện Tuy An).
Địa hình nhiều đồi núi, độ che phủ rừng lớn là điều kiện thuận lợi cho nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) phát triển đàn ong mật. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu loại hàng hóa đặc sản này đang được địa phương quan tâm.
Anh Trần Văn Vương - Phó Trưởng Công an xã Ninh Vân kể cho tôi nghe câu chuyện khá lý thú về dê hoang trên núi Hòn Hèo. Thấy tôi hăng hái muốn lên núi tìm dê hoang, anh đã tình nguyện đi cùng. Sau cơn mưa đêm cuối năm, con đường lên đỉnh Hòn Hèo vốn đã gập ghềnh lại càng trở nên khó đi. Tôi và anh Vương gửi xe ở một chòi canh rẫy ngay bìa rừng để ngược lên khu vực thùng Ba Dao (Hòn Hèo) tìm bầy dê hoang.