Ngỡ ngàng với trang trại nuôi ba ba giống và thương phẩm lớn nhất miền Tây
Về Hậu Giang hỏi đến trang trại ba ba Hồng Hải, hầu như những người nuôi động vật hoang dã ai cũng biết anh Trần Hồng Hải - chủ một trang trại đi đầu trong ngành sản xuất ba ba giống và ba ba thương phẩm lớn nhất ở miền Tây.
Anh Trần Hồng Quang giới thiệu những con ba ba giống mới nở
Vừa ra sau vườn, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước một mô hình chăn nuôi hoành tráng, trên bờ trồng cây ăn trái, dưới ao thả ba ba. Đó là một trang trại quy mô nằm ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, gồm hàng chục ao nuôi liên hoàn và những khu vực dành riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở, chỗ nào cũng khang trang đúng quy trình kỹ thuật.
Với diện tích 2ha, hai anh em Trần Hồng Hải, Trần Hồng Quang đã chia ra thành nhiều khu vực lớn nhỏ khác nhau. Xung quanh mỗi ao đều có đê bao, lối đi thẳng tắp và vách rào bằng fibro xi măng để tránh không cho ba ba leo lên bờ. Trên mặt ao, 2/3 diện tích mặt nước đều thả lục bình để giữ độ mát cho ao.
Anh Hồng Hải chia sẻ, người nuôi ba ba thu nhập khá cao nhưng chi phí rất lớn, nhất là thức ăn. Ngoài ra còn phải thường xuyên thay nước ao, làm vệ sinh ao sau mỗi lần thu hoạch. Mặc dù vậy, trại ba ba Hồng Hải là một trong những trang trại lớn nhất và có uy tín nhất ở miền Tây, do đó nguồn thu nhập rất đáng kể, mỗi năm trên 2 tỷ đồng.
Anh Hồng Hải cho biết, trước khi bắt tay vào việc thả nuôi, anh từng là thợ máy trên tàu viễn dương nên có dịp ghé qua Đài Loan tìm hiểu về đặc điểm sinh thái và giá trị kinh tế của con ba ba. Sau đó anh lại qua Thái Lan học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi. Từ đó anh mới có đủ niềm tin để khởi nghiệp. Việc đầu tiên là hai anh em bỏ tiền đầu tư mặt bằng, bố trí và thiết kế ao nuôi đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho vật nuôi.
Sau 19 năm khởi nghiệp, xây dựng và phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trang trại Hồng Hải đã sở hữu trên 10.000 con ba ba thương phẩm. Trại không những nuôi ba ba thịt mà còn sản xuất con giống. Hiện trại có trên 2.000 con bố mẹ, bình quân mỗi năm xuất trên 250.000 con giống Đài Loan để giao cho khách hàng.
Anh Hải cho biết, đối với con ba ba thương phẩm, sau 12 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, bán với giá 110.000đ/kg. Đặc biệt con ba ba càng lớn có giá càng cao. Con từ 2 - 4 kg trở lên giá có thể lên tới 300.000đ/kg. Do vậy, người nuôi ba ba thường sau 2 năm mới xuất ao.
Khu vực ươm giống ba ba mới nở
Để đạt năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, trại Hồng Hải đã mày mò học hỏi và đọc thêm nhiều tài liệu về đặc tính và quá trình sinh trưởng của con ba ba. Theo kinh nghiệm của các anh, con ba ba hầu như rất ít xảy ra bệnh tật. Nhưng muốn bảo đảm thành công, các bể nuôi, ao nuôi phải đúng qui cách, vệ sinh môi trường thật tốt và thức ăn phải sạch, nhất là con giống phải bảo đảm chất lượng. Thức ăn chính của ba ba là ốc, cá tép vụn và đầu sú. Các anh tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên để giảm bớt chi phí.
Ba ba sinh sản quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa hè. Bình quân mỗi con bố mẹ đẻ 7 – 8 lứa năm, mỗi lứa từ 6 – 20 trứng tùy con lớn nhỏ. Thường con tơ đẻ sai hơn con lâu năm.
Để có được nguồn giống tốt cung ứng cho khách hàng, đồng thời tạo sự tin cậy đối với các đối tác làm ăn, trại luôn luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Để làm được việc đó, anh Trần Hồng Hải, Trần Hồng Quang chọn những con giống và trứng phải đạt yêu cầu. Ngay cả ba ba giống, nếu không đạt chất lượng cũng không giao cho khách hàng. Chính vì vậy mà chi phí cho một con ba ba giống lên tới 3.200đ, bán ra 3.700đ, lời 500đ/con. Ba ba giống vận chuyển cũng dễ dàng, chỉ cần cho vào thùng mốp, mỗi thùng chứa vài trăm con, vận chuyển trên xe có độ lạnh thích nghi, có thể đi suốt ngày đêm vẫn an toàn. Hiện trang trại đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật về tạo con giống ngày càng hoàn hảo hơn.
Trứng ba ba được đem đi ấp
Người nuôi ba ba hiện nay có nhiều thuận lợi, thị trường tiêu thụ mạnh, nhất là các nhà hàng và xuất sang Trung Quốc. Khi cần xuất hàng, chỉ cần một cú điện thoại của thương lái là trang trại sẽ chuẩn bị cung cấp đủ số lượng theo đơn đặt hàng. Người bán khỏi phải vận chuyển đi xa.
Anh Hồng Hải cho biết con ba ba không thích hợp với mùa đông ở miền Bắc. Mùa này ba ba ngủ đông, chúng không ăn, không phát triển, trong khi đó ở miền Tây ba ba phát triển quanh năm. Do vậy mùa đông (gần Tết) là thời điểm người nuôi ba ba ở miền Tây sẽ làm chủ thị trường, giá cả rất ổn định, người nuôi có lãi.
Ông Trần Vũ Kha, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long A đã nhận xét: “Trại nuôi ba ba Hồng Hải là điểm khởi động đầu tiên ở địa phương. Ngoài mua bán ra, hai anh còn tư vấn, hỗ trợ giúp nhiều hộ nuôi đạt hiệu quả cao. Nhờ làm ăn chân thật nên khách hàng và các đối tác rất tín nhiệm. Tuy diện tích nuôi lớn nhưng chủ nuôi vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Related news
Cargill đầu tư thành lập các trung tâm ứng dụng công nghệ thủy sản tại Ấn Độ và VN, giúp cho khách hàng tại châu Á tiếp cận nhanh chóng với các kinh nghiệm
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thành công. Năm 2019, dự báo sẽ còn gặp khó khăn ở nhiều thị trường, nhưng ngành thủy sản Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng tốt
Giá lươn giống dao động trong khoảng 3.000 - 5.000 đồng/ con, tùy theo kích cỡ. Với số lượng trên, ông dự kiến thu được khoảng 60 triệu đồng.