Nắng nóng thiêu rụi đồng tôm, hàng ngàn hécta bị thiệt hại
Nhiều đồng tôm đã cạn nước nhưng nông dân không dám bơm vào vì độ mặn dưới sông quá cao.
Về các cánh đồng nuôi tôm - lúa ở huyện An Biên, An Minh vào thời điểm này đâu đâu cũng nghe nông dân than thời tiết nắng nóng quá làm tôm nuôi chết hàng loạt.
Mới hơn 8 giờ sáng mà trời đã bắt đầu nắng oi, anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Thuận Hòa, An Minh) bơi xuồng quanh ruộng để nhặt những con tôm chết mới to hơn ngón tay.
Anh Tuấn than: “Trời nắng nóng quá đến người ở trong nhà còn chịu không nổi nói gì đến tôm ngoài ruộng. Lứa tôm này tôi mới thả được khoảng tháng rưỡi, nắng nóng và độ mặn cao làm tôm chậm lớn, hơn tuần nay bắt đầu rớt (chết) từ từ. Ngày nào tôi cũng phải đi vớt không để chúng lây ra cả vuông”.
Cách đó không xa, ông Trần Thanh Khánh cũng đang đi vớt tôm. Theo ông Khánh, tôm chết lai rai kiểu này không phải là dịch bệnh mà bị sốc môi trường do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn.
Nắng nóng làm nước trên ruộng cạn rất nhanh nhưng nông dân cũng không dám bơm vào vì nước sông độ mặn quá cao, trên 30%o. Hơn nữa, nuôi tôm - lúa, hệ thống xử lý nước rất kém nên khi tôm có dịch bệnh nông dân lại xả thẳng nước thải ra kênh rạch, làm dịch bệnh lây lan mỗi khi lấy nước vào.
Nắng nóng gay gắt làm tôm nuôi ở huyện An Minh bị sốc môi trường chết hàng loạt
Tương tự, tại huyện An Biên cũng đang xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt và tăng nhanh thời gian gần đây.
Ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, từ đầu vụ nuôi đến nay toàn huyện đã có trên 2.000ha tôm bị thiệt hại. Diện tích thiệt hại tăng nhanh từ đầu tháng 4 cho đến nay do nắng nóng quá gay gắt.
“Đa số tôm chết vào khoảng 50 - 70 con/kg, khi thấy có dấu hiệu bị rớt là nông dân tiến hành thu hoạch. Nhờ hiện nay tôm đang có giá nên nông dân cũng vớt vát được chút đỉnh, đủ chi phí đầu tư, số hộ bị thiệt hại hoàn toàn rất ít”, ông Hỷ nói.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh hiện nay đạt trên 97.000ha, trong đó nuôi công nghiệp 770ha (chủ yếu là thẻ chân trắng), tôm - lúa 78.465ha, còn lại là quảng canh cải tiến. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, đã làm cho gần 10.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, tăng mạnh vào đợt nắng nóng từ cuối tháng 3 cho đến nay.
Dù mới mấy tháng đầu năm nhưng tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đã gần bằng của cả năm 2015. Phần lớn diện tích tôm chết xảy ra trên mô hình tôm - lúa, quảng canh cải tiến ở các huyện vùng U Minh Thượng, trong đó nhiều nhất là huyện An Minh hơn 7.000ha và An Biên hơn 2.000ha.
Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là không có nguồn nước tốt để cấp bổ sung thêm hoặc cải tạo lại vuông nuôi
Theo ông Xuyên, nguyên nhân tôm chết chủ yếu là do yếu tố môi trường bất lợi (chiếm 9.430ha), qua thu mẫu xét nghiệm, chẩn đoán phát hiện 126 ổ dịch bệnh đốm trắng (282ha) và 16 ổ dịch hoại tử gan tụy (28ha), bệnh còi 34ha…
Do sốc môi trường nên tôm không chết hết, mức độ thiệt hại phần lớn từ 30 - 70% lượng giống thả nuôi (ước có khoảng 95 triệu con tôm giống bị hao hụt), xảy ra trong giai đoạn tôm khoảng 2 tháng tuổi nên nông dân tranh thủ thu hoạch được 30 - 50 kg/ha nhưng tôm còn nhỏ, giá bán rất thấp.
Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là không có nguồn nước tốt để cấp bổ sung thêm hoặc cải tạo lại vuông nuôi. Khảo sát thực tế các xã ven biển của huyện An Biên, An Minh hiện nay độ mặn luôn trên 30%o, trong vuông nuôi gần 40%o, nhiều hộ xả trực tiếp nước từ ao có sự cố ra môi trường làm nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã cấp phát trên 17 tấn hóa chất Sodium Chlorite để giúp người dân chủ động dập dịch, hạn chế mầm bệnh lây lan, gây thiệt hại trên diện rộng.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thì số hóa chất này là rất ít. “Trước tình hình diện tích tôm chết tăng nhanh như hiện nay, ngành nông nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho Kiên Giang 50 tấn hóa chất Sodium Chlorite để đáp ứng nhu cầu cấp phát hóa chất sát trùng cho người dân phòng, trừ dịch bệnh tôm nuôi thời gian tới”, ông Xuyên cho biết.
Related news
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký thông báo về tình hình cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Nghề nuôi hàu đã được dân chuyên nuôi trồng thủy sản ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai biết đến gần chục năm nay. Những năm đầu, số hộ nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi loại đặc sản nước lợ cho lợi nhuận cao này đã thu hút hàng chục hộ dân tại các xã Long Thọ, Phước An tham gia.
Sáng 4/5, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau tổ chức triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao cho trên 80 nông dân trên địa bàn các xã: Hòa Thành, Hòa Tân, Định Bình, Tắc Vân và phường 6, phường 8.