Nghệ An: Nuôi tôm VietGAP thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha
Nhiều hộ dân ở Hợp tác xã Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhờ áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGAP nên sản lượng thu hoạch đạt từ 15 tấn/ha/vụ, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Bà con HTX Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) nuôi tôm theo quy trình VietGap. Trong ảnh: Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua bạt đen lót đáy ao nuôi tôm. Ảnh: Việt Hùng
Năm 2013, ông Hoàng Xuân Tin là một trong những hộ đầu tiên áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGAP. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai mô hình, ông Tin khẳng định nhờ nuôi tôm sạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 12 ao nuôi, ông bố trí 3 - 4 ao lắng để xử lý nguồn nước, còn lại dùng để nuôi tôm. Vụ 1 năm nay, với 3 ao nuôi ông thu được 16 tấn tôm (bình quân mỗi ao đạt 4 - 5 tấn); sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 700 triệu đồng.
Bà con xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thu hoạch tôm bán cho thương lái. Hiện nay, tôm có giá từ 110.000 - 130.000 loại 50- 60/kg con.
"Như trước đây, khi chưa áp dụng quy trình nuôi VietGAP, người nuôi tôm thường lo lắng về con giống, thức ăn và quy trình nuôi không đảm bảo, năng suất thu hoạch cuối vụ thường đạt thấp khoảng 2 - 3 tấn/ao. Sau khi áp dụng quy trình, mặc dù trải qua nhiều công đoạn trong kiểm soát từ con giống đến thức ăn nên năng suất thu hoạch cuối vụ đạt cao hơn hẳn; mỗi ha nuôi tôm VietGAP cho thu lãi 600 - 700 triệu đồng/năm" - Ông Tin chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, đến nay HTX Lộc Thủy có 80h nuôi tôm, trong đó có 40 ha diện tích áp dụng quy trình VietGAP được thực hiện ở 28 hộ dân. Theo các hộ nuôi tôm, áp dụng quy trình VietGAP con giống từ cơ sở cung cấp giống phải đạt tiêu chuẩn, qua kiểm dịch rồi mới thả nuôi; phải ghi chép cẩn thận từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch.
Nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP, vụ 1 năm nay hầu hết bà con xã Quỳnh Bảng thắng lợi; 1 ao nuôi cho thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng.
"Ngoài kiểm soát con giống, thức ăn, các hộ nuôi tôm phải cải tạo lại ao nuôi, xây dựng ao lắng lọc và xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi hoặc thu hoạch tôm. Quy trình này giúp ngăn ngừa các loại dịch bệnh có thể xảy ra ở tôm; đồng thời hướng cho nông dân ứng dụng cách nuôi trồng mới tiên tiến hơn”. Anh Nguyễn Văn Tâm - một hộ nuôi tôm chia sẻ.
Bước vào thả tôm vụ 1 năm nay, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thay thế bạt lót đáy thông thường bằng bạt đen để kháng tia UV, kháng hóa chất, chống ô xi hóa, tránh mất nước cho ao nuôi và phòng chống dịch bệnh tốt. Cùng với đó, huyện đã thu hút các dự án về đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nuôi tôm trên địa bàn với mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm VietGAP và đầu tư hạ tầng một cách bài bản nên vụ 1 năm nay, mặc dù bà con HTX Lộc Thủy chỉ mới thu hoạch khoảng 60% diện tích nhưng ước sản lượng khai thác đạt khoảng 70 - 80 tấn; nếu thời tiết thuận lợi kéo dài đến cuối năm, sản lượng có thể vượt trên 200 tấn, cao hơn năm 2016 là 40 - 50 tấn.
Ông Vũ Văn Dương - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết, toàn xã Quỳnh Bảng có 186,2 ha diện tích nuôi tôm, trong đó có 40 ha diện tích nuôi theo quy trình VietGap ở HTX Lộc Thuỷ. Kết quả cho thấy, cách nuôi mới đã đem lại nhiều lợi ích, không những con tôm nuôi đạt kích cỡ, sản lượng cao, sạch bệnh mà môi trường cũng tốt hơn.
Related news
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đông đảo nông dân, doanh nghiệp quan tâm là bởi sản lượng cao vượt trội, tỷ lệ thành công cao hơn nuôi tôm truyền thống
Đến năm 2025, cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương 2,45 - 2,8 tỷ giống cá tra cho An Giang và khu vực ĐBSCL
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, có giá trị kinh tế cao.Sản phẩm đầu ra ổn định có nghĩa là đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của nhà nhập khẩu