Mùa rau chân vịt
Rau câu chân vịt là một loại rong biển quý, bám vào các rạn san hô, đúng với tên gọi, nó có màng như chân vịt nên người ta gọi luôn tên đó để phân biệt với các loại rong biển khác. Rau chân vịt thường được chế biến thành món chè rau câu chân vịt vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Từ xa xưa nó được xem là đặc sản của đảo Lý Sơn. Thế nhưng cách đây 4 năm, trong những hành trình đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa, ngư dân đất đảo ngạc nhiên tột độ khi phát hiện rau chân vịt xuất hiện dày đặc trên vùng biển này.
Và cũng từ đó, đến hẹn lại lên, vào mùa vụ, hàng trăm ngư dân trên đảo dong thuyền thẳng tiến ra Hoàng Sa không chỉ để đánh bắt cá mà còn khai thác món đặc sản này.
Vừa trở về sau những ngày sương gió ngoài biển Hoàng Sa, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, trong căn nhà nép mình bên chân sóng, ngư dân Nguyễn Anh, thôn ở Tây, xã An Vĩnh nở nụ cười mãn nguyện: “Mới đi hơn 10 ngày đã kiếm gần 15 triệu đồng. Năm nay giá giảm 10.000 đồng/kg so với năm ngoái nhưng được cái được mùa”.
Anh kể, rau chân vịt ở vùng biển Hoàng Sa nhiều vô kể, mọc dày đặc, đến mức chỉ lội xuống nước dùng liềm hoặc móc cắt không cần lặn. Không cần đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đắt tiền, một chuyến ra khơi khai thác rau chân vịt chỉ tốn 50 - 60 triệu đồng phí tổn, rất đơn giản là chèo ghe đến các rạn san hô, dùng liềm để cắt.
Hiện Lý Sơn có hơn 10 tàu chuyên khai thác rau chân vịt, thông thường mỗi tàu có từ 6- 8 lao động. Để kéo dài thời gian khai thác trên biển, các tàu đóng giàn tre, khai thác đến đâu phơi khô đến đó. Nhờ đó mà thu nhập cũng tăng lên rất nhiều. Chỉ cần 7 - 10 ngày ra khơi, các thuyền mang về đất liền 5 - 7 tấn, với giá bán 25.000 đồng/kg, kiếm được không dưới 10 triệu đồng mỗi người.
Trong khi đàn ông trai tráng dong thuyền ra Hoàng Sa, thì bãi Tò Vò, ở thôn Tây, xã An Vĩnh là nơi mưu sinh của hàng trăm con người khi chiều xuống. 14 giờ chiều, bãi Tò Vò đông vui như hội bởi những người dầm mình trong nước dưới nắng như thiêu như đốt.
Quần áo ướt sũng, tay thoăn thoắt cào mớ rau cho vào rổ, chị Nguyễn Thị Xanh, ở thôn Đông, xã An Hải hồ hởi cho biết, chiều nào hai vợ chồng chị cũng hái được 50 - 70kg rau chân vịt, rau đông, bỏ túi hơn 300.000 đồng.
Mùa rau chân vịt, người dân đất đảo tất bật với việc hái, phơi khô.
Phụ nữ, trẻ em, người già hái ở vùng nước nông, còn thanh niên trai tráng đeo kính lặn bơi thúng ra xa vài trăm mét dùng móc sắt, lưỡi liềm khai thác. Họ ngâm mình trong nước suốt cả buổi chiều đến chập choạng tối mới cho vào bao tải đội lên bờ chở về bán cho thương lái.
Mùa khai thác rau chân vịt, người dân trên đảo tất bật với việc vớt, lặt, rửa, phơi… Khắp con đường trải đầy những thảm rau chân vịt vàng ươm đang được phơi khô bởi những người phụ nữ dầm mình dưới nắng. Tiếng cười nói đã xua đi cái mệt mỏi của ngày hè khắc nghiệt.
“Năm nay giá xuống nhưng bù lại trúng mùa, chỉ cần vớt chứ không cần lặn cũng có chân vịt đem về”, chị Lan, một thương lái đang thu mua chân vịt, rau đông chỉ tay về bãi Tò Vò nói, nơi những bao chân vịt đang về tấp nập.
Chị Lan cho biết, giá mỗi ký rau chân vịt tươi hiện nay 3.500 đồng; khô tạm 25.000 đồng; rửa, lặt sạch đất, đá, cát, phơi khô 110.000 đồng; rau đông tươi 6.000 đồng. Rau chân vịt là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Mùa rau chân vịt bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 âm lịch, sau đó họ lại trở lại với nghề ra khơi để đánh bắt cá, tôm.
Các nguyên cứu của các khoa học đã phát hiện trong rau câu chân vịt có rất nhiều chất có lợi cho cơ thể như Lipid, sắc tố, nguyên tố vi lượng, Axit amin, chất khoán đa lượng, chất xơ, và nhiều vitamin…, giúp hạn chế phát triển huyết khối, hạn chế u xơ, chống xơ vữa động mạch, ức chế hoạt động của virut, đặc biệt là ức chế papillomavirus – virus gây ung thư buồng trứng.
Đối với bệnh tiểu đường, Carrageenan trong rau chân vịt có thể hấp thụ nước và làm chậm lại sự rỗng của dạ dày, do đó làm giảm độ nguy hiểm do tăng lượng đường trong máu xảy ra ngay sau bữa ăn.
Related news
Dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra tại 17 xã thuộc 5 huyện, thành, thị của Nghệ An, gồm: Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Hoàng Mai và Tp. Vinh.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ và thường xảy ra sớm hơn dự báo. Mưa, tố, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn trên khắp các vùng, miền Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những hộ ương nuôi cá lóc giống trong tỉnh đang gặp khó do thời tiết diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vào buổi trưa, nước ao, hầm rất nóng làm cho nhiều đàn cá con đến thời gian xuất bán chết hàng loạt.