Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngành chăn nuôi nỗi lo yếu thế trong tiến trình hội nhập

Ngành chăn nuôi nỗi lo yếu thế trong tiến trình hội nhập
Publish date: Monday. May 18th, 2015

Thực tế, trong năm 2014, nước ta đã nhập 181.534 con bò, trâu sống từ Australia và Ấn Độ, và kim ngạch nhập khẩu 2 loại gia súc này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Nước ta không chỉ nhập khẩu nhiều một số loại gia súc do thiếu nguồn giống tốt ở trong nước, mà hiện thịt đông lạnh nhập khẩu đã phủ kín các phân khúc thị trường, vì giá thành sản xuất thịt của các nước trên đang rẻ hơn Việt Nam 25 - 35%. Các chuyên gia dự đoán, khi Việt Nam tham gia các FTA, thì các loại sản phẩm chế biến từ chăn nuôi hay các loại thịt nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào, cạnh tranh trực tiếp, mạnh mẽ với hàng nội địa.

Trong khi, những hạn chế, yếu kém trong chăn nuôi vẫn chưa thực sự được quan tâm khắc phục và chưa có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là nhập khẩu, làm cho chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức khá cao. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, hệ thống chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi trong nước lại tương đối phức tạp, phải qua nhiều tầng trung gian. Chẳng hạn, giá bán thức ăn nuôi tôm đến tay người nuôi hiện ở mức khoảng 33.000 đồng/kg, trong khi, giá giao ngay của các nhà máy sản xuất chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, thấp hơn 20% so với mức giá đến tay người nuôi. Trong khi đó, thức ăn chiếm đến 45 - 55% giá thành, nên theo tính toán sơ bộ, với mỗi kilogram thức ăn, giá thành sản phẩm đã bị đội thêm 10%.

Chia sẻ về hạn chế của hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi hiện nay, nhiều xã viên của một hợp tác xã cho biết, giá thức ăn chăn nuôi các hộ cá thể mua từ các đại lý cấp 2 cao hơn nhiều so với mua từ hợp tác xã. Ví dụ, cám tập ăn trọng lượng 25kg cho lợn con, cùng chủng loại hợp tác xã bán cho xã viên với giá là 422.000 đồng/bao, mua qua đại lý phải trả 450.000 đồng nếu trả ngay, còn trả chậm sẽ phải mua với giá 460.000 đồng/bao.

Do vậy, người chăn nuôi phải chịu mua với giá chênh lệch từ 28.000 - 38.000 đồng/bao cám. Không chỉ thức ăn, khâu cung ứng thuốc thú y phục vụ ngành chăn nuôi cũng còn tồn tại không ít hạn chế.

Được biết, các đại lý thuốc thú y hiện đang được doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thuốc chiết khấu đến 30% hoa hồng. Người chăn nuôi là đối tượng phải gánh chịu khoản chi này cho các đại lý do khâu cung ứng nhiều tầng nấc. Có thể thấy, đây chính là điểm hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh cũng như lợi thế của sản phẩm chăn nuôi nội địa so với nhiều nước khác.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng tới đây, ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với không ít thách thức lớn. Ví dụ như, do quy mô sản xuất còn nhỏ nên nước ta có khả năng cạnh tranh thấp trong chăn nuôi gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Đối với chăn nuôi lợn, tuy có ưu thế là người tiêu dùng trong nước vẫn có thói quen sử dụng thịt tươi, song hướng tiêu dùng này lại có khả năng sẽ thay đổi nhanh chóng. Nếu người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh do nhịp sống thay đổi nhanh, cần tiết kiệm thời gian chế biến... thì chăn nuôi gà hay lợn trong nước sẽ bị yếu thế so với hàng hóa nhập khẩu.

Thêm vào đó, bước vào hội nhập sâu, ngành chăn nuôi trong nước còn phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia khác có nhiều lợi thế hơn về kỹ thuật chăn nuôi, năng suất lao động, cộng với giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn và mức lãi suất tín dụng ưu đãi phát triển ngành cũng thấp hơn. Thời gian qua, tuy nhiều chính sách ưu đãi tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Nhà nước ban hành nhưng mức lãi suất hiện vẫn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%, dài hạn là 10-11%/năm; trong khi tại nhiều nước khác, mức lãi suất dành cho chăn nuôi chỉ ở mức 6%/năm, thậm chí có nước 4%/năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không sớm có các biện pháp ứng phó phù hợp, khả năng bị thu hẹp của sản xuất chăn nuôi trong nước là điều dễ nhìn thấy. Nói cách khác, Việt Nam sẽ có thể sớm trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước khác trong khu vực và thế giới. Để vững vàng hơn trong hội nhập, ngành chăn nuôi cần nhanh chóng tập trung cải thiện chất lượng giống thông qua phổ biến giống chất lượng cao, chọn lựa giống nhập khẩu phù hợp; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác thú y, nhất là hoạt động cung ứng thuốc thú y...

Đồng thời tập trung tăng chất lượng, thúc đẩy hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước nhằm tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để cải thiện, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, với sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng tầm thương hiệu sản phẩm chăn nuôi trong nước đáp ứng yêu cầu khu vực và trên thế giới.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Đu Đủ Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Đu Đủ

Đợt thử nghiệm đầu tiên trồng 200 gốc đu đủ trên đất ruộng, anh Trương Văn Hiền ở tổ 3, ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thu kết quả không ngờ. Bình quân mỗi cây cho trên 60 kg, giá trung bình 4.000 đồng/kg, anh thu về gần 50 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên”, năm 2009 anh tiếp tục mở rộng diện tích 0,7ha, trồng 1.700 cây đu đủ và hiện cây sắp đến ngày thu hoạch…

Monday. June 10th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Chăn Nuôi Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Chăn Nuôi

Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.

Tuesday. June 11th, 2013
Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ Vụ Hè Thu Năm 2013 Nông Dân Lại Thua Lỗ

Đến thời điểm này, trên 60% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch. Nông dân đang trông chờ chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ để giá lúa nhích lên. Tuy nhiên, theo quy định, đến ngày 15/6 mới mua tạm trữ thì nông dân chắc gì còn lúa để bán...

Tuesday. June 11th, 2013
Mùa Trồng Mới Chú Ý Chất Lượng Cây Giống Mùa Trồng Mới Chú Ý Chất Lượng Cây Giống

Thị trường cây giống ở Gia Lai đang bắt đầu nở rộ với sự đa dạng về chủng loại cây giống như bời lời, cà phê, tiêu, giống cây ăn quả… Tuy nhiên, chất lượng cây giống vẫn đang còn bỏ ngỏ khi mà hầu hết quy trình chọn giống, ươm cây đều dựa vào kinh nghiệm của chủ vườn ươm.

Tuesday. June 11th, 2013
Nuôi Ong, Thu Nhập Gần 200 Triệu Đồng/năm Nuôi Ong, Thu Nhập Gần 200 Triệu Đồng/năm

Anh Lê Duy Vũ (thôn Diên Sơn, xã Diên Sơn) là hộ nuôi ong thành công trên địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Thu nhập bình quân từ ong dú của gia đình anh từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Tuesday. June 11th, 2013