Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Ong Ở Núa Ngam

Nghề Nuôi Ong Ở Núa Ngam
Publish date: Thursday. October 2nd, 2014

Những năm gần đây, phong trào nuôi ong lấy mật ở xã vùng cao Núa Ngam, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên) có bước phát triển mạnh mẽ góp phần tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đồng thời trực tiếp góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên của địa phương.

Hiệu quả từ những điều kiện tự nhiên sẵn có

Là xã vùng ngoài của huyện Ðiện Biên với năm dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Lào, Mông, Khơ Mú và Kinh, xã Núa Ngam có diện tích đất đồi rừng và vườn cây ăn quả khá lớn. Chủ động khai thác điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Từ chỗ lúc đầu chỉ một vài hộ dân chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ, sản phẩm chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình, đến nay Núa Ngam đã có hàng chục hộ tham gia nuôi ong mật, trong đó nhiều hộ nuôi với quy mô lớn từ 200 đến 300 đàn.

Ðánh giá hiệu quả của mô hình nuôi ong lấy mật của nhân dân trong xã, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam Nguyễn Văn Ðóa cho biết, toàn xã hiện có hơn 3.880 ha rừng trồng cùng hàng trăm ha vườn đồi, mô hình nuôi ong đã tạo cơ sở để địa phương khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng đồng thời tăng thu nhập cho người dân trong xã. Hiện nay, toàn xã Núa Ngam đã có hơn 2.000 đàn ong mật.

Ðảng bộ, chính quyền xã đã có định hướng nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật bởi so với các nghề nông khác thì nghề nuôi ong trên địa bàn đang cho thu nhập trội hơn hẳn.

Theo ông Lương Ðức Thắng ở bản Pá Ngam 2, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong ở Núa Ngam thì việc nuôi ong lấy mật không đòi hỏi đầu tư nhiều về thời gian, công sức và diện tích đất mà hiệu quả kinh tế thu được lại khá cao.

Trong một năm, người nuôi ong chỉ mất nửa năm đầu tư thức ăn vào thời điểm cây cối không có hoa hoặc ít hoa; thời gian còn lại, ong sẽ tự tìm thức ăn từ thiên nhiên và làm mật. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm, người nuôi ong có thể được thu mật thành ba vụ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12 đến hết tháng 5.

Ở những khu vực có nhiều thức ăn tự nhiên như Núa Ngam, trung bình mỗi đàn ong cho thu hoạch khoảng 50 kg mật/năm. Với giá mật ong hiện nay là 60.000 đồng/kg thì việc một hộ gia đình có thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí các loại không phải là quá khó. Hiện hằng năm, gia đình ông Thắng đều thu nhập hơn 100 triệu đồng từ 120 đàn ong nuôi trong vườn nhà.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở xã vùng cao Núa Ngam hiện nay còn đang góp phần bảo đảm ổn định sinh thái, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Một trong những yêu cầu thiết yếu đặt ra với các hộ nuôi ong đó là phải thường xuyên bảo đảm nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong.

Vì vậy, cùng với việc phát triển hệ thống vườn cây ăn quả, các hộ nông dân trên địa bàn xã đã quan tâm bảo vệ, chăm sóc và phát triển diện tích rừng trồng để bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong.

Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của các dự án trồng rừng, phí trồng rừng của Nhà nước và nhằm tạo điều kiện để phát triển nghề nuôi ong bền vững, Núa Ngam đã không ngừng tăng diện tích rừng trồng với các loại cây chủ yếu là keo tai tượng, keo lai... góp phần giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng của xã. Theo đó, đến năm 2014, tỷ lệ che phủ rừng ở Núa Ngam đã đạt hơn 42% so với 40,5% năm 2011.

Ðể nghề nuôi ong phát triển bền vững

Nhận thấy lợi ích từ việc nuôi ong, nhiều hộ gia đình ở Núa Ngam đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn ong, qua đó nhân rộng mô hình nuôi ong trong toàn xã. Nếu như những năm trước, chỉ được một số ít hộ ở các bản Phú Ngam, Pá Ngam 2 tham gia nuôi ong thì đến nay đã được nhân rộng trên nhiều bản khác trong xã như các bản Hợp Thành, Tân Ngam, Na Sang 2...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay hoạt động nuôi ong ở Núa Ngam cơ bản vẫn chỉ dừng lại ở tự phát, quy mô chủ yếu là nhỏ lẻ.

Thực tế cho thấy, nghề nuôi ong cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại dịch bệnh và thời tiết. Trong khi đó, các hộ nuôi ong ở Núa Ngam hiện nay chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm tự tích lũy được qua quá trình nuôi, việc bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật về nuôi ong mật của ngành nông nghiệp tuy có nhưng chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao.

Mong mỏi chung của những người nuôi ong ở Núa Ngam là sớm được tham gia các lớp bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi ong; kỹ thuật phòng và điều trị các bệnh thường gặp ở đàn ong.

Nên chăng, các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Ðiện Biên cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng và nhân rộng những kinh nghiệm về nuôi ong lấy mật trên địa bàn gắn với những tiến bộ kỹ thuật để người dân thật sự yên tâm phát triển đàn ong.

Ðồng thời, rút kinh nghiệm việc phát triển ồ ạt một số sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua, để tránh nguy cơ "cung vượt quá cầu", chính quyền địa phương nên chủ động nghiên cứu "đầu ra" cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong Núa Ngam, có như vậy thì nghề nuôi ong lấy mật mới thật sự là hướng thoát nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Nuôi ong mật thời gian qua đã và đang là một trong những hình thức phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế ở Núa Ngam.

Bên cạnh sự mạnh dạn đầu tư của người dân, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương sẽ là cơ sở để các mô hình nuôi ong được tiếp tục nhân rộng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã vùng cao Núa Ngam.


Related news

Giá cao su có thể phục hồi khi El Nino hoạt động mạnh Giá cao su có thể phục hồi khi El Nino hoạt động mạnh

Chốt phiên 21/9, giá cao su tại châu Á tiếp tục giảm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc, nhưng dự báo có thể phục hồi nếu El Nino ảnh hưởng đến sản lượng cao su.

Wednesday. September 23rd, 2015
Tiềm năng lớn, hàng Việt Nam xuất sang Australia vẫn gặp khó Tiềm năng lớn, hàng Việt Nam xuất sang Australia vẫn gặp khó

Ngày 21/9, tại thành phố Sydney, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney (VSBA) đã phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức thành công buổi hội thảo với chủ đề “Cơ hội đầu tư vào Australia.”

Wednesday. September 23rd, 2015
Khó tìm túi bao bì chân không cho gạo xuất khẩu Khó tìm túi bao bì chân không cho gạo xuất khẩu

Theo một số doanh nghiệp, khó tìm nhà cung cấp túi nilông đóng gói hút chân không cho gạo xuất khẩu ...

Wednesday. September 23rd, 2015
 Nuôi thủy sản công nghệ cao Nuôi thủy sản công nghệ cao

UBND tỉnh An Giang vừa triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Wednesday. September 23rd, 2015
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tại Hội nghị đánh giá kết quả và bàn biện pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện một số chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT).

Wednesday. September 23rd, 2015