Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Chuỗi Giá Trị Lúa Gạo

Nâng Cao Chuỗi Giá Trị Lúa Gạo
Publish date: Friday. March 6th, 2015

Đó chính là mục tiêu trước mắt, cũng như lâu dài mà ngành nông nghiệp Hậu Giang đang hướng đến nhằm gia tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần cải thiện đời sống cho nhà nông tỉnh nhà.

Năng suất, sản lượng đều nâng lên             

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nguyễn Văn Đồng thông tin: Có thể nói, năm vừa qua là năm khá thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao, trên 3,3%, trong đó cây lúa góp phần rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.

Đáng kể là diện tích lúa trong năm 2014 tuy giảm gần 7.000ha để chuyển sang các cây trồng khác, nhưng sản lượng vẫn tiếp tục duy trì trên mốc 1 triệu tấn, tương đương các năm qua và tăng tương ứng 0,56 tấn/ha so với mức bình quân năm trước.

Không thể phủ nhận rằng, điều kiện sản xuất trong năm đã quyết định rất lớn đến năng suất lúa cho nhà nông Hậu Giang. Ông Đồng lý giải: Thứ nhất, thời tiết năm qua khá thuận lợi cho quá trình canh tác, tức là không có hạn hán, xâm nhập mặn sâu và ảnh hưởng lớn cho cây lúa.

Thứ 2, ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, đảm bảo nước tưới tiêu cho các vụ lúa trong năm. Thứ 3, trình độ thâm canh của nhà nông cũng có bước phát triển rất đột phá sau nhiều năm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như đào tạo nghề nông nghiệp cho bà con. Tất cả đã tạo nên kỳ tích về năng suất, sản lượng cho tỉnh.

Năm qua, lĩnh vực sản xuất lúa của huyện Vị Thủy đã đạt được cả 3 mặt về sản lượng, kỹ thuật và diện tích. Kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập nông hộ lên và giảm được tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy Trần Hồng Tim cho rằng: Lúa là loại cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện, thời gian qua, hầu hết người trồng lúa của địa phương đều thu hoạch đạt năng suất cao, với mức bình quân cả năm khoảng 6,2 tấn/ha. Riêng năm 2014, sản lượng lúa đạt trên 267.190 tấn và là năm thứ 14 liên tiếp huyện đạt sản lượng lúa trên 200.000 tấn.

Đáng ghi nhận là ngành nông nghiệp tỉnh đã từng bước nâng cao được chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất lúa hàng hóa bằng cách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác mới như “3 giảm 3 tăng”, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, cũng như khuyến khích nhà nông gieo sạ các loại giống có phẩm chất gạo tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đồng khẳng định: Giá thành sản xuất lúa của Hậu Giang từ chỗ cao ngất ngưởng, thì đến năm 2014 đã giảm xuống ở chuẩn bình quân thấp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên thị trường lúa gạo tuy có bấp bênh, nhưng doanh thu của nhà nông thì tương đối ổn định hơn.

Tập trung theo cánh đồng lớn

Sau 3 năm triển khai xây dựng, cả 2 cánh đồng lớn (CĐL) điểm của tỉnh ở xã Vị Thanh và Trường Long Tây không những diện tích tiếp tục được duy trì, mà còn được mở rộng thêm. Trong đó, CĐL Vị Thanh vẫn ổn định ở mức 394ha, còn CĐL Trường Long Tây từ 225ha ban đầu hiện đã tăng lên 410ha.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, so với tập quán canh tác bình thường thì làm theo CĐL có thể giảm giá thành từ 200-300 đồng/kg lúa nguyên liệu, năng suất chênh lệch từ 0,4-0,6 tấn/ha. Nhất là bình quân mỗi vụ, người trồng lúa có thể gia tăng lợi nhuận gần 2 triệu đồng/ha.

Mở màn vụ lúa Đông xuân này, HTX Nông nghiệp Trường Thọ đã chính thức tham gia vào CĐL ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Ông Lê Văn Hiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Thọ, cho rằng: Tận dụng điều kiện hạ tầng đê bao, thủy lợi vốn được ngành nông nghiệp huyện, tỉnh quan tâm gia cố, nạo vét thường xuyên mà người dân dễ dàng liên kết lại để cùng nhau sản xuất lúa hàng hóa tập trung, có quy mô diện tích lớn đối với một vài loại giống chủ lực, song phải thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Từ đó, tạo ra sản phẩm có giá thành hạ, chất lượng sản phẩm đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Như vậy, trong năm 2014 vừa qua, cả năng suất, sản lượng lẫn giá thành sản xuất lúa ở Hậu Giang đều đạt và vượt so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cuộc sống của người trồng lúa tỉnh nhà vẫn chưa cải thiện rõ rệt. Vì thế, trong năm 2015, cũng như những năm tiếp theo ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp để gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo.

Ông Nguyễn Văn Đồng cho hay: Hướng tới, ngành sẽ tập trung cho CĐL thông qua việc cố gắng xây dựng chính sách để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, nhất là hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà nông. Có như thế, sản xuất của bà con sẽ ổn định hơn, giá trị hạt lúa mà người dân một nắng hai sương vất vả tạo nên sẽ được lớn hơn.

Thông tin mới nhất vụ Đông xuân 2014-2015 này, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiếp cận được 8 doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn đến Hậu Giang để thực hiện bao tiêu sản phẩm theo phương thức CĐL, với diện tích khoảng 6.000ha. Ông Đồng cho rằng: “Dù không lớn, nhưng so với các năm trước thì diện tích này cũng rất đáng kể.

Chúng tôi hy vọng rằng, với diện tích 6.000ha thực hiện thành công trong vụ Đông xuân này sẽ nhân tỷ lệ lớn hơn trong các niên vụ tới để đạt mục tiêu sản xuất gắn kết với thị trường, giúp gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho nhà nông Hậu Giang”.

Chủ trương chung của tỉnh là đi lên từ sản xuất nông nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng phát triển khu vực sản xuất công nghiệp, cũng như dịch vụ. Như vậy, với định hướng mà ngành nông nghiệp đã hoạch định ngay từ đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng để sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo cho người dân Hậu Giang.


Related news

Chôm Chôm Bình Hòa Phước Đủ Điều Kiện “Đi Tây” Chôm Chôm Bình Hòa Phước Đủ Điều Kiện “Đi Tây”

Thông tin Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ - Vĩnh Long) được công nhận GlobalGAP đã làm nức lòng nhà vườn sau nhiều năm dốc công thực hiện. Bởi từ đây, trái chôm chôm đủ điều kiện xuất sang nhiều thị trường khó tính ở Châu Âu, Hoa Kỳ.

Wednesday. March 12th, 2014
Giá Lúa Giảm Mạnh, Giá Lúa Giảm Mạnh, "Hậu Cần" Thu Mua Đói Meo

Do đó, các dịch vụ ăn theo mùa thu hoạch như: Máy GĐLH, ghe lúa chở thuê, lò sấy, công nhân bốc vác... đói meo. Còn nông dân thì gặp khó vì không có tiền trang trải chi phí mùa vụ.

Wednesday. March 12th, 2014
Dịch Cúm Gia Cầm “Hạ Nhiệt” Dịch Cúm Gia Cầm “Hạ Nhiệt”

Tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) đang có dấu hiệu giảm khi trong vòng 1 tuần qua, cả nước có 11 tỉnh đã hết dịch. Số lượng các ổ dịch trên cả nước cũng giảm nhanh. Đây là tín hiệu trong bối cảnh giá các sản phẩm chăn nuôi đang hết sức thảm hại.

Wednesday. March 12th, 2014
Mía Khô Dài Cổ Chờ Nhà Máy Mía Khô Dài Cổ Chờ Nhà Máy

Tại huyện miền núi Sơn Hòa có hơn 11.800ha mía, do thời tiết nắng hạn kéo dài nên có hơn 70ha mía bị cháy và hơn 3.920ha mía khô héo.

Wednesday. March 12th, 2014
Gà Sống, Người “Chết”! Gà Sống, Người “Chết”!

Sau 1 tháng gà bị cầm chuồng, trong giai đoạn tăng trưởng này, mỗi ngày đàn gà 8.200 con “ngốn” mất 10 triệu đồng tiền thức ăn. Vị chi qua 1 tháng cầm chuồng, người nuôi đã mất thêm 300 triệu đồng tiền thức ăn.

Wednesday. March 12th, 2014