Nâng cao năng lực khai thác thủy sản
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết khai thác vụ cá Nam năm 2017 và triển khai khai thác cá vụ Bắc năm 2017 - 2018 do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức vừa qua tại TP Thanh Hóa.
Năm 2017, sản lượng khai thác biển đạt 1,723 triệu tấn Ảnh: Lê Lợi
Vượt khó khăn
Theo báo cáo của Vụ Khai thác thủy sản, trong vụ cá Nam năm 2017, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi thủy sản thay đổi, trong khi công nghệ khai thác, tập quán của ngư dân ít thay đổi. Cường lực khai thác hải sản ven bờ ngày càng gia tăng làm suy giảm nguồn lợi. Tình trạng thiếu lao động trong khai thác vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương ven biển… Tuy nhiên, với sự quan tâm của Chính phủ, nỗ lực của các địa phương và bà con ngư dân nên các chỉ tiêu về sản lượng trong khai thác thủy sản vụ cá Nam vẫn đạt cao so cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam năm 2017 đạt 1,865 triệu tấn (tăng 4,89% so vụ cá Nam năm 2016). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1,723 triệu tấn (tăng 5,23%); sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt 142.000 tấn. Các tỉnh có sản lượng đạt cao như: Quảng Trị, Thái Bình, Kiên Giang, Bình Định, Thanh Hóa...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động khai thác thủy sản vụ cá Nam vẫn còn nhiều tồn tại, như: sản lượng khai thác thủy sản tăng, nhưng giá bán sản phẩm không tăng; công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản còn nhiều bất cập, tàu cá nhỏ hoạt động ven bờ còn nhiều, việc quản lý tàu cá theo vùng chưa được coi trọng; chuyển đổi cơ cấu nghề trong khai thác hải sản chưa có chuyển biến rõ nét…
Khắc phục “thẻ vàng” của EU
Để triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EU, thời gian tới, ngành thủy sản tập trung thực hiện Luật Thủy sản 2017 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua; trong đó thực hiện tốt việc điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm/lần làm cơ sở khoa học để tổ chức lại và điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; Thành lập Kiểm ngư 28 tỉnh thành ven biển để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tăng chế tài xử lý các vi phạm hành chính về thủy sản; Việc cấp phép tàu khai thác phải dựa trên trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi; Thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ngành thủy sản quy hoạch đội tàu khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đóng mới ngoài quy hoạch và các tàu cá vi phạm các quy định về IUU.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, phát triển thủy sản của Thanh Hóa vẫn còn hạn chế trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, số lượng tàu có công suất lớn chiếm tỷ lệ thấp, đóng góp của thủy sản trong GDP của tỉnh còn thấp. Nghề cá gặp nhiều rủ do, ý thức của người dân trong việc khai thác còn nhiều hạn chế, như: khai thác sai vùng, liên kết các tổ đội còn hạn chế, giấu ngư trường, dùng thuốc nổ, kích điện trong khai thác thủy sản. Do đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân vay vốn phát triển khai thác theo Nghị định 67; quan tâm đầu tư hạ tầng nghề cá; tăng cường phối hợp các cơ quan của Bộ trong công tác bản đảm an ninh và tìm kiếm cứu nạn cho ngư dân trên biển…
Chia sẻ về những hoạt động trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trước mắt, tập trung hỗ trợ ngư dân các tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất sau bão lũ; khắc phục những tồn tại của Nghị định 67; thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khuyến nghị của EU trong lĩnh vực thủy sản; chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; triển khai luật thủy sản khi có hiệu lực; chấn chỉnh việc đóng mới tàu cá. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, tập huấn ngư dân ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị đối với sản phẩm khai thác. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu liên quan đến những hạn chế của Nghị định 67, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
Related news
Về cá tra, diện tích nuôi của các tỉnh ĐBSCL 11 tháng qua đạt 5.822 ha, tăng 2% so cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch 1.207,5 nghìn tấn (tăng 4,3%).
Điểm gặp nhau của số ít nông hộ nuôi tôm thành công tại Quảng Nam là dùng chế phẩm sinh học. Bảo quản sản phẩm tôm bằng chế phẩm sinh học cũng đã chứng minh
Nhờ thay đổi thiết kế trại nuôi mà việc nuôi tôm ở những khu vực quanh năm ngập lụt không còn là trở ngại với nông dân Ấn Độ. Hoạt động nuôi tôm vẫn năng suất