Nạo vét kênh mương giải thủy ở xã Bình Giang sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng ;
Chưa lấy ý kiến dân
Những năm qua, Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (MINCO) được cấp phép khai thác mỏ cát Hương An với tổng diện tích 157ha.
Trong đó, địa bàn huyện Quế Sơn có 52ha; các xã Bình Giang, Bình Phục (Thăng Bình) hơn 104ha.
Tính đến nay, MINCO đã khai thác hàng triệu mét khối cát trắng trên diện tích khai thác hơn 50ha.
Để có nguồn đất hoàn thổ, công ty đã xin phép tận thu cát giải thủy kênh mương C2 qua địa bàn xã Bình Giang.
Trong khi chưa lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân địa phương, MINCO tiến hành nạo vét mương tiêu giải thủy C2 qua địa bàn xã Bình Giang, gây phản ứng gay gắt từ phía người dân, buộc chính quyền địa phương phải tổ chức họp nhiều lần để giải quyết.
Nông dân thôn Hiền Lương cho biết, mọi năm thời điểm này họ bắt đầu thu hoạch rau vụ đông và canh tác kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, hiện nay các loại rau chỉ vừa mọc khỏi mặt đất, thậm chí nhiều diện tích sản xuất chỉ mới lên luống, làm đất.
Nguyên nhân chính là MINCO làm kênh mương giải thủy, lấy đất hoàn thổ sau khi khai thác cát trắng ở mỏ Hương An gần đó khiến tình hình sản xuất chậm lại.
Nguy cơ thất thu rau màu vụ đông đang dần hiện ra trước mắt.
Ông Phan Ngọc Khánh (thôn Hiền Lương, xã Bình Giang) nói: “Công ty đào vét con mương quá sâu để lấy đất, ruộng vườn bị ảnh hưởng.
Mưa xuống thì xói lở, sản xuất trầy trật”.
Dẫn phóng viên ra hiện trường, nhiều nông dân ở thôn Hiền Lương và Bình Hòa (xã Bình Giang) chỉ ra nhiều đoạn mương kéo dài bị đào sâu đến hơn 4m rất nguy hiểm.
“Nguyện vọng của bà con bây giờ là yêu cầu công ty lấp lại con kênh này mới an tâm sản xuất lâu dài được”, bà Lê Thị Thiện - nông dân thôn Hiền Lương nói.
Để cứu hơn 200ha rau màu vụ đông này, một số người dân tự phát đắp một con đập tạm thời trên con mương mà MINCO vừa đào vét nhằm hạn chế tình trạng xói lở trên cánh đồng và chống lại việc bồi lấp cánh đồng lúa gần 300ha ở cuối con mương.
Theo lập luận của bà con nông dân, với lượng nước quá lớn đổ trực tiếp ra đồng, bà con không thể gieo trồng được vụ lúa đông xuân sắp đến.
Việc đào kênh mương quá sâu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà chẳng thông qua ý kiến người dân là đã cho thấy sự bất thường của doanh nghiệp.
Nạo vét mương để lấy đất hoàn thổ
Không phải thời điểm này người dân xã Bình Giang mới lên tiếng mà trước đó trong hai tháng 8 và 9, chính quyền địa phương tổ chức họp dân 2 thôn Bình Hòa và Hiền Lương để trao đổi, giải thích việc nạo vét mương tiêu C2 nhưng đa số nhân dân không đồng tình.
Thời gian qua, doanh nghiệp đã khắc phục một số hạng mục như kè đá bảo vệ cống trên tuyến ĐH từ tổ 14 thôn Bình Hòa đi Dốc Gọn, làm đập dâng.
Theo chính quyền xã Bình Giang, tại cuộc họp, người dân cho rằng, việc nạo vét mương tiêu khu mỏ cát C2 làm sạt lở đất sản xuất và nhà cửa người dân nên công ty phải có trách nhiệm bồi thường.
Riêng khi lập hồ sơ thiết kế nạo vét mương Trường Khê đoạn từ Bàu Sen đến Bàu Chùa phải có sự tham gia góp ý của nhân dân vùng hưởng lợi trực tiếp.
Ông Bùi Duy Nghĩa - Phó Giám đốc Xí nghiệp Cát Thăng Bình thuộc MINCO cho hay, trong tổng chiều dài tuyến mương 2km, đơn vị đã nạo vét 1,6km, bình quân đào sâu 1m, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, không ảnh hưởng đến đất canh tác.
Công ty đã tận thu với khối lượng 21.000m3 cả tuyến kênh.
Quá trình thi công đều tuân thủ theo thiết kế của đơn vị tư vấn độc lập (Dự án Cải tạo phục hồi môi trường và đề án Bảo vệ môi trường chi tiết mỏ cát Hương An đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013 - PV).
“Sai sót của chúng tôi là không lấy ý kiến của người dân thôn Hiền Lương vì nghĩ đơn giản rằng họ không bị ảnh hưởng trực tiếp” – ông Nghĩa thừa nhận.
Theo người dân, quá trình nạo vét kênh mương cũng phát sinh không ít bất cập do nhiều đoạn đào quá sâu, lấy khối lượng đất cát lớn khiến dòng chảy thay đổi thất thường.
Cát sau khi nạo vét chất thành đống cao tại hai bên bờ mương nên luôn có nguy cơ lấp xuống lại lòng kênh, sạt lở đe dọa đất canh tác vào mùa mưa.
Quan sát chúng tôi thấy, đất sản xuất rau màu của người dân nằm xen lẫn với hiện trường khai thác cát, mặt bằng đang hoàn thổ và hàng chục nghìn mét khối cát chất đống hai bên bờ kênh mương.
Vụ rau duy nhất trong năm tại xã Bình Giang chắc chắn bị ảnh hưởng.
Giải thích việc chưa có ý kiến tham mưu UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp thu hồi khối lượng san lấp dư thừa tại khu vực nạo vét kênh giải thủy trên, trong văn bản (số 1512/STNMT-KS, ngày 5.10.2015), Sở Tài nguyên môi trường cho rằng, tại các cuộc họp giữa đại diện chính quyền xã Bình Giang, công ty và nhân dân 2 thôn Hiền Lương, Bình Hòa vào ngày 29.8 và 11.9, đều cho thấy đa số ý kiến nhân dân không đồng tình việc nạo vét kênh vì theo họ mở mương giải thủy ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, trôi nhà cửa và đề nghị lấp mương.
Rõ ràng, tận thu đất cát từ nạo vét tuyến mương C2 nằm ngoài khu vực mỏ để hoàn thổ mặt bằng đã khai thác của MINCO tác động không nhỏ đến sản xuất của người dân xã Bình Giang.
Thiết nghĩ, doanh nghiệp cần sớm có giải pháp thi công phù hợp và trả lại mặt bằng để nông dân ổn định sản xuất.
Related news
Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi le le bán hoang dã để lấy thịt và cho sinh sản. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gián tiếp bảo tồn loài chim đang khan hiếm…
Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.
Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.
Nhiều năm nay, người dân xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) quen với hình ảnh ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Hội nông dân (ND) xã cần mẫn như con ong chăm chỉ dạy nghề cho ND, vận động quỹ khuyến học…
Mặc dù an ninh lương thực vẫn đang là vấn đề toàn cầu, nhưng thời “tích cốc, phòng cơ” đã qua. Vựa lúa không phải là mục tiêu ưu tiên mà phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “chén cơm đầy” sang “chén cơm ngon”, thương mại hóa ngành lúa gạo, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.