Ngưỡng mộ lão nông sở hữu 120 ha lúa Nhật, lãi 6,5 tỷ đồng/năm
Anh Nguyễn Văn Khanh, sinh năm 1970, ở ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông - Đồng Tháp được biết đến là một trong những nông dân tiên phong đưa giống lúa Nhật về trồng trên tổng diện tích 120ha tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thu lợi nhuận mỗi năm hơn 6,5 tỷ đồng khiến nhiều người khâm phục.
Mỗi năm anh Khanh thu lợi nhuận từ trồng lúa Nhật hơn 6,5 tỷ đồng
Anh Khanh vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, nên anh đã gắn bó với cây lúa từ lúc khá nhỏ, mãi đến khi trưởng thành anh càng muốn gắn bó và làm giàu từ cây lúa. Ban đầu năm 1994, cha mẹ anh vào xã Phú Cường bắt đầu khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác lúa 40ha, SX mỗi năm một vụ lúa vậy mà chỉ trong vòng 5 năm diện tích đất của gia đình anh mua thêm mở rộng lên đến 80ha.
Đến năm 2005 anh Khanh lập gia đình, anh có 6 anh chị em được cha mẹ chia cho mỗi người con 10ha để làm ăn riêng, lúc này anh bàn bạc với anh em cha mẹ trong gia đình cho anh thuê lại toàn bộ diện tích để canh tác tập trung.
Với nguồn vốn kiến thức sẵn có được tích lũy từ nghề trồng lúa, học hỏi từ nhỏ từ sách vở, báo đài, học hỏi trực tiếp kiến thức từ những nông dân SX giỏi tại địa phương và một số tỉnh lân cận và tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, IPM... “Nếu kinh doanh có thể làm giàu, thì tôi khẳng định kinh doanh cũng chưa chắc có thể làm giàu bằng SX nông nghiệp”, anh Khanh nói.
Sau khi được giao tới 80ha ruộng, để chủ động trong quá trình áp dụng kỹ thuật giảm giá thành, anh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ SX nông nghiệp gồm: 2 máy cày, 2 máy xới, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy robe, 4 máy bơm điện, 1 lò sấy 20 tấn, xây dựng kho chứa lúa 400 tấn…
Anh Khanh chuẩn bị lúa giống để sạ vụ ĐX 2017-2018
Từ năm 2005 - 2011 anh Khanh canh tác giống lúa OM 4900, một năm SX 2 vụ. Nhưng, trong khoảng thời gian dài canh tác giống lúa này thường rơi vào tình trạng cung vượt cầu, được mùa thì mất giá, giá không ổn định, bấp bênh. Trước tình hình khó khăn chung của nghề trồng lúa, anh quyết định tìm giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn và có đầu ra ổn định tăng thu nhập.
Anh Khanh cho biết: “ Năm 2012 tình cờ thông qua báo đài tôi biết đến giống lúa Nhật ĐS1 có năng suất cao, giá cả so với lúa mình thì ổn định hơn. Vì vậy, tôi cất công sang tận An Giang để học hỏi từ người dân canh tác giống lúa này và tìm tòi kỹ thuật trồng. Sau một thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, từ thực tế cho thấy đây là một giống lúa tiềm năng để phát triển kinh tế ổn định và có thể làm giàu từ giống lúa này nên tôi nhanh chóng nhập giống lúa này về canh tác thử”.
Từ sự đam mê trồng lúa, năm 2012 anh Khanh đã mạnh dạng dùng số tiền tích góp nhiều năm làm lúa đã mua thêm 40ha đất lân cận, nâng tổng số đất anh sở hữu lên 120ha. Trong vụ lúa HT 2012, anh Khanh bắt đầu trồng thử nghiệm giống lúa Nhật trên 80ha diện tích, chỉ chừa ra 40ha canh tác giống lúa thường để so sanh. Đến khi thu hoạch lúa Nhật cho năng suất từ 6 - 6,1 tấn/ha, được nhiều DN đến tham quan và đặt cọc, đưa phương tiện vào tận ruộng để thu mua lúa của anh với giá 6.500 đồng/kg. Sang vụ ĐX năm sau anh Khanh quyết định tăng diện tích canh tác lên 120ha trồng lúa Nhật thêm vụ mùa nữa thắng lợi.
Anh Khanh đang sở hữu 120 ha SX lúa Nhật lớn nhất miền Tây
Nên từ đó đến nay anh chuyên canh trồng lúa Nhật, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “ 1 phải 5 giảm”…giúp giảm giá thành tăng lợi nhuận. Chính vì vậy nên vụ nào anh Khanh cũng thắng đậm trồng lúa Nhật, với mức giá được các DN, Cty đến tận ruộng thu mua lúa tươi từ 6.500 – 6.700 đồng/kg thì sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, trả tiền thuê mướn nhân công… mỗi năm anh Khanh còn lãi vụ HT khoảng 2 tỷ đồng và vụ ĐX 4,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó anh còn mở rộng đầu tư 10 xe du lịch từ 7-30 chỗ ngồi với số tiền 12 tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch. Bình quân mỗi năm lợi nhuận trên 1,6 tỷ đồng.
Theo anh Khanh, giống lúa Nhật ĐS1 có nhiều ưu điểm như ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với thổ nhưỡng nhiều vùng miền, ít nhiễm sâu bệnh nên nông dân ít dùng thuốc BVTV, nhờ đó chi phí trồng lúa cũng thấp hơn chăm sóc như lúa thường, sâu bệnh ít hơn, thân cây cứng ít đổ ngã, không bị đạo ôn, ít nhiễm gầy nâu, ít nhiễm bệnh đạo ôn, cháy bìa lá…
Đây là giống lúa hạt nhỏ, tròn và cơm rất dẻo. So với các giống lúa thông dụng, năng suất lúa Nhật đạt năng suất cao hơn khoảng 1 tấn/ha so vớ giống lúa thường. Trong khi đó, giá lúa Nhật lại cao hơn hẳn, từ 6.500 đồng/kg lúa tươi, trong khi các loại lúa thường chỉ khoảng 5.200 đồng/kg.
Hiện tại việc SX lúa của anh Khanh với quy mô lớn, áp dụng toàn bộ quy trình cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Chính vì vậy anh còn tạo việc làm ổn định cho 25 lao động tại địa phương có công ăn việc làm với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm anh còn đóng góp 50 triệu đồng cho những chương trình từ thiện tại địa phương và góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Anh Khanh cho biết: ở vụ lúa ĐX 2017 -2018 anh dành riêng 8ha giống lúa Nhật trồng theo quy trình VietGap, nếu đạt hiệu quả sang vụ tới anh chuyển sang 50% diện tích trồng lúa theo quy trình sạch. Và anh Khanh không dừng lại canh tác 120ha mà tiếp tục dự định mua thêm khoảng 100ha đất để mở rộng canh tác giống lúa Nhật theo cánh đồng mẫu lớn để đáp ứng số lượng lớn cho các DN thu mua.
Anh Khanh bên cánh đồng rộng mênh mong mới xuống giống lúa được 5 ngày tuổi
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Tam Nông cho biết: Anh Khanh quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, không phải SX bình thường như nhiều nông dân khác mà đầu tư cơ giới hóa, mở rộng diện tích canh tác liên tục. Thấy được hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong vùng đã chủ động chuyển đổi sang trồng lúa Nhật, với diện tích gieo trồng hiện tại đã tăng lên khoảng 70ha. Bên cạnh đó anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tham gia SX lúa Nhật, liên hệ các Cty, DN bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng, nên đầu ra giống lúa này luôn ổn định.
“Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu phát huy SX theo hướng SX lớn từ nay đến năm 2020 để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá giàu, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển… Đặc biệt là sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh” ông Thanh nói.
Anh Khanh áp dụng cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất đến thu hoạch
Related news
Mỗi năm gia đình ông Ngô Tùng Tân (Khánh Hòa) xuất bán ra thị trường từ 12 – 14 tấn cá mú nghệ thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đang ăn nên làm ra nhờ chế biến mặt hàng từ phế phẩm bong bóng cá tra. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán lượng hàng bong bóng cá
Năm qua vườn bưởi của anh Hưng thu hoạch khoảng 25 tấn trái, với giá bán bình quân 40.000 đ/kg, thu nhập mang lại cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm.