Nguồn lợi thủy sản trên đầm Nha Phu cần chung tay bảo vệ
Suy giảm nguồn lợi
Quá trưa, bến cá ở thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa) rộn rã ghe thuyền của ngư dân trở về sau chuyến biển kéo dài từ khuya. Chỉ tay vào mớ mực, ghẹ, ốc vừa bắt được, anh Nguyễn Văn Lành (thôn Ngọc Diêm) than: “Nghề biển gần bờ càng lúc càng đói.
Tôi ra biển từ 4 giờ sáng đến 1 giờ chiều, giăng lưới khắp nơi mà chỉ thu được chừng này, bán chẳng được bao nhiêu. NLTS trên đầm Nha Phu đã kiệt quệ. Thu nhập thấp, muốn bỏ nghề nhưng ngặt nỗi sống ở biển, không bám biển thì biết làm nghề gì?”. Theo chân anh Lành đến vựa thu mua hải sản trong thôn, chúng tôi chứng kiến kết quả một ngày lao động của anh là 35.000 đồng.
Ghe thuyền hoạt động nghề lờ dây và việc đặt nò đã khiến nguồn lợi thủy sản trên đầm Nha Phu bị suy giảm.
Vừa bán xong mớ hải sản khai thác được với 27.000 đồng, ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Ngọc Diêm) cho biết: “Đã mấy năm nay, số tiền kiếm được từ nghề lưới của tôi cứ giảm dần. Nếu như 5 năm trước, mỗi chuyến biển tôi kiếm ít nhất 200.000 đồng thì nay chuyến nào nhiều nhất chỉ được 80.000 đồng”. Theo nhìn nhận của anh Hùng, NLTS trên đầm Nha Phu hiện đã giảm đến 80 - 90% so với cách đây khoảng hơn 10 năm.
Hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, anh Hùng khẳng định: “Mấy năm qua, tình trạng người dân các xã ven đầm Nha Phu như: Ninh Lộc, Ninh Ích... sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt như: cào sò, giã cào, lờ dây, đặt nò đã khiến NLTS suy giảm một cách nhanh chóng.
Với các phương tiện khai thác ấy, các loại thủy sản lớn, nhỏ đều bị bắt sạch. Mỗi đêm, kiểu khai thác này có thể kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng nên không ít người vì lợi ích trước mắt mà tận diệt thủy sản trong đầm”. Theo tính toán của anh Hùng, chỉ riêng thôn Ngọc Diêm có khoảng 60 - 70 thuyền máy, trong đó có khoảng 20 chiếc chuyên nghề lờ dây, khoảng 30 chiếc tham gia nghề cào sò, còn ngoài mặt đầm, không ít hộ đặt nò kín mít.
Đầm Nha Phu tiếp giáp với 6 xã, gồm 5 xã thuộc thị xã Ninh Hòa và 1 xã thuộc TP. Nha Trang. Đây là một trong những đầm lớn nhất tỉnh về đa dạng sinh học.
Thời gian qua, những tác động lớn từ việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, sử dụng nhiều loại công cụ khai thác mang tính hủy diệt đã làm mất cân bằng sinh thái, mất nơi quần cư, sinh sản của các loài thủy sản; cùng với đó là sự suy giảm chất lượng môi trường khiến cho NLTS trong đầm ngày càng cạn kiệt.
Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, NLTS trên đầm Nha Phu đã suy giảm đến khoảng 80% so với trước đây. Nếu cộng đồng ngư dân ven biển vẫn tiếp tục sử dụng các phương tiện hủy diệt để khai thác thủy sản thì nguồn lợi sẽ suy giảm một cách nhanh chóng.
Nhiều giải pháp
Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: NLTS trên đầm Nha Phu suy giảm đã ảnh hưởng lớn đến hơn 20% trong tổng số 2.056 hộ dân chuyên sinh sống bằng nghề khai thác ven bờ của địa phương.
Trước tình hình này, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các phương tiện hủy diệt như: cào sò, lờ dây, đặt nò... trên đầm Nha Phu. Bên cạnh đó, phối hợp với Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Khánh Hòa (CRSD) triển khai mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ.
Trên cơ sở thỏa ước đồng quản lý, ngư dân tham gia sẽ tuân thủ khai thác với kích cỡ mắt lưới, phương tiện, mùa vụ được Nhà nước và cộng đồng tự quản quy định, đồng thời với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ giúp ngăn cản những tàu cá bên ngoài xâm nhập ngư trường để đánh bắt và phá hủy ngư cụ của dân cư sở tại.
“Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân hưởng ứng và tham gia tích cực vào mô hình đồng quản lý này. Hy vọng vài năm tới, NLTS trên đầm Nha Phu sẽ được khôi phục, đem lại nguồn lợi cho ngư dân ven biển”, ông Khánh nói.
Để bảo vệ NLTS, hàng năm ngành Thủy sản tỉnh đều tiến hành thả tôm, cá giống về biển ở nhiều địa điểm, trong đó có đầm Nha Phu. Trong tháng 4-2015, đã có hơn 2 triệu con giống các loại được thả tại đầm Nha Phu.
Trong đó, có 1 triệu con tôm sú giống, 1 triệu con ốc hương, 300.000 con cá chẽm và một số giống tu hài. Số lượng giống hải sản được thả tăng hơn 17% so với các năm trước. Theo ông Quách Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đầm Nha Phu được xác định là khu đa dạng sinh học nên việc tái tạo nguồn lợi là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, bên cạnh triển khai các biện pháp bảo vệ NLTS, tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ, hàng năm ngành chức năng đều tiến hành thả giống tái tạo nguồn lợi.
Để bảo vệ NLTS ven bờ, UBND tỉnh đã ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2014 với nhiều quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ.
Quy định đã có, ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc để tuyên truyền, nhưng theo ý kiến của nhiều người, việc bảo vệ NLTS tại đầm Nha Phu và các đầm, vịnh khác trên địa bàn tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của chính cộng đồng ngư dân. Việc tham gia và thực hiện tốt các quy định, thỏa ước của cộng đồng về quản lý nghề cá ven bờ sẽ là yếu tố then chốt để bảo vệ NLTS.
Theo Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngư dân phải hạn chế tối đa việc khai thác hải sản trên hệ thống đầm, vịnh, vốn có giá trị lớn về mặt sinh thái, du lịch và những ngành kinh tế quan trọng khác như các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; đầm Thủy Triều, Nha Phu...
Tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác hải sản ven bờ, cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò) khai thác thủy sản tại các đầm, vịnh nêu trên; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu. Ngoài ra, nghề lờ dây không được phép khai thác tại các đầm, vịnh và cả các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch...
Related news
Để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác, bảo hiểm cho tàu thuyền và thuyền viên là vấn đề cần được quan tâm.
Bảo quản hải sản an toàn, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt xa bờ.
Sự liên tục sụt giảm kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra vào thị trường EU trong nửa năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động cho các DN thủy sản về công tác thị trường cũng như năng lực cạnh tranh.
Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…
Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.