Người Nuôi Tôm Ổn Định Sản Xuất Sau Dịch Bệnh
Cuối tháng 5-2014, dịch bệnh ở tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) diễn biến phức tạp, nhưng với sự tập trung cao của ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương, dịch bệnh đã được khống chế. Người nông dân đã yên tâm thả bù đợt mới, một số diện tích không bị dịch bệnh đang bắt đầu cho thu hoạch.
Trở lại huyện Kim Sơn, chạy dọc theo những con đường bê tông phẳng phiu về vùng nuôi tôm xã Kim Đông, trước mắt chúng tôi là cánh đồng tôm với hàng trăm vuông tôm nước xanh đầy ắp, những chiếc máy quạt nước tung bọt trắng xóa.
Chỉ tay ra đồng tôm trước mặt, ông Trần Thanh Lịch, Phó Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Kim Đông cho hay: Cả một vùng nuôi tôm này, chỉ hơn 1 tháng trước đây thôi tôm chết trắng bởi dịch bệnh. Toàn xã có 771 hộ nuôi tôm thì có tới 338 hộ có tôm bị dịch bệnh với diện tích bị thiệt hại là 187 ha.
Tuy nhiên, ngay sau đó chính quyền xã cũng như Ban quản lý HTX đã tích cực tư vấn, chỉ đạo người dân trong công tác khống chế, khoanh vùng dập dịch. Tiến hành cấp phát 1.592 kg hóa chất Vikato, 7.200 kg hóa chất Cllorine để nhân dân xử lý ao đầm.
Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, toàn bộ các hộ bị thiệt hại đã thả nuôi lại với số lượng tôm giống khoảng 14 triệu con. Nhìn chung, tôm đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Ông Phạm Văn Chiêu, xóm 5, xã Kim Đông là một trong những hộ bị thiệt hại nặng trong đợt dịch bệnh vừa qua. Vừa ngơi tay khi đang phát cỏ trên bờ đầm, ông Chiêu cho biết: Gia đình tôi có 1,5 mẫu ao đầm nuôi tôm.
Đầu vụ, gia đình thả nuôi hơn 3 vạn tôm thẻ nhưng tôm vừa thả chưa được 7 tuần thì dịch bệnh tấn công, tôm chết trắng. Nhưng “mất ruộng, lấy bờ”, gia đình ông lại nhanh chóng tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ ao nuôi đầu tư mở một đợt nuôi mới. Tôi vừa thả 2 vạn con tôm sú và 1 nghìn con cua giống”.
Rời Kim Đông, chúng tôi sang vùng đầm nuôi trồng thủy sản của HTX Kim Hải. Đồng chí Chủ nhiệm HTX cho biết: Vụ tôm này, bên cạnh những hộ nuôi tôm bị chết vẫn có một số hộ thực hiện nghiêm ngặt quy rình sản xuất, quản lý tốt ao nuôi nên vẫn có thu, nhiều hộ đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Vinh ở xóm 6, Kim Hải khoe với chúng tôi: “Vụ này, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp nhưng ao nuôi tôm của gia đình không bị dịch.
Sau hơn 2 tháng chăm sóc trong thấp thỏm lo âu, chờ đợi, giờ đây tôm đã bắt đầu cho thu hoạch. Tôi lựa chọn con lớn thu hoạch trước để thu hồi vốn cho yên tâm. Hơn nữa, việc bắt theo kiểu tỉa thưa sẽ giúp cho số lượng tôm còn lại mau lớn”.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản 6 tháng cuối năm và nhiệm vụ cả năm 2014, UBND huyện Kim Sơn đang tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo cho người nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư công sức lao động và vốn thả bù vụ mới. Đến nay, cơ bản toàn bộ các hộ nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh đã tiến hành thả nuôi lại. Tôm đang sinh trưởng, phát triển tốt và dự kiến còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch.
Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài tác động đến môi trường nước, độ pH ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của tôm. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi trong thời điểm cuối vụ là hết sức cần thiết, tránh thiệt hại nặng về kinh tế cho người nuôi.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: các hộ dân phải duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,4m; tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc trong khi mưa lớn giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi; kiểm soát chất thải hữu cơ trong ao, dùng chế phẩm vi sinh để phân hủy hàm lượng chất hữu cơ, ổn định tảo và màu nước; tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin...
Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, đảm bảo ổn định sản xuất cho vùng nuôi.
Related news
Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tôm nuôi trên địa bàn tiếp tục chết trên diện rộng, chủ yếu là do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy; trong khi thời tiết rất bất lợi nắng mưa thất thường.
Lần đầu tiên, mật ong - đặc sản rừng tràm U Minh Hạ đạt mức giá cao kỷ lục khi được bán từ 350.000 - 500.000 đồng/lít. Mức giá trên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.
Theo người dân, diện tích sắn bị hại do nhện đỏ gây ra trên địa bàn huyện Sông Hinh hơn 40ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Giang diện tích trên 20ha, thôn Bình Giang, Chí Thán xã Đức Bình Đông 15ha, xã Ea Bia 5ha. Bệnh lây lan rất nhanh, phát triển bệnh ở những diện tích trên đồi cao, vùng khô hạn. Biểu hiện của bệnh này gây rụng lá, cây ngưng phát triển
Chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá mía lại sụt giảm khiến người trồng mía ở ĐBSCL lỗ nặng. Điệp khúc trồng mía rồi lại chặt tái diễn.