Nâng cao năng suất tôm hùm lồng
Thực hiện tốt kỹ thuật nuôi tôm hùm sẽ giúp hạn chế dịch bệnh, tôm khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng.
Vị trí đặt lồng
Nên đặt lồng nuôi ra vùng xa bờ để trao đổi nước tốt hơn. Độ sâu mực nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là 4 m (đối với nuôi lồng găm), từ 4 – 8 m (đối với nuôi lồng sắt) và hơn 8 m (đối với lồng nổi). Đáy lồng cách đáy biển > 0,5 m là tốt nhất.
Nơi đặt lồng nuôi phải đảm bảo cách bờ > 1.000 m. Nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô Gạc Nai và không bị ô nhiễm.
Môi trường nước vùng nuôi tôm hùm phải đảm bảo các chỉ tiêu: nhiệt độ từ 24 – 31 độ C; pH: 7,5 – 8,5; độ mặn 30 – 35‰; hàm lượng ôxy hòa tan là 6,2 – 7,2 mg/l.
Lồng nuôi
Để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên có dạng hình khối hộp vuông, vì hình vuông có diện tích lớn nhất, đồng thời lưu thông nước ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo hướng dẫn nhất định.
Tùy theo quy mô nuôi, điều kiện chăm sóc quản lý và nguyên vật liệu làm lồng mà sử dụng kích thước lồng khác nhau. Tuy nhiên, lồng càng lớn khả năng lưu thông nước bên trong và ngoài lồng càng giảm, đồng thời năng suất tôm hùm nuôi lồng tỷ lệ nghịch với độ lớn của lồng. Thực tế, nên dùng loại lồng 16 – 20 m2 là phù hợp với quy mô hộ gia đình và năng suất tôm hùm nuôi.
Mật độ thả
Tùy thuộc vào kích cỡ của tôm giống mà thả với mật độ khác nhau, người nuôi có thể tham khảo bảng sau:
Kích cỡ (g/con) | Mật độ thả (con/m2) |
< 1,5 | 30-40 |
1,5-4 | 25-30 |
4-10 | 15-20 |
10-50 | 10-15 |
50-200 | 7-10 |
> 200 | 3-5 |
Khoảng cách giữa các lồng nuôi
Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt. Đối với các vùng nuôi nhiều nên duy trì 30 – 60 lồng/ha mặt nước.
Thức ăn
Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ…), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng…), các loài cá tạp (cá sơn, cá liệt, cá mối, cá chuồn…). Trong đó, thức ăn là giáp xác đóng vai trò quyết định trong thành phần dinh dưỡng của tôm hùm nuôi vì loại thức ăn này có hàm lượng axit béo không no phức hợp và axit béo không no cao phân tử (chiếm 6,1%) cao hơn so với thức ăn là cá và thân mềm.
Công thức cho ăn: 1 phần giáp xác (tôm, cua nhỏ…) + 1 phần thân mềm (hầu, sò…) + 2 phần cá (cá liệt, cá sơn…) tôm sẽ có tốc độ sinh trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp. Đây là thức ăn kết hợp có hiệu quả cao nhất và tiết kiệm được chi phí so với việc sử dụng các loại thức ăn khác.
Quản lý và chăm sóc
Đối với tôm cỡ ≥ 200 g/con, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Thức ăn cho tôm có thể để nguyên con hoặc cắt nhỏ. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15 – 17% khối lượng tôm thả.
Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý.
Loại bỏ thức ăn thừa, vỏ lột xác; định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới. Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ nên thường bị sun, hà bám, vì vậy, cần vệ sinh định kỳ để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm.
Khi tôm đạt cỡ 500 – 600 g/con nên san thưa tôm trong lồng và sau 20 – 24 tháng nuôi có thể thu hoạch.
Trong trường hợp chất đáy có màu nâu và sinh vật đáy chủ yếu là nhuyễn thể thì đó là dấu hiệu tốt. Còn nếu chất đáy có màu đen đậm, mùi khó chịu và sinh vật chủ yếu là giun nhiều tơ thì đó là những dấu hiệu không tốt, chưa nên thả nuôi.
Related news
Tôm hùm hiện được nuôi phổ biến và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm hùm thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bệnh sữa ở tôm hùm
Hiện nay, số lượng lông nuôi tôm hùm ngày càng tăng với mật độ thả nuôi dày dẫn đến khả năng trao đối nước kém, làm cho môi trường nuôi tiếp tục ô nhiễm hữu cơ
Phân tích 6 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi tôm hùm: Yếu tố con người, địa điểm nuôi,lồng nuôi,mật độ nuôi,thức ăn, dịch bệnh.