Home / Tin tức / Tin thủy sản

Nghiên cứu sinh sản thành công cá bá chủ

Nghiên cứu sinh sản thành công cá bá chủ
Author: NH Tổng Hợp
Publish date: Wednesday. April 22nd, 2020

Cá cảnh biển hiện đang là đối tượng xuất khẩu đầy tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các loài cá cảnh biển được đánh bắt ngoài tự nhiên bằng hóa chất đã dẫn đến nhiều loài cá cảnh biển có nguy cơ nằm trong sách đỏ. Cá Bá chủ (Pterapogon kauderni) có màu sắc đẹp và dễ nuôi nên được người chơi cá cảnh trong nước và thế giới ưa chuộng. Loài cá này đang bị khai thác quá mức ngoài tự nhiên và được liệt vào danh sách đỏ của tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Bá chủ thành công đáp ứng nhu cầu cá cảnh biển trong nước và xuất khẩu.

Cá bá chủ là loài cá rạn san hô nhỏ, chúng được phân biệt với các loài khác bởi vây lưng có 8 tia cứng và 13 tia mềm, vây hậu môn có 13 tia vây mềm. Vây lưng thứ 2 và vây hậu môn kéo dài đến phần chẻ sâu của vây đuôi. Cá có màu sắc hoa văn rất đẹp, bao gồm 3 thanh màu đen nổi bật trên đầu và thân. Một thanh nối liền giữa vây lưng thứ nhất và vây ngực, và một thanh nối liền vây lưng thứ 2 và vây hậu môn. Ở vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có một loạt các điểm màu trắng chạy dọc theo các cạnh của viền vây. Trên cơ thể chứa khoảng 20 chấm màu trắng rực rỡ giữa các thanh màu đen thứ hai và thứ ba. Cá bá chủ có kích thước trung bình, chiều dài cơ thể tối đa 8 cm. Miệng khá rộng, miệng con đực rộng hơn con cái. Thức ăn của chúng bao gồm các sinh vật phù du và sinh vật đáy.

Ngoài tự nhiên, số lượng cá bá chủ hiện rất hạn chế chỉ khoảng 2,4 triệu con và được phân bố với mật độ rất ít, trung bình 0,07 con/m2, trong phạm vi khá hẹp, chỉ trong diện tích khoảng 5.500 km2 chủ yếu ở các đảo trong quần đảo Bangai của Indonesia. Cá có khả năng sinh sản thấp, đường kính trứng của cá ở mức trung bình khoảng 2,5 mm. Việc xác định giới tính cá bá chủ gặp rất nhiều khó khăn.

Với mục tiêu góp phần bảo tồn và phát triển loài cá này, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II của Việt Nam đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống cá bá chủ tại Việt Nam". 

Cá Bá chủ nuôi vỗ trong hệ thống tuần hoàn với công thức thức ăn bao gồm: Artermia trưởng thành làm giàu HUFA, tép bò (Macrobrachium lanchesteri), cá bảy màu (Poecilia reticulata), và vitamin tổng hợp trong vòng 4 tháng và tiến hành cho sinh sản.

Kết quả sau 4 tháng nuôi vỗ tỉ lệ thành thục đạt từ 70-80% và tỉ lệ thụ tinh đạt 90,4%. Tỉ lệ nở của trứng đạt 22,7% sau thời gian ấp từ 12-15 ngày ở nhiệt độ 28-30oC. Tỉ lệ sống của cá giống đạt 96,7% sau 30 ngày ương. .

Cá bá chủ hiện đang là đối tượng xuất khẩu đầy tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn rất thấp, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng xuất khẩu cá cảnh Việt Nam. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Bá chủ thành công hứa hẹn cho sản xuất quy mô thương mại phục vụ xuất khẩu.


Related news

Tăng cường miễn dịch cho cá chép Tăng cường miễn dịch cho cá chép

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Ấn Độ đã cho thấy Lactobacillus fermentum (LF) và axit ferulic (FA) giúp tăng cường khả năng miễn dịch

Monday. April 20th, 2020
Ranh giới nuôi trồng thủy sản, phần 1: RAS có thể tăng công suất cho nuôi trồng thủy sản? Ranh giới nuôi trồng thủy sản, phần 1: RAS có thể tăng công suất cho nuôi trồng thủy sản?

Ranh giới nuôi trồng thủy sản, phần 1: Liệu hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) có thể tăng công suất cho ngành nuôi trồng thủy sản?

Tuesday. April 21st, 2020
Hướng dẫn yêu cầu an toàn sinh học với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ Hướng dẫn yêu cầu an toàn sinh học với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ

Hướng dẫn những cách nhận diện mối nguy gây mất an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ và một số yêu cầu an toàn sinh học

Wednesday. April 22nd, 2020