Nàng kỹ sư IT bỏ nghề đi trồng nấm linh chi thu tiền tỷ
Nhờ nấm linh chi, cô kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Thị Hiếu dần thoát khỏi cơn bạo bệnh vì thoát vị đĩa đệm cột sống. Từ đây, cô bỏ nghề IT vốn đang ở đỉnh cao về mức lương để về vùng ngoại thành “mày mò” với nghề trồng nấm...
Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1984), chủ trang trại nấm Linh chi Đất Thép (H.Củ Chi, TP.HCM)
Dáng người nhỏ nhắn, Hiếu bật cười khi nhớ lại thời kỳ đầu mày mò với cây nấm linh chi: “Yêu cây nấm quá, thế nên hồi đó nhiều người nghĩ tôi... “khùng” khi bỏ nghề công nghệ thông tin với mức lương đáng mơ ước để rồi chạy ngược, chạy xuôi xin vào các trại nấm ở huyện Hóc Môn làm không công suốt 1 năm trời chỉ để học được kỹ thuật trồng. Vậy mà cũng gắn bó với cây nấm linh chi được 5, 6 năm rồi...”.
Trồng nấm linh chi để... trả nợ cho đời
Cơ duyên khiến cô gái trẻ Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1984), chủ trang trại nấm Linh chi Đất Thép (H.Củ Chi, TP.HCM), đến với cây nấm dược liệu này cũng khá truân chuyên. Hiếu kể, thời còn đi học ngành Công nghệ Thông tin tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Hiếu thường xuyên đi theo các bạn khoa Nông học để học cấy lan, trồng nấm...Nhưng khi đó, nấm linh chi trong mắt cô sinh viên khoa Công nghệ Thông tin chỉ dừng ở khái niệm là một dược liệu quý, không hơn. Sau khi tốt nghiệp, Hiếu vùi đầu vào lĩnh vực Công nghệ Thông tin trong 4 năm liền và cũng là nguyên nhân khiến cô gái trẻ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống.
“Tương lai gần như khép lại khi một chân em bị liệt và không thể di chuyển. Uống đủ loại thuốc, chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Đến một ngày, có người bạn tặng em một ít nấm linh chi để uống thử và bệnh tình dần thuyên giảm khiến em có thể đi lại bình thường. Từ dạo ấy, em biết đến và nảy sinh ý nghĩ sẽ trồng cho được nấm linh chi như một món quà trả nợ cho cuộc sống”, Hiếu bùi ngùi nhớ lại.
Đến năm 2013, Hiếu chính thức thành lập trang trại nấm linh chi Đất Thép và đã có những sản phẩm đầu tiên, thế nhưng, việc đưa ra thị trường lại là cả một vấn đề. Hiếu kể, ban đầu sản phẩm nấm linh chi em trồng dù mẫu mã đẹp nhưng chỉ bán được qua facebook cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc chỉ mang tặng cho người thân. Sau một thời gian, cũng có thương lái đến mua nhưng giá thành chỉ được 1/3 so với giá thị trường.
Cũng bởi khâu tiếp thị sản phẩm gặp khó khăn nên dù trồng nấm linh chi đạt năng suất cao, sản phẩm đẹp nhưng tính từ khi khởi nghiệp đến nay, Hiếu tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay bạn bè, ngân hàng… cho trại nấm. Dù vậy, Hiếu vẫn quyết tâm không buông bỏ với tâm niệm mình bỏ công làm lời, chắc chắn tâm huyết và ước mơ của mình sẽ sinh trái ngọt...
Đến thời điểm này, bước đầu thương hiệu nấm linh chi Đất Thép đã được người tiêu dùng biết đến qua các phiên chợ sạch do Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các buổi triển lãm nông nghiệp sạch tại khu vực phía Nam. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm từ trang trại của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hiếu vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu ra nước ngoài nhưng dưới thương hiệu của họ. Hiếu chia sẻ: “Em buồn lắm khi sản phẩm của mình sản xuất ra nhưng lại không được dán nhãn nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, để lấy ngắn nuôi dài, nuôi ước mơ với cây nấm linh chi thì em vẫn phải chấp nhận bán hàng theo cách này, nhưng về lâu dài em sẽ tìm ra hướng đi bền vững cho sản phẩm của mình”, cô gái trẻ vùng đất thép Củ Chi quyết tâm.
Tự nghiên cứu hướng đi mới...
Trăn trở với câu chuyện đầu ra, với thị trường bởi phần lớn sản phẩm bán ra của Trại nấm linh chi Đất Thép là nấm linh chi đỏ nguyên miếng và rất ít người đón nhận, Hiếu nảy ý định tạo ra các sản phẩm khác như cao nấm linh chi đỏ hay linh chi hòa tan. Đây là các sản phẩm được bổ sung thêm các loại thảo dược khác thay vì 100% nắm linh chi đỏ.
Để tạo ra những sản phẩm này, Hiếu dành thời gian học thêm các khóa học về Đông y, đọc sách nghiên cứu chuyên ngành về nấm linh chi và sau đó là tiến hành nghiên cứu, mang đi kiểm nghiệm và tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đó là cả một quá trình dài mà Hiếu phải dày công đầu tư cả về vật chất, tinh thần. Hiếu bộc bạch: “Khó nhất là khâu kiểm nghiệm và xin giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm, bởi để ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm của mình phải đảm bảo chất lượng, giúp người sử dụng hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất và cân bằng nhất nhờ các sản phẩm thảo dược được phối trộn trong sản phẩm”...
Hiện, trong diện tích hơn 5.000m2 của trang trại, Hiếu chỉ dành 1.000m2 để trồng nấm linh chi, phần còn lại trồng các loại thảo dược như cỏ mật ngọt, lạc tiên, đinh lăng, chùm ngây... để sẵn sàng đưa các chất thảo dược này vào các sản phẩm kết hợp với nấm linh chi đưa ra thị trường.
Nhờ những sản phẩm nghiên cứu kết hợp nấm linh chi và thảo dược đã giúp Hiếu nâng cao giá trị và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. “Thực tế không phải người nào cũng hấp thu nấm linh chi chuyên chất 100% được, nhưng nếu kết hợp thêm các dưỡng chất từ thảo dược thì lại khác. Nhiều khách hàng của em ban đầu cũng sử dụng nấm linh chi nguyên chất nhưng sau đó sử dụng sản phẩm kết hợp thảo dược thì sức khỏe cải thiện hơn và nhanh chóng trở thành khách hàng trung thành với những sản phẩm này”, Hiếu thông tin.
Nguyễn Thị Hiếu đi tiếp thị sản phẩm tại các hội chợ khởi nghiệp...
Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi và thảo dược từ trang trại của Hiếu đang được giới thiệu ra một vài cửa hàng tại Australia thông qua 2 người bạn thân đang định cư ở nước này và đang có phản hồi tốt. Cũng nhờ kênh tiêu thụ này cùng với việc trực tiếp tham gia các hội chợ khởi nghiệp, phiên chợ sạch... đã mang lại lợi nhuận bình quân mỗi tháng cho cô chủ trang trại nấm linh chi Đất Thép khoảng 50 triệu đồng.
Ngoài ra, với một chút óc thẩm mỹ - theo cách nói của Hiếu - Những dịp ngày lễ, Tết trong năm, Hiếu thường lựa chọn những cây nấm linh chi có “dáng đẹp” để thiết kế thành những chậu cảnh bonsai linh chi đẹp mắt làm quà lưu niệm mang lại nguồn thu không nhỏ...
Related news
Mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 10.000 chậu hoa, với giá dao động từ 40 - 400 ngàn đồng/chậu (tùy loại), sau khi trừ chi phí lãi nửa tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Đàm Văn Khoa, tổ 11B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn mỗi năm thu lãi trên 70 triệu đồng từ tiền bán mật
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang do hạn hán thành vùng sản xuất cây dược liệu