Mùa Sen Trắng Tay
Vụ sen năm nay, người dân các thôn An Ngãi Tây 2, An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trắng tay khi sen chưa kịp trổ bông đã héo rũ hết lượt. Đây là năm thứ 2, gần 40 hộ trồng sen ở Bàu Nghè có sản xuất mà không có thu hoạch.
Nếu như các năm trước, vào tháng 6, đến Bàu Nghè, nhiều người không muốn về bởi cảnh sắc vùng sen này níu giữ, thì năm nay, trên đồng sen không một bóng người, hồ nào cũng chỉ lơ thơ một ít cọng sen còn nguyên lá, đủ để người ta nhận ra đó là nơi trồng sen. Lội cả cánh đồng sen cũng chỉ tìm được vài bông.
Ông Phan Sách, người có thâm niên hàng chục năm trồng sen buồn rầu cho biết: Mấy năm trước, cuối tháng 6 là thu hoạch rộ. Trồng sen thu nhập cao lắm.
Thường mỗi sào thu 100kg hạt tươi. Với giá 40.000 đồng/kg, không ít hộ ăn nên làm ra từ sen. Gia đình tôi trồng 1,6ha, những năm trước, năm nào cũng thu 3,2- 3,5 tấn, trị giá 130-150 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi 70-80 triệu đồng. 2 năm nay, không rõ do đâu mà sen chuẩn bị ra bông là héo rũ, chết dần, không thu nổi một kilogam.
Ông Nguyễn Đắc Thanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Hòa Sơn cho hay: Trước đây, diện tích trồng sen ở Bàu Nghè khoảng 80ha. Loài cây này có từ xa xưa và năm nào cũng đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người trồng.
Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động, diện tích trồng sen chỉ còn 40ha. Tuy mỗi năm chỉ thu 1 đợt, nhưng sen ở Bàu Nghè năng suất cao. Hộ trồng nhiều như các ông Mai Văn Bền, Nguyễn Long, Lê Tiến, trồng trên dưới 3ha/hộ, thu trên dưới 200 triệu đồng/năm là thường.
2 năm thất thu, đời sống các hộ trồng sen lâm vào cảnh khốn khó. Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở NN&PTNT và cán bộ chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường đã đến đồng sen xem xét sự tình, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Người dân chúng tôi chỉ biết sản xuất, còn tìm ra nguyên nhân vì sao sen bị héo rũ, chết hàng loạt thì chịu. Từ ngày sen chết đến nay, ai nấy đoán già đoán non. Có người cho rằng sen chết do bị bệnh nấm gây hại; nghi do khói bụi từ các nhà máy thép gây nên.
Chỉ mong cơ quan chức năng sớm xác định đúng bệnh, để bà con yên tâm, năm tới còn tiếp tục sản xuất, chứ như 2 năm vừa qua, mỗi sào đầu tư gần 2 triệu đồng mà trắng tay, đời sống càng ngày càng bức bách”, ông Sách mong muốn.
Không thể chậm trễ hơn được nữa, các cơ quan chuyên môn cần sớm có kết luận về hiện tượng bất thường này. Không những vậy, nhằm giúp gần 40 hộ trồng sen ổn định đời sống, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ hợp lý theo quy định hiện hành đối với trường hợp sản xuất bị thất bát do thiên tai, dịch bệnh gây nên…
Related news
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015/NĐ – CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41 trước đây sẽ có hiệu lực từ ngày 25.7.2015. Chính sách mới này nhằm đáp ứng tốt hơn việc vay vốn phát triển nông nghiệp, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả, những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới là cây dài ngày như cây chanh leo, bời lời đỏ, thanh long ruột đỏ... nhằm tìm ra những loại cây phù hợp đưa lại giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ đất đai và lao động. Cây thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây trồng mới được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế khá.
Vào trung tuần tháng 8 là mùa nhãn lồng Hưng Yên nhưng năm nay, bà con “ủ rũ” vì trong vườn xuất hiện những cây nhãn không quả.
Thời gian qua nhiều cơ sở nuôi cá tra thua lỗ, thậm chí bị phá sản do không bán được cá hoặc bán với giá thấp, tỉ lệ ao nuôi không chiếm 60 - 70%.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2015, các vùng dự án rau an toàn (RAT) của tỉnh tiếp tục được sản xuất với diện tích 157,5/360ha, đạt 43,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án sản xuất RAT còn một số khó khăn nhất định, một số nơi mô hình chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn.