Muốn giàu nuôi cá muốn khá cũng nuôi cá tại Đà Nẵng
Thời gian qua, nhiều nông dân tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn dồn điền, đổi thửa để tiến hành nuôi các loại cá nước ngọt và mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Cao Văn Mễ
Xã Hòa Khương hiện có 62 ha nuôi cá nước ngọt, chủ yếu là nuôi cá mè, trắm, chép. Năm 2013, các hộ nuôi cá ở đây thành lập Tổ sản xuất để liên kết và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, từ khi nông dân trong xã chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang ao nuôi cá nước ngọt đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Hòa Khương có lợi thế về nuôi cá nước ngọt do hồ Đồng Nghệ dẫn nước xuống hàng năm. Ở đây tập trung khoảng hơn 60 ha nuôi cá nước ngọt. “Hiện tại, chúng tôi đã đăng ký xây dựng một tổ hợp tác nuôi cá; tổ chức cho các hộ vừa nuôi cá, vừa xây dựng phát triển du lịch sinh thái. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị với huyện, thành phố là xây dựng nhãn mác đặc sản cá Hòa Khương” - ông Chí nói.
Là một trong những hộ dân rất thành công với mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi các loại cá nước ngọt, ông Cao Văn Mễ ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương đã thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Cao Văn Mễ chia sẻ, năm 2013, ông chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trê. Nuôi loại cá này, lãi cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nên ông chuyển sang nuôi cá mè, trắm cỏ, điêu hồng… Năm ngoái, gia đình ông là một trong 4 hộ dân của xã được chọn thực hiện thí điểm việc nuôi cá thát lát theo hướng an toàn sinh học, được Nhà nước hỗ trợ 100% về con giống, 30% thức ăn cho cá. Theo ông Mễ, hiện nay giá cá thịt thác lác cao hơn nhiều so với các loài cá nước ngọt khác; đây là loài cá ăn tạp, thích nghi tốt với nhiều vùng sinh thái nước ngọt khác nhau như sông, rạch, ao, hồ, ruộng lúa. “Năm 2018, tôi bắt đầu triển khai nuôi các loại cá này. Trước đây là tôi nuôi cá trê. Nhưng vì cá trê làm ô nhiễm môi trường, các thôn bên cạnh có nguồn nước bị ô nhiễm do cá trê thải ra. Lúa cũng bị ảnh hưởng và không trổ bông được. Hiện nay, tôi chuyển sang nuôi cá khác như basa, mè, chép. Ở đây có lợi thế về nguồn nước, nước ra, nước vô thường xuyên, ô nuôi rộng nên cá phát triển tốt hơn”- ông Mễ thông tin.
Theo đó, với ao nuôi cá khoảng 2.000 m2, gia đình ông Mễ đang nuôi các loại cá như: basa, điêu hồng, mè, chép, mỗi loại cá khoảng 4.000 con. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Mễ thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Được biết, mô hình cá nước ngọt ở xã Hòa Khương đã được địa phương chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của huyện Hòa Vang. Trong thời gian tới, mô hình cá nước ngọt sẽ được đầu tư và nhân rộng thành vùng chăn nuôi đặc trưng. Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang thông tin, thành phố rất ủng hộ việc nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, mô hình nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương đang chuyển dần qua nuôi cá an toàn sinh học. Bà con đã chuyển một số con cá nuôi sang loại ít ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, huyện cũng cùng với xã Hòa Khương nhân rộng những mô hình chăn nuôi thủy sản, an toàn sinh học, phục vụ sản phẩm cho thị trường.
Mô hình cá nước ngọt sẽ được đầu tư và nhân rộng thành vùng nuôi đặc trưng
Có được thành công này phần nào là do Đà Nẵng đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm, giúp cho nhiều lao động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố cho thấy tính hiệu quả, như: mô hình trồng nấm, trồng hoa, mô hình mây tre đan, hay mô hình nuôi cá nước ngọt ... Thành công từ các mô hình này đã giúp cho các địa phương khác áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả, trong đó mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương là một ví dụ. Nhiều người sau khi hoàn thành khóa học nghề còn thành lập các tổ sản xuất, nhóm hộ gia đình, Tổ hợp tác và Hợp tác xã, tạo điều kiện để các hộ trao đổi kỹ thuật, góp vốn và hỗ trợ cùng nhau sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Related news
Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên cả nước mang lại hiệu quả đáng kể, giúp nâng cao năng suất chất lượng
300 hộ dân ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nuôi cá bống bớp trên diện tích hơn 700 ha, tổng sản lượng đạt gần 2.500 tấn mỗi năm.
Một nghiên cứu mới đây của Nguyễn Văn Huy và cộng tác viên cho thấy sử dụng hormone HCG kích thích sinh sản cá bống bóp ở liều lượng nhất định đem lại hiệu quả