Home / Tin tức / Tin thủy sản

Nghề nuôi - đôi điều suy ngẫm

Nghề nuôi - đôi điều suy ngẫm
Author: Xuân Trường
Publish date: Tuesday. February 7th, 2017

Đã qua rồi cái thời mà cứ thả nuôi là nghĩ tới... giàu. Ra chợ bây giờ con cá, con tôm có khi còn “rẻ” hơn rau. Đó cũng là lẽ thường, đưa mọi thứ về với trật tự của thị trường: Sự đầu tư. Nhưng khi con tôm cá không giữ được vị trí đặc biệt nữa, mà hoạt động theo quy luật chung của sản xuất hàng hóa thì người nuôi, nghề nuôi thủy sản ở Việt Nam vẫn giậm chân trong “ao nhà”, nhiều điều kiện “cần” vẫn chưa đáp ứng “đủ”.

Trong ảnh: Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh 

Người xưa nói “thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” hai cái thứ “lãi” bậc nhất. Vâng cũng phải nói đến cái ẩn ý thứ hai trong thành ngữ này... rủi ro bậc nhất. Rủi ro không phải vì khả năng sinh lợi mà vì tính “đen bạc”, hốt được đấy nhưng cũng tán gia bại sản nhanh như... mẻ cá, canh bạc bốc. Nhìn lại nghề nuôi thủy sản ở chúng ta, chuyện qua một hai vụ tôm, cá thành tỷ phú, rồi lại trắng tay không ít. Người ta ngậm ngùi: “Ăn cơm dương gian làm việc âm phủ”. Làm nghề đấy, đổ vào ao, đầm, bè lượng tài sản khổng lồ nhưng vẫn phó thác nó cho... may nhờ rủi chịu. Hàng triệu người đang sống bằng “nghề” nuôi trồng thủy sản nhưng họ đã có “nghề” thực chưa thì vẫn còn là một dấu hỏi.

Học nghề: Chưa là một đầu tư

Có một từ chung mà chúng ta hay dùng “phong trào nuôi trồng thủy sản”. Nhiều trường hợp đúng, nhưng cũng nhiều khi dùng theo thói quen... ngẫm lại thấy đúng. Dân mình nuôi thủy sản theo phong trào. Có nơi được tổ chức, có tổ chức chuyên môn hỗ trợ, ngân hàng đứng ra cho vay. Nhưng đa phần học theo nhau mà làm, theo kiểu “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Dĩ nhiên là thành công. Không thành công thì làm sao thành phong trào được. Trong đa phần trường hợp người thành công cũng không giải thích rốt ráo được nguyên nhân, nhưng có một câu hay được nhắc đến “bạc tay mới”. Cũng không khó giải thích, thường thì khi mới, môi trường nuôi “trinh nguyên”, chuyện dịch bệnh hầu như không có. Người nuôi tận dụng tối đa lợi thế mặt nước, đích thực “nhất thả cá”. Sau những thành công ban đầu bắt đầu vấp, bắt đầu trả giá.

Có một câu hỏi, nếu khảo sát sẽ cho kết quả mà tôi tin rất... hài: Bao nhiêu người nuôi thủy sản đi học nghề trước khi bắt đầu làm nghề? Mà hình như các trường đào tạo trung cấp, cao đẳng về nuôi trồng thủy sản của chúng ta chủ yếu dạy nghề làm cán bộ “liên quan đến nuôi trồng thủy sản” chứ không phải dạy nghề cho người nuôi. Các lớp “dạy nghề” về nuôi trồng thủy sản ở ta rất nhiều, từ các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, thậm chí theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi không phủ nhận vai trò của những lớp học như vậy nhưng thực tế đa phần nó chỉ mới dừng lại ở mức “khái niệm cơ bản” hoặc ở một dạng thức khác: Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm. Chỉ phát huy khi người tham gia có kiến thức nền khá tốt về con tôm con cá, về nghề nuôi. Nhưng với người dân thế là... đủ. Về phía các cơ quan quản lý, thế cũng là đủ. Cái khoảng trống kiến thức về nghề trống hoác trong đại bộ phận người nuôi trồng thủy sản.

Điều đáng buồn là người trực tiếp nuôi trồng thủy sản thấy rõ điều đó nhưng không muốn khắc phục. Một lần tôi đi tìm hiểu về hiệu quả hoạt động dạy nghề cho nông dân ở Hải Dương. Đến một hộ nuôi thủy sản ở huyện Kinh Môn, hộ này năm ấy thành công gấp hai năm trước vì được... học. Bác ấy được học không nhiều, đại khái cách xem môi trường nước, xử lý ở mức độ đơn giản; cách xem con cá thở, bơi thế nào... Nhờ thế mà lượng cá chết giảm hẳn, thu nhập cuối năm từ 100 triệu lên hơn 200 triệu... Hỏi bác có muốn học nữa không, bác phát biểu rất dài về: Nhà nước cần giúp dân mở thêm các lớp tập huấn, dạy nghề... rằng trong mọi sự đầu tư cho nông dân nhà nước nên tập trung vào dạy nghề... Hỏi thêm bác nếu bây giờ trung tâm mở ra những lớp học nghề tự nguyện, đóng học phí (thời gian học 3 - 6 tháng, học phí 10 triệu - giả định) bác nông dân ấy ngần ngừ, gãi đầu, nói nếu học phí chừng 1 triệu thì đóng được chứ 10 triệu thì nhà nước nên... hỗ trợ. Tôi trêu ông rằng tiền năm trước thu được thêm cả trăm triệu nhờ học, nay đầu tư một phần đi học tiếp sao ông lại tiếc. Ông lại... gãi tai: “Tiền kinh doanh lúc nào cũng thiếu, thu được lại chi ngay, ví như xây lại hệ thống bờ ao, xây thêm bể ương cá...”. Có lẽ, theo ông những thứ xây, đắp thực tế ấy mới đẻ ra tiền, còn kiến thức không phải là một khoản cần đầu tư, có thể “chùa được”.

Môi trường: Cha chung không ai cần khóc 

Tuyệt đại đa số người nuôi trồng thủy sản ở ta không nghĩ rằng mình là tác nhân gây nguy hại về môi trường. Môi trường là cái gì đó thuộc về “trời”, về vĩ mô, quản lý ở trên cao... không thuộc về mình. Một tâm lý khá phổ biến là “đòi” môi trường tốt, các cấp các ngành phải “có trách nhiệm”... Tình trạng này phổ biến thành “bệnh” ở các vùng nuôi lồng bè trên sông và cả trên biển. Ngay trên các phương tiện thông tin, người ta kêu nhiều về tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy, khu công nghiệp chứ hầu như không bao giờ nhắc đến nguồn gây ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản. Và khi cá chết hàng loạt, rất thường có suy diễn, cách hướng tới nguồn ô nhiễm từ đâu đó trên mặt đất. Nếu qua kiểm nghiệm các cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân do nuôi quá nhiều, chất thải tự chính vùng nuôi gây nên, thường không được người dân công nhận, thậm chí cho rằng cơ quan chức năng bao che, không làm hết trách nhiệm... Không bảo vệ dân!!!

Từ hàng chục năm trước người viết bài này đã thấy “sáng kiến” của các hộ nuôi cá lồng dùng động cơ bơm nước “tạo dòng nước lưu thông” làm sạch khu lồng nuôi của mình “đẩy” chất thải ra dòng sông, vùng biển bên cạnh. Sáng kiến ấy chỉ hiệu quả khi xung quanh họ không có người nuôi, còn ở các khu vực nuôi nhiều thì thực chất cũng chỉ là “đánh bùn sang ao”. Không nói đến nuôi trên sông, trên hồ chứa, ngay nuôi biển, tại các vùng nuôi lớn như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long ở miền Bắc, hay các vùng nuôi lồng trong các vũng vịnh miền Trung, người nuôi cũng đã “ngấm đòn” từ chính mình. Có lần tôi nghe một bác ngư dân già ở Lan Hạ (Cát Bà - Hải Phòng) mong có trận bão lớn. Ông mong thực lòng, có bão lớn để cuốn tất thảy cặn bã lắng đọng dưới lòng vịnh ra khơi để làm sạch môi trường nuôi. Theo ông, những lưu cữu bao năm của hàng vạn ô lồng nuôi, dòng thủy triều đã “kiệt sức” không tải nổi ra biển nữa. Một lần đi cùng những người mò cua bắt ốc vùng bãi triều ở Tiên Yên (Quảng Ninh), hỏi các chị sợ gì nhất các chị nói sợ hai cái: Thứ nhất mưa sớm, nước thải từ khu mỏ chảy ra, thứ nhì dịp các đầm nuôi tôm gần bờ thay nước nuôi... độc lắm. Mỗi bận ấy cua, ốc, sá sùng, bạch tuộc... chết thối bãi, dân mò cua bắt ốc như các chị mất ăn cả tháng trời.

Vâng, với nghề nuôi môi trường nước là điều sống còn, nhưng nếu chính mình vẫn coi nó là việc “trên trời” thì con cá con tôm mãi vẫn là việc “âm phủ”. Người nuôi cần có đủ kiến thức, cần có hành động thực tế để bảo vệ môi trường nuôi như bảo vệ trực tiếp tài sản của chính mình.

Ném cá chết sang... ao bên cạnh

Có lẽ không ai nuôi cá lại trực tiếp “cầm tay” làm cái việc ném cá chết sang ao nhà bên cạnh, nhưng những việc gần giống như vậy thì ở ta nhiều lắm lắm. Một việc khá phổ biến là thu hoạch bán tôm cá khi ao, lồng nuôi có dấu hiệu mắc bệnh. Cũng rất ít thấy cơ quan chức năng nào đó ra lệnh cấm thu hoạch để xử lý hủy. Cũng ít có chuyện khoanh vùng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với các vùng nuôi bị nhiễm bệnh, khác hẳn với chăn nuôi gia súc gia cầm. Điều này cũng dễ hiểu, bệnh tôm cá không lây lan sang người (trừ một số trường hợp bệnh giun, sán... mà động vật thủy sinh là vật truyền trung gian). Bởi thế “còn xa người lắm”, thịt tôm cá bệnh vẫn lên bàn ăn, thậm chí vẫn là đặc sản. Ông quan chức nào ra lệnh bao vây, hủy... nhiều tấn tiền của dân như thế chắc chết trước con tôm cá bệnh. Gia súc, gia cầm và sản phẩm khi tham gia vào thị trường cần có xác nhận của cán bộ thú y rằng không mắc bệnh. Hình như ở mặt hàng thủy sản điều này chưa có. Vậy nghĩa là con tôm cá bệnh vẫn thoải mái “du hành ký” để vô tư lây lan dịch bệnh... Tất nhiên trên đồng loại của chúng chứ không phải ở người.

>>Với nghề nuôi, môi trường nước là điều sống còn, nhưng nếu chính mình vẫn coi nó là việc “trên trời” thì con cá con tôm mãi vẫn là việc “âm phủ”. Người nuôi cần có đủ kiến thức, cần có hành động thực tế để bảo vệ môi trường nuôi như bảo vệ trực tiếp tài sản của chính mình.


Related news

Công nghệ sản xuất Nitơ và Oxy Công nghệ sản xuất Nitơ và Oxy

Oxy làm tác nhân oxi hóa, nhiên liệu, chuyển hóa các Hydro Cacbon dùng trong y tế và các ngành kinh tế khác

Sunday. February 5th, 2017
Đem “lộc biển” Hoàng Sa về bờ Đem “lộc biển” Hoàng Sa về bờ

Những tiếng hò reo của ngư dân sau chuyến biển ở Hoàng Sa trở về đất liền với đầy ắp cá làm rộn ràng khu cảng ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Monday. February 6th, 2017
Tôm được giá, nông dân ồ ạt thả nuôi Tôm được giá, nông dân ồ ạt thả nuôi

Theo đánh giá, trong tháng 1.2017, tình hình nuôi tôm có nhiều dấu hiệu khả quan, các địa phương đang tập trung chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2017.

Tuesday. February 7th, 2017