Nâng Đỡ Sức Vươn Lên Của Hộ Nghèo

Theo Quyết định số 2621/2013 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1.1.2014, hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo được vay tối đa 10 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH đã trao đổi với phóng viên NTNN về việc tổ chức thực hiện Quyết định 2621.
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, Quyết định số 2621 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31.12.2013 có nội dung sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Ngày 23.1.2014, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn 533 về việc mức hỗ trợ vay vốn. Ngân hàng CSXH đã hướng dẫn chi nhánh Ngân hàng CSXH các tỉnh thực hiện Quyết định 2621.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về chính sách cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2621?
Hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo nếu có nhu cầu thì được vay vốn ưu đãi với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo. Lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay là 0,65%/tháng thì lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo chỉ là 0,325%/tháng.
Theo Quyết định 2621 thì mức vay tối đa là 10 triệu đồng/hộ, thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 năm. Tiền vay được dùng cho mục đích mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề. Việc cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định này được áp dụng đối với các khoản vay phát sinh kể từ ngày 1.1.2014.
Trong trường hợp người vay đã vay vốn chương trình hộ nghèo trước đó hoặc hộ nghèo có nhu cầu vay vốn trên mức 10 triệu đồng và thời hạn vay vốn trên 3 năm thì được giải quyết thế nào, thưa ông?
Trường hợp người vay đã vay vốn chương trình tín dụng hộ nghèo (kể cả trường hợp đã vay 30 triệu đồng), nếu có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề thì tiếp tục được vay thêm tối đa 10 triệu đồng, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong thời hạn tối đa là 3 năm.
Trường hợp hộ nghèo có nhu cầu vay vốn trên 10 triệu đồng và thời gian vay vốn trên 3 năm thì số tiền vay trên 10 triệu đồng và thời gian vay vốn trên 3 năm được áp dụng lãi suất như cho vay hộ nghèo và các quy định về cho vay hộ nghèo hiện hành. Lưu ý, các quy định trên được áp dụng cho đối tượng là hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ.
Ngân hàng CSXH đã chủ động nguồn vốn từ đâu để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, thưa ông?
Theo ông Nguyễn Văn Lý, hiện tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đạt 120.000 tỷ đồng. Việc thực hiện cho vay mới đối với hộ nghèo trên các địa bàn huyện nghèo cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch tín dụng của Ngân hàng CSXH năm 2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên địa bàn các huyện nghèo hiện có khoảng 700.000 hộ, trong đó có hơn 3.000 hộ nghèo. Dự kiến, quy mô nguồn vốn cho vay theo Quyết định 2621 của Thủ tướng Chính phủ là trên dưới 2.000 tỷ đồng và giải ngân trong 2-3 năm. Nếu mỗi năm tăng thêm 600 tỷ đồng thì không quá lớn so với năng lực của Ngân hàng CSXH và có thể bố trí được.
Có ý kiến lo ngại việc cho vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,325%/tháng, trong 3 năm sẽ làm hộ nghèo ỷ lại. Quan điểm của Ngân hàng CSXH thế nào?
Các huyện nghèo điều kiện cực kỳ khó khăn, không chỉ về tự nhiên mà còn về mặt kinh tế, xã hội. Mặt bằng dân trí thấp, điều kiện sản xuất khó, giao thông đi lại không thuận tiện nên giá nông sản cũng thấp, sức vươn lên của người dân còn thấp. Quyết định 2621 là tăng thêm ưu tiên đối với sản xuất tại các huyện nghèo, góp phần động viên, khuyến khích, nâng đỡ sức vươn lên của hộ nghèo.
Chương trình vay vốn ưu đãi không làm bà con ỷ lại vì vẫn có lãi suất dù ở mức thấp. Điều này vừa nhắc nhở hộ nghèo có trách nhiệm với đồng vốn vay, vừa kết nối thường xuyên hộ nghèo với các hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH. Điều này cũng phù hợp với quan điểm giảm các chương trình cho không, tăng các chương trình hỗ trợ cho đầu tư của Chính phủ…
Xin cảm ơn ông!
Related news

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

Tiêu chuẩn MSC bao gồm 23 tiêu chí lớn thuộc 3 nguyên tắc cơ bản. Để được chứng nhận MSC, nghề nuôi nghêu phải đảm bảo các tiêu chí khoa học rất nghiêm ngặt như: không khai thác bừa bãi làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi; có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế…