Nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo có ưu điểm, là chất lượng con giống được nâng lên rõ rệt, nguồn con giống được kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng.
Thụ tinh nhân tạo tuy khó nhưng có nhiều ưu điểm.
Với mục tiêu đến năm 2020 có trên 15.000 con trâu, bò cái sinh sản được phối giống bằng các giống tiến bộ có năng suất chất lượng, góp phần thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Yên Bái đã tập trung vào việc cải tạo, phục tráng nâng cao chất lượng đàn trâu bò.
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, các biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng như: Sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc thể trọng của đàn bò; Sử dụng tinh bò BBB để phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt; Sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái…
Là một trong những hộ được lựa chọn tham gia mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản F1 BBB (3B), theo hình thức chăn nuôi công nghiệp trong nông hộ tại tỉnh Yên Bái”, gia đình ông Trần Văn Chiến tại thôn Chèm, xã Đông An (Văn Yên) đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt của giống bò lai 3B so với giống bò địa phương trước đây.
Chỉ sau 11 tháng nuôi, những con bò lai 3B với trọng lượng giống 150 kg/con đã tăng trọng lượng lên 420 kg/con, có con lên đến 435 kg/con, trung bình mỗi tháng tăng từ 24,5 - 25,9 kg/con. Ông Chiến phấn khởi cho biết, nuôi bò lai giống 3B còn dễ hơn nuôi giống bò địa phương bởi thức ăn chủ yếu sử dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp, tăng trọng nhanh, ít mắc dịch, bệnh.
Gia đình ông Hoàng Văn Điện ở thôn Bản Lai, xã Thạch Lương (Văn Chấn) hiện có 2 con trâu đang trong thời gian sinh sản. Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh, gia đình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng giống trâu nội đã qua tuyển chọn có thể trạng hơn hẳn các giống trâu khác ở địa phương.
Thụ tinh nhân tạo tuy khó và mới thực hiện nhưng bước đầu cũng đã mang lại những thành công cho gia đình ông. Nếu như với trâu giống địa phương 1 năm tuổi bán ra thị trường có giá 20 triệu đồng/con thì trâu được lai tạo với giống trâu nội chọn lọc sẽ có giá trên 30 triệu đồng.
Ông Hà Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Lương (Văn Chấn) cho biết thêm: “Từ khi mô hình cải tạo đàn bò và cải tạo phục tráng đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được triển khai thì phong trào chăn nuôi đại gia súc của xã Thạch Lương cũng đã phát triển mạnh, số lượng đầu đàn gia súc tăng dần. Hiện nay, toàn xã có gần 1.400 con trâu bò các loại, việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo không chỉ giúp nâng cao tầm vóc, khối lượng gia súc mà còn là giúp người dân giảm được chi phí nuôi, chi phí vận chuyển bò đực đến nơi phối giống”.
Là một trong 23 cán bộ dẫn tinh viên của tỉnh tham gia thực hiện đề án, anh Lò Văn Định phụ trách công tác thú y tại xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã được trang bị đầy đủ những kiến thức, cũng như được cung cấp toàn bộ vật tư, trang thiết bị để phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo.
Anh Định chia sẻ: “Đối với công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò để có hiệu quả và khả năng đậu thai cao thì quan trọng nhất là làm sao bà con phải theo dõi, phát hiện kịp thời thời kỳ trâu, bò động dục để báo ngay cho dẫn tinh viên biết, chủ động phối giống kịp thời. Làm được như vậy thì phối giống tỷ lệ thành công sẽ đạt 100%”.
Sau hơn 3 năm thực hiện đề án, Trung tâm đã tổ chức phối giống cho gần 12.000 con trâu bò cái sinh sản,với tỷ lệ phối đạt lần đầu đối với đàn bò là 90%, và trên 60% đối với đàn trâu. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ tổ chức phối giống cho 12.500 con trâu bò cái sinh sản và hết năm 2020 tổ chức phối giống cho trên 16.000 con, vượt 7% so với kế hoạch đề ra.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Yên Bái đã tiến hành phối giống được cho 1.715 con trâu bò cái sinh sản, tỷ lệ phối đạt 93%. Chương trình đã góp phần phát triển ổn định đàn đại gia súc của tỉnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu bò nói riêng.
Related news
Nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ớt, cho thu nhập gần 500 triệu đồng/ha/năm.
Thanh long trồng theo chuẩn Viet Gap, áp dụng công nghệ tưới nước tự động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Hện tại, tùy vào tay nghề, trình độ và kinh nghiệm của người thợ mà mức tiền công mỗi ngày dao động từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng