Nghêu Cần Giờ chết có thể do ô nhiễm nguồn nước
Hiện có khoảng 7ha nghêu chết ở 2 tổ nuôi, tập trung ở khu vực Rạch Lở, thị trấn Cần Thạnh. Chi cục Thú y đang lấy mẫu nghêu chết để phân tích nguyên nhân, nhưng theo nhận định ban đầu, nghêu chết tập trung ở lô 1 và lô 2 (nghêu còn nhỏ, 2 lô nằm gần bờ), trong khi lô 3 (xa bờ hơn, tập trung nghêu lớn) hầu như không bị chết. Vì vậy, hiện tượng nghêu chết có khả năng do môi trường nước bị ô nhiễm hữu cơ cục bộ do khu vực này có con rạch chảy ra mà đầu nguồn có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản.
Tình trạng nghêu chết xảy ra từ ngày 29-6, nay đã có dấu hiệu giảm xuống. Cũng không loại trừ nghêu chết do ký sinh trùng Perkinsus sp, nhưng thời gian qua, độ mặn vùng biển Cần Giờ giảm xuống còn khoảng 24‰, nền nhiệt độ cũng giảm, trong khi điều kiện để ký sinh trùng này có điều kiện phát triển là độ mặn cao hơn 28‰ và nền nhiệt phải cao.
Từ năm 2007, hầu như năm nào tại huyện Cần Giờ cũng xuất hiện nghêu chết, riêng những năm 2009-2010, tình trạng nghêu chết nhiều, tỷ lệ rất cao, TP đã phải nhờ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ tìm ra nguyên nhân. Từ đó, TP đã hướng dẫn giải pháp kỹ thuật hạn chế nghêu chết: nghêu sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 28°C - 30°C, độ mặn từ 18 - 28‰, độ pH 6 - 7, oxy hòa tan 4 - 6 mg/l. Các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo người dân không nên thả giống nghêu từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, đây là lúc thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột (ngày nắng, đêm lạnh), điều kiện để ký sinh trùng Perkinsus sp xuất hiện, bám vào và làm cho nghêu yếu. Cần có thời gian ngắt vụ để hạn chế sự hiện diện của tác nhân gây bệnh tồn lưu trong bãi nghêu… Mật độ thả nghêu giống từ 200 - 300 con/m2 với cỡ giống từ 400 - 600 con/kg nhằm rút ngắn thời gian nuôi. Cải tạo đáy sân nuôi nghêu bằng máy cơ giới, xới sâu để nền đáy được thông thoáng và thu gom những mảnh vỏ nghêu chết ở vụ nuôi trước còn sót lại. Các hộ nuôi nghêu cần có tính cộng đồng cao khi cùng nuôi. Theo huyện Cần Giờ, bãi nghêu Cần Giờ hiện có 24 máy thu hoạch và cày xới.
Related news
Dịch bệnh gia tăng, giá bán giảm, thiếu vốn sản xuất, thua lỗ nhiều năm liên tiếp, cạnh tranh ngày càng không lành mạnh ở thị trường ngoài nước... là những thách thức, khó khăn mà ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt. Thực trạng đó đang làm cho người nuôi cá, tôm hụt hơi.
Tính đến cuối tháng 6, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lên đến 712 ha, chiếm hơn 68% diện tích thả nuôi.
Theo UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai), hiện xã Trà Cổ đã xây dựng được vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP. Gần 27 hécta nuôi tôm với 28 hộ dân tham gia đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản lượng ước đạt 80 tấn/vụ.