Ngăn Chặn Sản Xuất Kinh Doanh Tôm Chứa Tạp Chất

Hôm nay (1-8), Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa triệt để, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn hết sức phức tạp, đặc biệt vào các thời điểm khan hiếm nguyên liệu, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và pháp luật hiện hành, trong đó có biện pháp tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở tái phạm; thông báo công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về kiểm soát tạp chất và tác hại nghiêm trọng của hành vi đưa tạp chất vào tôm.
Phát động quần chúng nhân dân lên án, tố giác các hành vi gian lận đưa tạp chất vào tôm và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến.
Xử lý nghiêm cán bộ bao che cơ sở vi phạm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bố trí đủ nguồn ngân sách địa phương hàng năm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào thủy sản và sản xuất kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất của các cơ quan chức năng địa phương; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng thuộc 3 ngành Nông nghiệp, Công an, Công thương từ cấp trung ương đến địa phương, Hội/Hiệp hội ngành nghề thủy sản có liên quan và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản tự nguyện cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất; thông báo công khai danh sách các cơ sở, doanh nghiệp cam kết; chủ động cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất.
Related news

Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Trứng gà Tân An (Quảng Ninh) là một trong số những nông sản được tỉnh lựa chọn để xây dựng thương hiệu. Đây là cơ hội nâng cao uy tín sản phẩm; tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa giúp gì nhiều cho trứng gà Tân An mở rộng hơn thị trường tiêu thụ...

Ông Phạm Hùng Sanh, thôn Xuốm, xã Đồng Lương, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng được sự hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, gia đình tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 1,5 ha cao su.