Mua phân bò nuôi trùn quế làm phân bón

Làm gì chớ nuôi trùn quế bây giờ sướng lắm. Chỉ cần đổ phân bò vào chuồng cho trùn ăn rồi nghỉ đi chơi, 2 tháng sau mới phải đảo phân.
Đó là tâm sự của ông Huỳnh Văn Tỷ ở thôn Phú Hữu, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên). Tập tành nuôi, làm quen với con trùn quế cách đây gần 10 năm, ông Tỷ đã không ít lần “lên bờ xuống ruộng”.
Buổi đầu, do chưa biết kỹ thuật nuôi, không ai hướng dẫn nên ông phải tự mày mò nghiên cứu, “năm lần, bảy lượt” con trùn quế dở chứng, “đỏng đảnh” ra đi, chuồng nuôi mất trắng.
Theo lời ông kể, có năm do gặp bão, chuồng nuôi bị mưa ướt, trùn quế số chết, số rủ nhau leo lên mái nhà nằm, có năm do chuồng không đủ độ ẩm nên trùn bị chết... Thất bại nhiều lần như vậy nhưng ông Tỷ không hề nản chí, quyết tâm nghiên cứu để làm chủ kỹ thuật nuôi trùn.
Ông Huỳnh Văn Tỷ chăm sóc chuồng trùn quế của gia đình .
Bây giờ đã làm chủ được kỹ thuật nuôi trùn quế, ông mới nhận thấy “thật ra con này cũng khá dễ nuôi”, không cần làm chuồng trại tốn kém, chỉ cần tận dụng chuồng heo (lợn) cũ, nhà kho không sử dụng, che chắn lại không cho mưa tạt, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp là có thể dùng làm chuồng nuôi.
Khi thu hoạch chỉ cần hất lớp phân trên bề mặt sang bên cạnh, trùn quế thấy sáng nên co cụm lại bên dưới, hất phân vài lần là thu hoạch dễ dàng. Lúc trước do chưa biết, ông cho trùn ăn phân bò tươi nên rất vất vả, phải xây hồ ngâm, rồi thêm chế phẩm EM vào hồ cho bớt mùi hôi, bây giờ có thể cho trùn ăn trực tiếp phân bò khô nên chỉ cần chăm tưới nước để giữ ẩm là được.
Hiện tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Tỷ nuôi trùn quế với diện tích khoảng 400 m2 chia làm 4 ô nuôi. Ông Tỷ cho biết: Sản phẩm thu hoạch chủ yếu hàng tháng là phân trùn quế, bình quân các năm trước ông thu khoảng 40 tấn phân/năm. Năm nay do mua được lượng phân bò nhiều nên lượng phân trùn thu hoạch ít nhất cũng được 70 tấn.
Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nghiên cứu máy móc, công nghệ để kinh doanh thêm mặt hàng phân trùn cao cấp có thương hiệu, bao bì nhằm cung cấp cho các địa phương ngoài tỉnh với giá 4.000 đồng/kg (bao 5 kg).
Nắm vững kỹ thuật thì nuôi trùn quế không khó.
Ngoài việc bán phân trùn, ông Tỷ còn cung cấp sinh khối với giá 10.000 đồng/kg và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ nông dân có nhu cầu nuôi trùn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Để người nuôi thành công, ông tận tình đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch và nếu được thì mua lại phân trùn quế với giá 2.000 đồng/kg.
Hy vọng rằng với nghề nuôi trùn quế của ông Huỳnh Văn Tỷ sẽ có nhiều nông dân khác học tập làm theo để có thể tận dụng nguồn phân bò dồi dào tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập tại hộ gia đình mình.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên
Related news

Công nghệ tưới béc phun, tưới nhỏ giọt trong trồng trọt. Công nghệ này có nhiều ưu việt, giúp tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động và tăng năng suất

Với khoảng 1.000 gà mái, 200 gà trống, mỗi tháng Hợp tác xã cung ứng khoảng 16.000 trứng, nở ra khoảng 12.000 gà con để cung ứng cho xã viên.

Ốc bươu vàng (OBV) có khả năng thích nghi rộng và sống được trong điều kiện khắc nghiệt. Gặp khô hạn chúng chui sâu vào bùn khô và sống tới 6 tháng.

Nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL đang bùng phát dịch bệnh, nhà vườn phải đốn bỏ để trồng các loại cây khác.

Vụ sầu riêng năm nay, nông dân huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) vô cùng phấn khởi vì được mùa, được giá.