Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng
Nuôi nấm xanh để trừ rầy nâu hại lúa đang được rất nhiều nông dân sử dụng trên đồng ruộng, vì tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chi phí phòng trừ rầy nâu bằng nấm xanh chỉ khoảng 90.000 đồng/ha/lần, còn sử dụng thuốc hóa học khoảng 400.000-600.000 đồng/ha/lần. Như vậy, việc đưa mô hình nấm xanh vào đồng ruộng sẽ giúp nhà nông tiết kiệm rất lớn chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thân, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn cho biết: “Vụ Đông xuân và Hè thu vừa qua, gia đình và nhiều bà con nông dân trong khu vực đã gieo cấy nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nông. Do đó, vụ Đông xuân năm nay, tôi tiếp tục thực hiện mô hình vì phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá bằng nấm xanh giảm chi phí sản xuất so với thuốc hóa học, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, từng bước giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống”.
Mặc dù đang bận tay chuẩn bị cho việc gieo cấy nấm nhưng ông Nguyễn Văn Tám, ở cùng ấp 3B cho biết: “Tôi cùng nhiều hộ dân trong khu vực đang xử lý nấm xanh để phun nấm ra đồng ruộng nhằm tiêu diệt sâu rầy tấn công trên lúa”. Có thể nói, nấm xanh là sản phẩm sinh học mới, có tính năng ưu việt trong việc phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái trên ruộng lúa. Nhờ áp dụng mô hình nấm xanh vào sản xuất nông nghiệp mà gia đình ông Tám tiết kiệm được chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/ha so với trước khi chưa sử dụng.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực trong việc phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá từ mô hình nấm xanh mang lại, vụ lúa Đông xuân năm nay mặc dù không được tỉnh hỗ trợ nguyên liệu để gieo cấy nấm xanh, nhưng bà con nông dân ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã cùng nhau tập hợp lại hùn vốn gieo cấy nấm. Ông Lâm Thành Răng là một trong những người tiên phong tham gia mô hình gieo cấy nấm xanh chia sẻ: “Vụ Đông xuân vừa qua, được sự hỗ trợ của Chi cục BVTV tỉnh thực hiện mô hình nấm xanh, kết quả mang lại rất khả quan. Vụ Đông xuân năm nay dù không được hỗ trợ nguyên liệu, chi phí nhưng tôi cùng nhiều bà con trong khu vực tiếp tục làm và sẽ nhân rộng trong các vụ lúa kế tiếp”.
Còn ông Lâm Thành Rê ở cùng ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, sau khi thực hiện mô hình nhận thấy, sử dụng nấm xanh trong sản xuất nông nghiệp vừa giảm chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho nhà nông, không gây ảnh hưởng tới thiên địch, hệ sinh thái, con người và môi trường xung quanh. Bà Lê Thị Như Thùy, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang, cho biết: Vụ Đông xuân năm nay, chi cục thực hiện 16 điểm gieo cấy nấm xanh ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, TP.Vị Thanh và TX.Ngã Bảy. Thực hiện mô hình lần này, chi cục hỗ trợ nấm gốc, bọc nylon, ống cao su,… người dân chỉ đóng góp tấm, gạo để gieo cấy nấm. Sau thời gian hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào vụ Đông xuân 2010-2011, nông dân áp dụng vào thực tế đã thu được hiệu quả cao. Quy trình nhân nuôi nấm xanh dễ thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi trong bà con nông dân. Do đó, vụ Đông xuân năm nay, một số nông dân đã tự liên kết lại tiến hành gieo cấy nấm không qua sự hỗ trợ của chi cục. Qua thực tế sử dụng, nấm xanh có khả năng ký sinh để tiêu diệt rầy nâu từ 50-70%, sâu cuốn lá từ 40-50%. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con và tìm kiếm kinh phí để nhân rộng mô hình hơn nữa
Related news
Hai năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều thuận lợi về điều kiện môi trường nước, thời gian nuôi ngắn, giá tăng cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho hầu hết người nuôi và hiện là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Thực tế đó cũng đã làm cho người dân trong vùng qui hoạch ngọt hóa “xé rào”, đã tự phát đào ao và khoan giếng nước mặn để nuôi tôm.
Với sự cần cù, hăng say lao động, anh Hoàng Công Mê Sang ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) đã khai hoang vùng đất gò đồi để lập trang trại. Sau 5 năm miệt mài sản xuất, kiến thiết, trang trại của Sang đã hình thành.
Sáng 6-12, tại xã Vĩnh Yên, Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về chỉ dẫn địa lý đối với trâu của huyện Bảo Yên (Lào Cai).
Thực hiện dự án phát triển cây bưởi đặc sản, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã phối hợp với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Đầu tư trang trại nuôi heo lớn kết hợp xây dựng hầm chứa biogas, rồi lại dùng gas chạy máy phát điện nghiền thức ăn, chiếu sáng, tắm heo… giúp tiết kiệm chi phí. Đó là cách làm của anh Lê Tấn Hải (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) với mô hình nuôi heo an toàn sinh học (ATSH).