Người Trung Quốc Lén Lút Thuê Đất Trồng Dưa Hấu
Không thông qua chính quyền địa phương các cấp, nhiều thương gia người Trung Quốc đã lén lút về các huyện Chư Sê, Chư Prông… thuộc tỉnh Gia Lai để thuê đất trồng dưa hấu.
Đó là những gì diễn ra trong vòng từ tháng 3/2014 đến nay. Công an tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, trục xuất các đối tượng trên ra khỏi địa bàn.
Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, tại các huyện Ayun Pa, Ia Pa, Kông Chro, Chư Prông và thị xã An Khê… (tỉnh Gia Lai), xuất hiện nhiều thương nhân Trung Quốc đến khảo sát, thuê đất với mục đích trồng dưa hấu không hạt. Tại đây, họ đã đặt cọc tiền thu mua dưa hấu qua các tiểu thương với giá cao gấp từ 2-3 lần so với giá dưa hấu trong nước, mục đích để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các “hợp đồng” miệng giữa các thương nhân Trung Quốc với nông dân tỉnh Gia Lai thể hiện: Giống dưa hấu không hạt được đưa từ Trung Quốc sang, được giới thiệu với rất nhiều “ưu điểm nổi trội” như: Dưa không hạt, quả to, có hương vị rất ngọt…
Vì vậy, nông dân các địa phương trên cho thuê đất hoặc trồng dưa, khi bán sẽ được “hưởng lợi” với giá cao gấp hai đến ba lần giá dưa hấu truyền thống mà nông dân trồng trong nước từ trước đến nay. “Hấp dẫn” hơn nữa là trồng đến đâu, thương lái Trung Quốc sẽ thu mua sản phẩm đến đó.
Trước những hoạt động thương mại mang nhiều dấu hiệu không bình thường, mang tính phi pháp như trên, UBND tỉnh Gia Lai đã kịp thời phát hành văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở NN-PTNT cùng UBND các huyện, thị xã, yêu cầu các địa phương cần tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác, định hướng cho nông dân đề phòng những rủi ro dễ xảy ra.
Văn bản nêu rõ: “Việc thương lái Trung Quốc thuê đất và trồng dưa hấu với giá cao dẫn đến tình trạng người dân cho thuê đất, hoặc chuyển đổi các cây trồng khác để mở rộng diện tích trồng dưa, tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng thừa. Và, không ngoại trừ làm sản phẩm ứ đọng, rớt giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo các ban, ngành nhanh chóng vào cuộc làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động xung quanh việc thuê đất trồng dưa hấu nêu trên. Đồng thời, yêu cầu chính quyền sở tại thắt chặt thị trường, kiểm tra các điểm tập kết thu mua nhằm xử lí việc trao đổi nông sản trái pháp luật.
Trước đó, tại tỉnh Gia Lai, đã từng xuất hiện thương lái Trung Quốc đi cùng phiên dịch, thông qua tiểu thương ở địa phương thu mua gốc và rễ tiêu. Sau khi báo chí kịp thời thông tin, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Công an tỉnh cùng các ban, ngành tiến hành tiêu hủy gần 300kg gốc, rễ tiêu khi đang trên đường giao bán cho người Trung Quốc.
Related news
Năm tháng đầu năm 2014, XK nông, lâm, thủy sản cả nước tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực lại tụt giảm nghiêm trọng.
Những năm qua, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho nên đời sống của người dân xã Ðông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) ngày càng được cải thiện. Qua nghiên cứu, học hỏi các mô hình nuôi trồng thủy sản từ năm 2010 đến nay, một số hộ dân trong xã đã triển khai nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.
Dù phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ở Đồng Tháp chưa lâu nhưng theo đánh giá từ các nhà chuyên môn thì nếu theo đuổi nghề, người nông dân sẽ bị “mất” nhiều hơn là “được”. Bởi đằng sau những lợi nhuận trước mắt là nhiều hệ lụy về môi trường cũng như phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh thủy sản của địa phương.
Bên cánh đồng thôn Bản Thẳm, chị Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn tay gặt, dù biết có người đang trò chuyện với mình... Sự mải miết ấy được chị giải thích một cách ấn tượng: “Chưa năm nào gia đình tôi lại được gặt lúa chín vào thời điểm này. Lúa chín sớm quá!. Không vui, không nhanh tay gặt làm sao được!”.
Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2013 tổng diện tích cam sành cho thu hoạch đạt trên 11.000 ha và sản lượng ước đạt 11.500 tấn, trong đó huyện Bắc Quang có diện tích cam sành lớn nhất tỉnh.