Năng động nghề đóng ghe xuồng Ngã Bảy
Theo những người thợ lành nghề ở địa phương, nghề đóng ghe, xuồng có hơn 100 năm, nhưng phát triển nhất là vào những thập niên 80 của thế kỷ XX.
Thời mà giao thông đường bộ còn rất “xa xỉ”.
Thế nhưng, từ khi những con đường nhựa phủ khắp các vùng nông thôn, cũng là thời điểm nghề đóng ghe, xuồng điêu đứng, thậm chí còn tiến dần đến bờ vực mai một.
Trong những lúc khó khăn vẫn có người âm thầm bám trụ lấy nghề, chờ thời cơ vực dậy và phát triển theo hướng đi mới.
Là chủ Công ty TNHH Đức Thành A, chuyên đóng tàu, ghe lớn nhất ở khu vực 6, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ: “Theo nghề gần hết cuộc đời nên vào lúc khó khăn nhất, tôi cũng không nản chí và quyết tâm tìm hướng đi mới cho nghề.
Bởi đây là nghề ông cha để lại, tôi phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy một cách tốt nhất mà mình có thể”.
Để thực hiện điều này, ông Lộc tận dụng nguồn vốn tích lũy của gia đình, cộng thêm ý chí cầu tiến, ham học hỏi đã thôi thúc ông mạnh dạn phát triển nghề đóng tàu, ghe theo quy mô lớn.
Hiện nay, công ty của ông đóng đa dạng mẫu mã tàu, ghe như: Tàu du lịch, tàu chuyên dùng, tàu biển,...
Trong đó, tàu du lịch, công ty của ông đóng theo kiểu mẫu tự học từ tàu du lịch của Ai Cập, thiết kế hai băng, với 6 người ngồi.
Nổi bật trên hết là những chiếc tàu biển có trọng tải lớn lên đến 130 tấn, với công suất máy sử dụng đạt 400 mã lực trở lên, bán ra với giá cả tỉ đồng mỗi chiếc.
Tương tự, ông Thái Sơn Hùng, chủ Doanh nghiệp tư nhân đóng tàu biển ở cùng khu vực 6, cũng đã chuyển đổi theo quy mô sản xuất lớn.
Qua 30 năm theo nghề, ông Hùng đã tạo dựng được 2 cơ sở chuyên đóng tàu biển, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực 6, phường Hiệp Thành.
Theo ông Hùng, sở dĩ thay đổi như vậy vì ông muốn bắt kịp theo xu hướng chung của thời đại ngày nay.
Đồng thời, cải thiện cuộc sống gia đình, cũng như gìn giữ, phát huy nghề cha truyền con nối.
Dám nghĩ dám làm, ông Hùng đã tự tìm đường cho riêng mình bằng cách dấn thân trải nghiệm thực tế ở một số địa phương lân cận chuyên đóng tàu lớn để học hỏi kiểu mẫu, trước khi ông bén duyên với nghề đóng tàu biển.
Ông Hùng tâm sự: “Lúc đầu cũng có khó khăn, không khéo còn bị thâm vốn, nhưng tôi rút tỉa kinh nghiệm lần lần rồi cũng thành công.
Cuộc sống ổn định hơn trước mà quan trọng là nghề truyền thống vẫn được phát huy”.
Mỗi năm, cơ sở của ông Hùng đóng khoảng 20 chiếc tàu biển lớn, nhỏ, với trọng tải thấp nhất là 50 tấn.
Khách hàng chủ yếu là những cư dân vùng biển Sông Đốc (Cà Mau), Kiên Giang lên tận nơi đặt hàng.
Ông Hùng cho biết thêm: “Mốc đánh dấu thành công nhất của tôi chính là được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định công bố đủ điều kiện đóng tàu biển với tổng công suất máy từ 400 mã lực trở lên”.
Việc thay đổi phương thức sản xuất nghề đóng ghe, tàu không chỉ làm nền tảng để duy trì nghề truyền thống mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho những người dân lao động nơi đây.
Ông Võ Văn Nhiều, Trưởng khu vực 6, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, thông tin: “Ở địa phương có 3 cơ sở đóng tàu với quy mô lớn, mỗi năm đóng khoảng 100 chiếc tàu, ghe lớn, nhỏ khác nhau, giải quyết cho hơn 50 thợ lành nghề có công ăn việc làm ổn định.
Quan trọng là phần lớn những người thợ ở đây được đào tạo kỹ lưỡng, tâm huyết và gắn bó với nghề dài lâu nên cuộc sống dần được ổn định, thậm chí vươn lên thoát nghèo”.
Theo anh Lương Thanh Danh (thợ đóng tàu biển), ở khu vực 1, phường Hiệp Thành, nghề đóng ghe tàu làm suốt năm, không có giờ nghỉ tay, nhưng đòi hỏi người thợ phải thật sự tỉ mỉ và tính cẩn thận cao.
Bởi “sai một ly đi một dặm”.
Anh Danh cho biết: “Nghề đóng tàu tuy cực, nhưng thu nhập khá và ổn định, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Nếu ai tiết kiệm thì cũng có dư”.
Tùy theo thợ chính hay thợ phụ mà có mức thu nhập khác nhau, dao động từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Hoài Bạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cho rằng: “Nghề đóng ghe, xuồng đang phát triển theo quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và tạo tiền đề vững chắc duy trì làng nghề truyền thống.
Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bằng cách “xóa đói giảm nghèo” cho người dân địa phương.
Mặt khác, ngành tiểu thủ công nghiệp này là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của phường Hiệp Thành, vừa góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa là những mạnh thường quân trụ cột cho việc gây quỹ ủng hộ vì người nghèo của địa phương.
Vì thế, chính quyền địa phương luôn ủng hộ, xem xét và tạo điều kiện cho ngành nghề phát triển, mở rộng quy mô sản xuất khi các cơ sở có nhu cầu vay vốn”.
Related news
Như NNVN đã đưa tin loài dịch hại mới xuất hiện và gây hại trên cây có múi ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng). PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Bộ môn BVTV, Trường ĐH Cần Thơ xác định đó là sâu đục trái cây có múi, có tên khoa học là Citripestis sagittiferella Moore.
Những ngày qua, giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên đã tăng vượt mốc 43 triệu đồng/tấn. Ngày 28.5, giá cà phê nhân xô ở Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông từ 43,1 - 43,2 triệu đồng/tấn, ở Gia Lai 43 triệu đồng/tấn.
Từ năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) thuộc sở KH-CN Hòa Bình, nông dân xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đưa mạnh cây su su vào cơ cấu cây trồng ở địa phương. Kết quả, cây su su đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) từng bước ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.
Các nhà khoa học Việt Nam đã thành công trong việc chuyển hóa dầu ăn thải thành nhiên liệu sinh học bằng phản ứng cracking xúc tác.
Ông Dương Văn Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết kết quả khảo sát tại ĐBSCL cho thấy, người nuôi cá tra đang gặp khó khăn rất lớn. Hiện mỗi 1 kg cá tra thành phẩm, người nuôi lỗ 3.000 đồng, trung bình 1 ha nuôi cá tra lỗ 1 tỷ đồng. Hiện rất nhiều doanh nghiệp cần bán sản phẩm để thu hồi vốn vì thế phải hạ giá bán, do đó giá cá nguyên liệu giảm theo.