Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Đăng Bội Thu

Mùa Đăng Bội Thu
Publish date: Tuesday. October 21st, 2014

Mùa đăng năm nay, ngư dân đánh bắt được hàng trăm tấn cá có giá trị. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của ngư dân làm nghề này được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì vẫn còn đó những nỗi lo…

Được mùa cá

Trong số các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nghề đăng đạt được doanh thu cao năm nay phải kể đến HTX Thủy sản Thống Nhất (TP. Nha Trang, Khánh Hoà) với gần 3 tỷ đồng; DN Tư nhân Tiến Thành (TP. Nha Trang) gần 2,8 tỷ đồng; HTX Thủy sản Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) hơn 1,8 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, nhiều HTX 2 - 3 năm liên tiếp làm ăn thua lỗ thì năm nay cũng đã có nguồn thu nhập khá, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Thu nhập của xã viên cũng được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Nhịn - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đầm Môn chia sẻ: “Năm trước, HTX chúng tôi làm ở đầm Ổ Gà, chỉ đánh bắt được vài tạ cá, thu khoảng 35 triệu đồng. Với sản lượng như vậy, HTX lỗ gần 700 triệu đồng. Mùa đăng 2014, HTX làm ở đầm Eo Gió, mọi thứ đều thuận lợi nên sản lượng đạt 25 tấn, trong đó có 21 tấn cá thu.

Cá được mùa lại được giá nên tổng doanh thu năm nay hơn 1,8 tỷ đồng. Nhìn chung, tất cả các xã viên đều rất vui mừng trước kết quả đáng khích lệ này. Thu nhập bình quân của người lao động cũng khá cao, khoảng 4 triệu đồng/tháng/người. Nếu năm nào cũng được mùa như năm nay thì việc làm ăn của các HTX sẽ khởi sắc trở lại”.

Ông Mai Tân - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Bích Hải (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết: “Năm trước, HTX chúng tôi thua lỗ đến hơn 700 triệu đồng. Năm nay, HTX tổ chức đầm đăng tại khu vực Hòn Mun, khai thác được gần 19 tấn cá, riêng cá thu chiếm hơn 50%; giá trị sản lượng đạt gần 1,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, thu nhập của xã viên cũng tăng lên hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014 có 11 đơn vị hoạt động nghề đăng trên địa bàn tỉnh (6 HTX và 5 DN) với sản lượng cá đánh bắt đạt hơn 212 tấn, trong đó có gần 161 tấn cá thu. So với mùa đăng năm 2013, tổng sản lượng năm nay tăng 174%, riêng cá thu đạt 642%. Với sản lượng như vậy, tổng doanh thu từ việc đánh bắt đạt hơn 16 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình đánh bắt thủy sản mấy năm nay gặp khó khăn, việc nghề đăng được mùa là một tín hiệu vui cho nghề cá của tỉnh.

Ông Lê Thế Thương - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa nhìn nhận: “Có thể nói, mùa đăng năm nay bội thu. Năm nay, do nước ít chảy, cá thu chạy dày nên sản lượng đánh bắt cao. Ngoài ra, năm trước, khu vực phía Bắc mưa bão nhiều, gió mùa kéo dài nên đàn cá di cư từ phía Nam ra phía Bắc chậm, có nhiều thời gian tránh, trú tại các đầm, vịnh nên nghề đăng gặp thuận lợi.

Mùa đăng 2013, phần lớn các đầm đăng đều thất bát; các HTX, DN làm nghề này đều bị lỗ, dẫn đến đời sống của người lao động gặp không ít khó khăn; ban chủ nhiệm HTX cũng như các chủ DN phải chay vạy để lo ổn định cuộc sống cho xã viên và người lao động. Năm nay, nghề đăng được mùa đã cải thiện tình hình. Nhiều HTX có tiền để chi trả nợ năm trước và cải thiện đời sống xã viên; có vốn để sửa sang và mua sắm ngư lưới cụ chuẩn bị cho mùa đánh bắt năm sau”.

Vẫn còn trăn trở

Nghề lưới đăng mỗi năm chỉ làm một mùa 5 hoặc 6 tháng; hoạt động đơn giản, lưới được giăng cố định theo hướng nước chảy mà không phải di chuyển nên giảm chi phí trong khai thác. Bên cạnh đó, để hoạt động đánh bắt có hiệu quả còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ thuật của người chỉ huy giàn đăng, đặc biệt là vị trí đặt lưới đăng. Người làm đăng phải có kinh nghiệm và có sức khỏe.

Tuy nhiên, ở hầu hết các HTX, DN làm nghề đăng, đội ngũ xã viên cũng như ngư dân hiện nay đều gần hết tuổi lao động, có kinh nghiệm nhưng không còn nhiều sức khỏe để làm nghề nặng nhọc. Trong khi đó, các thanh niên miền biển hiện nay lại không mặn mà với nghề truyền thống này. Điều này khiến nghề đăng đứng trước tình trạng thiếu tính kế thừa.

Ông Nguyễn Nhịn cho biết: “Trong số 45 xã viên của HTX, hầu hết tuổi đời đã cao, số lao động trực tiếp khai thác không nhiều. Nhiều người bỏ nghề do thu nhập mấy năm qua quá bấp bênh. Thiếu lao động nhưng chúng tôi không thể tìm đâu ra lực lượng lao động trẻ kế thừa nghề truyền thống này”.

Bên cạnh nỗi lo về lực lượng kế thừa, những người làm nghề đăng còn trăn trở về sự bấp bênh của nghề. Ông Nguyễn Thăng - xã viên HTX Thủy sản Khải Lương (huyện Vạn Ninh) lo lắng: “Mấy năm gần đây, nhiều tàu đánh bắt xa bờ với công suất lớn khai thác mạnh nên các đàn cá vào đầm đăng đã giảm đi khá nhiều.

Tuy nhiên, đáng ngại nhất là việc các tàu thuyền chuyên đánh bắt giã cào, lưới vây liên tục xâm lấn khu vực đầm đăng, đánh bắt hết đàn cá đi vào đầm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, các HTX nghề đăng sẽ khó có sản lượng”.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hiền - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thống Nhất lại lo lắng về chế độ cho các xã viên. Theo ông Hiền, các xã viên bây giờ đã lớn tuổi, nhưng gần đây mới được đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, khi hết tuổi lao động, họ sẽ không được hưởng chế độ hưu vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ. Cơ quan chức năng cần xem xét để xã viên được truy đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, phần lớn xã viên mong muốn các ban, ngành liên quan sớm tạo điều kiện để những người làm nghề đăng có thêm cơ hội mở rộng ngành nghề, bởi nghề đăng chỉ làm từ 4 đến 6 tháng trong một năm, thời gian còn lại không biết làm gì.

Để giải quyết khó khăn cho các đơn vị hoạt động nghề đăng, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hoạt động nghề đăng thường xuyên tuần tra, không để các tàu thuyền hoạt động nghề khác xâm lấn vào vùng đầm đăng, các tàu thuyền hoạt động nghề khác phải cách lưới đăng tối thiểu 0,5km.

Bên cạnh đó, các chi cục, đơn vị trực thuộc Sở phải hỗ trợ để những HTX nghề đăng nâng cao hiệu quả khai thác, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thêm một số mô hình nuôi trồng thủy sản để đa dạng hóa ngành nghề của HTX cũng như nâng cao thu nhập cho xã viên. Các đơn vị hoạt động nghề đăng cũng phải chủ động trong việc tổ chức sản xuất, cải tiến phương tiện, ngư cụ; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…


Related news

Tình Hình Tôm Nuôi Thiệt Hại Ở Sóc Trăng Đáng Lo Ngại Tình Hình Tôm Nuôi Thiệt Hại Ở Sóc Trăng Đáng Lo Ngại

Ở huyện Trần Đề diện tích thiệt hại chiếm 11,3%, một số vùng nuôi ở thị xã Vĩnh Châu như xã Hòa Đông tôm nuôi bị thiệt hại trên 30%. Theo nhận định của ngành chuyên môn và bà con nuôi tôm, nguyên nhân thiệt hại là do nhiệt độ xuống thấp, kèm theo mưa đã ảnh hưởng đến tôm nuôi trong giai đoạn mẫn cảm với thời tiết.

Friday. January 24th, 2014
Nghề Nuôi Ong Mật Nghề Nuôi Ong Mật

Từ tháng 11 đến tháng Giêng, đưa ong vào Bình Phước lấy mật hoa điều, cao su; đến tháng 2 lên Tây nguyên lấy mật hoa cà phê; tháng 5 ra Bắc lấy mật hoa vải... đó là chu kỳ trong năm của những người nuôi ong lấy mật.

Friday. January 24th, 2014
Mô Hình Gà Đông Tảo Thả Vườn Nông Nghiệp Đô Thị Hiệu Quả Mô Hình Gà Đông Tảo Thả Vườn Nông Nghiệp Đô Thị Hiệu Quả

Một chú gà trống trưởng thành có trọng lượng từ 4,5 - 6kg với đôi chân khỏe, dáng hình cao to thể hiện uy lực dũng mãnh, nên rất được dân gian lựa chọn làm lễ vật cúng tế. Thông tin trên các trang mạng cho hay, mỗi chú gà trống trưởng thành có dáng đẹp giá lên tới chục triệu đồng.

Friday. January 24th, 2014
53 Hộ Dân Được Cấp Giấy Phép Gây Nuôi Động Vật Hoang Dã 53 Hộ Dân Được Cấp Giấy Phép Gây Nuôi Động Vật Hoang Dã

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 55 hộ dân đã được ngành chức năng các cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã, gồm: Gấu ngựa 1 con, heo rừng lai 102 con, nhím 372 con, cá sấu nước ngọt 47 con, kỳ đà vân 14 con, chim trĩ đỏ 33 con, dúi 100 con.

Friday. January 24th, 2014
Đụng Lợn Đụng Lợn "Sạch” Ăn Tết

Ông Hoàng Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: "Nhà nhà nuôi lợn đón Tết đã trở thành phong trào trong toàn xã. Không nuôi vì mục đích kinh tế, chỉ mong cái Tết thêm an toàn, đầm ấm, vui vẻ. Mấy năm trở lại đây, tục ăn đụng thịt lợn trên địa bàn trở lại như Tết xưa”.

Friday. January 24th, 2014