Mùa Sắn Nước... Đìu Hiu
Cam Lâm (Khánh Hòa) đang vào vụ thu hoạch sắn nước nhưng không khí tại các ruộng sắn rất đìu hiu. Người trồng sắn buồn rầu vì sắn nước nhỏ củ, giá thấp, không có người mua…
Củ nhỏ, giá thấp
Cam Hiệp Bắc là xã đầu tiên của huyện Cam Lâm thu hoạch sắn nước. Không khí tại hầu hết ruộng sắn nước ở đây đều đìu hiu, trái ngược với năm ngoái, người người tất bật nhổ củ, đóng bịch, chất lên cộ bò chuyển ra đường cái lên xe tải.
Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.
Cũng 5 sào sắn nước này, năm ngoái anh bán 7 triệu đồng/sào. “Nhà tôi bán giá thấp nhất, nhưng bán được vẫn còn may, tình hình này, càng để lâu càng lỗ!”, anh Tuấn thở dài. Còn tại ruộng sắn nước của ông Nguyễn Kim Anh (thôn Trung Hiệp 1), tuy bán được 3,5 triệu đồng/sào nhưng ông vẫn lỗ gần 20 triệu đồng. Theo ông Anh, ông phải thuê 7 sào đất, chi phí đầu tư tới 6 triệu đồng/sào, trong khi năng suất hiện chỉ đạt 2 tấn/sào, giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Thất bát nhất là hộ ông Nguyễn Tấn Bích ở thôn Trung Hiệp 1. Ông thuê 16 sào đất trồng sắn nước, trong đó 10 sào chỉ cho củ nhỉnh hơn rễ cây chút xíu nên ông phải trỉa dặm bắp thay thế; 6 sào còn lại cũng chẳng khá hơn. “Chán lắm! đừng nói tới sắn nước nữa. Tôi bỏ thí ruộng, đi chở thuê đây!”, ông Bích nói vậy rồi lộc cộc đánh cộ bò đi.
Nhiều địa phương khác ở Cam Lâm như xã Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam An Nam... sắn cũng cho củ nhỏ. Vụ năm nay, thị trấn Cam Đức có 10ha sắn nước, giảm 5ha so với năm ngoái. Dự kiến, cuối tháng 10 thu hoạch nhưng lúc này người dân nhổ cây lên thử thấy củ nhỏ chỉ bằng nửa năm trước. Do vậy, hiện mới có vài đám ruộng khá nhất được người mua hỏi với giá 4 triệu đồng/sào.
Do nắng hạn
Nhiều nông dân cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến sắn nước nhỏ củ, năng suất giảm là do thời tiết khô hạn. Ông Nguyễn Bộ (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) thở dài: “Tôi trồng sắn nước đã hơn 10 năm nhưng chưa năm nào hạn nặng thế này.
Dịp Trung thu vừa rồi không mưa, biết là trời không thuận nhưng do nhà mắc việc, lu bu quá nên tôi không nhận lời người hỏi mua sớm. Để đến bây giờ, chào bán hàng chục người mà chẳng ai mua”.
Theo chị Phan Thị Tường Vy, khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc, năm nay, xã có 30ha sắn nước, giảm 10ha so năm ngoái. Nguyên nhân do năm trước giá sắn nước giảm nhanh nên nông dân không mặn mà, phần khác do nắng hạn làm cây trồng trên những vùng đất cao bị chết.
Những ruộng ở gần nguồn nước mới cho củ to, năng suất cao và được hỏi mua sớm với giá cao. “2 tháng trước, có người còn mua sắn nước với giá 12 triệu đồng/sào. Nhưng nửa tháng gần đây, nhổ thử thấy củ không phát triển, năng suất trung bình khoảng 1,8 - 2 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 4 - 5 triệu đồng/sào, thấp nhất là 3 triệu đồng/sào. Toàn xã chỉ có chừng 10ha sắn nước bán được giá, còn lại chịu lỗ, thậm chí không ai hỏi mua”, chị Vy nói.
Được biết, hiện nay, một số hộ chưa bán sắn được đã thuê người bấm ngọn, đồng thời tiếp tục chăm sóc để kích thích củ sắn nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng cách này hên xui, bởi sau khi bấm ngọn phải chờ thêm khoảng 3 tháng để củ to đẫy.
Nếu thời tiết thuận lợi, người trồng phải bỏ thêm chừng gần 1 triệu đồng/sào (tính tới lúc thu hoạch) để bán với giá khoảng 4,5 triệu đồng/sào (giá thông thường vào tháng 12). Nhưng nếu trời tiếp tục không mưa hoặc chỉ mưa vài cơn cầm chừng thì đất càng bị nén chặt, củ sắn nước vẫn “bó”, to không đáng kể.
Ông Nguyễn Ta, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Năm nay, Cam Lâm có 74,5ha sắn nước, phân bố nhiều nhất ở Cam Hiệp Bắc, ngoài ra còn ở Cam Đức, Suối Tân, Cam Thành Bắc, Cam An Nam, Cam Hòa... Do nắng hạn, năng suất sắn nước toàn huyện ước giảm trung bình 30% so với năm ngoái.
Related news
Sau 2 tháng xuống giống nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ vụ xuân hè năm 2012, hầu hết tôm cá nuôi tại ao, đầm của Thái Thụy (Thái Bình) đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau những vụ “độc canh” con tôm sú gặp rủi ro, “thất bát” vì dịch bệnh, năm nay nông dân bước đầu chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả, chú trọng khâu cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc… quyết tâm giành vụ NTTS thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.
Sau hành, tỏi, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn nổi tiếng với dưa hấu. Dưa hấu trồng ở đảo này có vị thơm ngon đặc biệt nên được thị trường ưa chuộng, giúp hàng trăm nông dân Lý Sơn có thêm nguồn thu nhập.
Từng là một đội viên du kích, xã đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Hồng được điều động vào đội công tác của tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đội ngũ cán bộ cốt cán xây dựng điểm kinh tế mới Cư Phiăng, xã Hòa Phong (Krông Bông). Ở quê hương mới, ông Hồng từng đảm nhiệm công tác Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phong, sau đó công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp huyện Krông Bông và về nghỉ mất sức năm 1986 vì lý do sức khỏe.
Câu chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom nông thủy sản, kích giá sốt mạnh rồi lao dốc sâu đã không còn xa lạ với người nông dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện một lần nữa bà con trồng khoai lang tại các tỉnh ĐBSCL lại rơi vào tình cảnh này. Vì sao?
Chúng tôi về xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vào những ngày cuối vụ hành tây. Dạo quanh các thôn xóm, gặp người dân ai ai cũng chép miệng: "Năm nay giá thấp kỷ lục. Đã vậy bán rẻ cũng không xong!".