Mùa Dưa Hấu Trên Sông Trà...

Trên các bãi bồi dọc sông Trà Khúc, thời điểm này bước vào vụ trồng dưa hấu. Chủ nhân của những đồng dưa ấy đến từ xã Bình Chương (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Bằng kinh nghiệm “nghề dưa”, họ đoán rằng, sau lũ lớn, vùng đất giữa lòng sông Trà chắc chắn sẽ tốt tươi. Và thế là họ đến đây thuê đất, bám sông, trồng dưa và đợi mong ngày dưa chín.
Đồng dưa giữa sông
Băng qua dải cát trắng khoảng 15 phút, chúng tôi đã đến được căn nhà bạt của vợ chồng ông Đỗ Hữu Điểm, đội 6, thôn An Điềm, xã Bình Chương. Ông Điểm cùng vợ và con trai “dựng” nhà ở đây đã được gần một tháng nay. “Ngay sau khi nước lũ vừa rút, vợ chồng tôi vào đây mướn 12 sào đất để trồng dưa. Mấy hôm nay lo vun hàng, phủ bạt, vô phân, phun thuốc. Khoảng 5 hôm nữa sẽ xuống giống. Tôi đoán sau lũ lượng phù sa nhiều, đất tốt, dưa vụ này sẽ đạt năng suất”, ông Điểm cho biết.
Cùng thôn An Điềm 1 với ông Điểm còn có khoảng 20 hộ nông dân khác cũng vào đây trồng dưa. Họ đang tất bật làm đất, chọn giống và chỉ 3 đến 5 ngày nữa họ sẽ đặt giống xuống những luống cát đã được phủ bạt giữa lòng sông này.
Để “sống” cùng với một vụ dưa, nông dân phải dựng nhà ở giữa dòng sông Trà đến 3 tháng. Trong đó 1 tháng làm đất, còn 2 tháng sau chăm sóc, chờ dưa chín, thu hoạch, bán cho thương lái. Vất vả là thế nhưng không phải vụ dưa nào cũng vui. “Năm ngoái, 3 tháng ăn nằm ở sông Re, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), gia đình tôi lỗ hơn 2 triệu. Dưa năm đó mất mùa lại mất giá nữa” – chị Nguyễn Thị Mười, đội 3, thôn An Điềm 1, Bình Chương nói.
Thế nhưng, với những người nông dân Bình Chương đã “say” với cây dưa hấu thì họ vẫn không thể bỏ được. Cứ đông về lại kéo nhau đi tìm vùng đất mới để trồng dưa. Năm nay, vùng đất được chọn chính là lòng sông Trà Khúc này. Hơn 20 hộ thôn An Điềm 1, mỗi hộ mướn cả héc-ta, đã khiến dòng sông Trà bỗng nhiên trở thành một cánh đồng dưa hấu ngút mắt.
Làm lúa kiếm cơm, trồng dưa làm giàu
Trò chuyện với những nông dân đến đây trồng dưa, chúng tôi được nghe những câu chuyện về “nghề dưa” khá thú vị. Chị Nguyễn Thị Mới, đội 2 thôn An Điềm 1, xã Bình Chương bảo: “Cây dưa chỉ ưa đất mới thôi. Vì thế phải tìm đồng đất thích hợp thì dưa mới cho trái đẹp. Còn không, dưa trồng xuống cứ chết dần, trái lại không to, lỗ vốn”. Chị Mới “lo” cho cây dưa nhưng cũng không quên 4 sào ruộng lúa nước ở quê nhà Bình Chương.
Chiều hôm qua, chị vừa sạ xong số lúa ấy, sáng hôm nay lại tức tốc chạy xe máy vào Trà Khúc để làm đất trồng dưa. “Trồng lúa kiếm cơm, còn trồng dưa kiếm tiền xây nhà, mua xe, lo cho con học đại học. Nói thật, nếu đầu ra ổn định thì trồng dưa hấu lợi nhuận cao lắm!”, chị Mới cho biết.
Hàng chục năm nay, nông dân Bình Chương, đặc biệt là nông dân thôn An Điềm 1 đã mạnh dạn đầu tư vào cây dưa hấu. Quanh năm, họ thực hiện “phong trào di cư” mướn đất trồng dưa hấu. Lúc thì lên Tây Nguyên, khi lại vào Bình Dương, Bình Phước; xuôi xuống miền Tây “sống” cùng cây dưa hấu.
Đông về, họ lại nghĩ ra miền đất mới nào đó ở Quảng Ngãi để quay về quê nhà mướn đất trồng dưa hấu vụ hè. Và đó cũng là cách để họ ở lại quê nhà vui Xuân, đón Tết cùng bà con, họ hàng. Bởi thế mới có những vụ dưa hấu gắn liền với tên gọi như "dưa hấu sông Re", "dưa hấu Trà Bồng", "dưa hấu Tịnh An"…
Dẫu là trồng dưa giữa sông nhưng mỗi ruộng dưa người trồng đều phải đóng giếng mới có nước tưới. “Trồng trên đất cát, cây dưa cần nước nhiều lắm. Thiếu nước là dưa đổ bệnh, còi cọc ngay. Vì thế, nước tưới là nỗi lo lớn nhất trong vụ dưa này” – nông dân Nguyễn Thế Bằng, đội 6, thôn An Điềm 1, chia sẻ.
Hơn nữa, giữa sông, không có điện, việc chạy nước tưới hoàn toàn phải dùng máy bơm chạy bằng dầu, chi phí đầu tư cho một vụ dưa vì thế tăng lên đáng kể. Ông Đỗ Hữu Điểm, người trồng 12 sào dưa nhẩm tính: “Mướn 12 sào đất hết 12 triệu đồng. Tiền mua hạt giống, mua bạt phủ, phân, thuốc, dầu chạy máy ước cả vụ gần 30 triệu nữa. Vị chi khoảng 40 triệu đồng. Thu hoạch dưa, bán trên số tiền này thì mới có lời”.
Tuy thế, tất cả những hộ “đổ” về sông Trà Khúc trồng dưa hấu mùa này đều bảo rằng: Sau lũ đất tốt, sâu bệnh ít, chắc chắn dưa sẽ được mùa. Vấn đề còn lại là giá thu mua dưa của thương lái. “Chỉ cần giá bán dưa ổn định như hồi đầu năm 2013 thì nông dân chúng tôi sẽ lãi lớn” – ông Đỗ Hữu Điểm tự tin nói với chúng tôi.
Related news

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.167 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch và tăng 55% cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,2%, trong đó lĩnh vực nông - lâm - nghiệp và thủy sản tăng 5,7%.

Người đàn ông chúng tôi nhắc tới ở trên là ông Nguyễn Huy Sáng, quê ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghe người dân xã Sơn Đà đồn đại rất nhiều về khả năng bắt lươn của ông, nay tình cờ gặp ông ra trung tâm Thủ đô thăm con cháu kết hợp đánh lươn, chúng tôi có dịp chứng kiến ông trổ tài.

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2014-2015 diễn ra ngày 5/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, dự kiến niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước sẽ giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.

Để đảm bảo cho việc chăn nuôi được an toàn, không xảy ra dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là việc chuẩn bị con giống, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đủ các mũi vắc xin, bổ sung nguồn thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt và công bố ứng dụng kết quả dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi kết hợp ốc hương với tu hài trên biển theo hướng bền vững tại vịnh Vân Phong”. Dự án do Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh) làm chủ nhiệm; nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.