Na Rì (Bắc Kạn) Nhiều Hộ Dân Có Thu Nhập Cao Từ Cây Cam, Quýt
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã có nhiều hộ dân chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá cao từ loại cây ăn quả này.
Qua thông tin đại chúng được biết nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây cam, quýt và nhất là nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình ông Nông Thanh Bộ, thôn Nà Nưa, xã Cường Lợi đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng loại cây này.
Ông Bộ cho biết: Trước đây, trên mảnh đất vườn đồi, gia đình ông đã trồng nhiều loại cây như: mậm, mơ…nhưng hiệu quả thu được không đáng kể. Đến năm 2007, gia đình mới đem giống cam quýt từ xã Quang Thuận (Bạch Thông) về trồng thử 300 gốc, qua thời gian thấy cây phát triển tốt và cho thu hoạch, quả cũng mọng nước, ngọt không khác cam quýt những vùng khác.
Từ thành công bước đầu, gia đình ông tiếp tục nhân rộng, đến nay vườn cam quýt nhà ông Bộ đã có trên 1.200 cây cam, quýt, trong số đó hơn một nửa số cây cho thu hoạch.
Vụ quýt năm 2013, trừ chi phí gia đình ông thu về 60 triệu đồng. Vụ quýt năm nay, tuy đang vào vụ thu hoạch nhưng gia đình ông tính chắc sẽ được cao hơn năm ngoái. Không chỉ có thu nhập từ bán quả, gia đình ông Bộ chiết bán cây giống cho bàn con trong vùng cũng về hàng chục triệu đồng. Ông Bộ chia sẻ kinh nghiệm: Trồng cây cam, quýt rất dễ nhưng phải theo dõi, chăm sóc sâu bênh thường xuyên.
Từ khi trồng đến khi cho quả, cây cam, quýt cần thời gian trưởng thành 3 - 4 năm. Từ khi ra hoa đến khi đậu quả phải mất 5 - 6 tháng. Đây là gia đoạn phati bổ sung thêm phân chuồng hay vi sinh cùng phân lân, kali để cây nuôi quả to và ngọt. Chính nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn cam, quýt của gia đình ông phát triên khá tốt.
Không chỉ gia đình ông Bộ, những ngày này, gia đình anh Phùng Văn Minh ở thôn Pò Cạu, xã Văn Học cũng đang tất bật thu hoạch quýt để đem đi các chợ phiên bán. Được biết, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay gia đình anh Minh đã có khoảng 3ha cam, quýt cho thu hoạch, mỗi năm có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo khó, nhờ mạnh dạn phát triển trồng cây ăn quả nay không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Ngoài hai hộ trên, đất đai trên địa bàn huyện Na Rì không chỉ trồng phù hợp với giống cam, quýt của địa phương, mang lại nguồn hiệu quả rõ rệt, trong những năm qua trên địa bàn xã Kim Lư cũng đã có hộ ông Hoàng Đình Việt ở thôn Đồng Tâm, trồng thử nghiệm thành công giống cam mới là cam đường canh. Từ phát triển loại cam này, mỗi nămgia đình ông Việt có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo đánh giá ngành chức năng thì cây cam đường canh có lợi thế hơn cây cam quýt địa phương là thường chín vào cuối năm nên việc tiêu thụ thuận lợi, giá cả được giá hơn.
Đồng chí Long Thị Thịnh-Trường phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mấy năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn đồi sang trồng cây cam, quýt. Tổng diện tích cam, quýt do người dân tự phát và các dự án hỗ trợ đến nay toàn huyện có khoảng 186ha, trong đó khoảng 128ha đang cho thu hoạch, ước sản phẩm hằng năm thu hoạch hàng trăm tấn bán ra thị trường. Từ phát triển cây cam, quýt nhiều hộ đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, nhờ đó đã thoát nghèo vươn lên hộ khá giả.
Cũng theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, thời gian qua bên cạnh việc đẩy mạnh mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất đồi thấp, hiệu quả kinh tế không cao sang trồng cam, quýt để nâng cao thu nhập; thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm và chương trình khác, huyện Na Rì đã tích cực triển khai trồng thử nghiệm các loại giống cam, quýt giống mới trên địa bàn, như: Triển khai mô hình phát triển cây cam đường canh và mô hình trồng cây cam Xã Đoài diện tích 13ha, với 33 hộ tham gia tại các xã Văn Minh, Lam Sơn, Kim Lư…Qua đánh giá ban đầu cây trồng được nhân dân thường xuyên kiểm tra, chăm sóc và phát triển tốt.
Có thể nói, cây cam quýt đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Na Rì. Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng chức năng thì phần lớn diện tích cây cam quýt trên địa bàn trồng chủ yếu phân tán, nhỏ lẻ, nhân dân chưa chú ý đến việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất chưa cao, qua đó ảnh hưởng thu nhập của người dân.
Nguồn bài viết: http://www.baobackan.org.vn/channel/1121/201411/na-ri-nhieu-ho-dan-co-thu-nhap-cao-tu-cay-cam-quyt-2354609/
Related news
Từ đầu năm đến nay, các trại nuôi tôm giống trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) xuất bán được 1.583 triệu con tôm post. Trong đó tôm sú giống 728 triệu con; tôm thẻ giống 855 triệu con.
Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng ca cao lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 6 năm triển khai dự án ca cao trồng xen trong vườn dừa, đến nay dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng người dân trồng ca cao vẫn kiên quyết giữ vững, tăng thêm diện tích và không còn diễn ra điệp khúc “đốn - trồng” như trước đây.
Năm 2012, dịch cúm A H5N1 xảy ra ở một số loài gia cầm trên địa bàn huyện như gà, vịt, ngan, ngỗng, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi và giảm về số lượng tổng đàn.
Thời gian gần đây, tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn - Dak Lak) đã xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt khiến bà con trồng tiêu lo lắng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ đông 2013, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) đã vận động các hộ dân trong xã thực hiện chuyển đổi 25 ha diện tích đất 2 lúa và đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng giống dưa chuột.