Một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả ở Sóc Trăng
Đây là những mô hình được Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng trình bày tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp diễn ra tại Ninh Thuận tháng 4 vừa qua.
Ảnh minh họa
1. Nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm
Mô hình thực hiện năm 2018, tại hộ ông Võ Điền Trung (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề), trên diện tích ao nuôi 5.600 m2, thả 700.000 TTCT giống.
Sau khi cải tạo ao, bón vôi, phơi ao… kiểm tra và điều chỉnh nguồn nước (pH, độ mặn, độ kiềm, khí độc, vi khuẩn) từ ao đã nuôi cá chẽm trong ngưỡng thích hợp, sẽ cấp nước vào ao nuôi tôm qua túi lọc, sau đó cấy vi sinh và tiến hành thả giống. Nếu nước ao tôm có hao hụt sẽ được cấp bổ sung bằng nước ao nuôi cá chẽm. Sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm giúp môi trường ao nuôi tôm giảm thiểu các loại tảo, vi khuẩn không có lợi, các loại khí độc…
Sau 2,5 tháng nuôi, gia đình ông Dũng thu hoạch được 10 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ trung bình 60 - 65 con/kg.
2. Nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn (ao lót bạt cao su)
Mô hình được giới thiệu là ao nuôi của ông Châu Phát Tài (ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề).
Ở giai đoạn 1, tôm giống được ương nuôi với mật độ 200 - 250 con/m2, trên diện tích ao 2.000 m2. Các chỉ tiêu môi trường, vi khuẩn được kiểm tra định kỳ, đồng thời thường xuyên bổ sung vitamin, khoáng, vi sinh. Sau 25 - 30 ngày, tôm đạt kích cỡ bình quân 1.000 con/kg.
Ở giai đoạn 2, tôm được thả với mật độ 80 - 100 con/m2, trên diện tích ao 2.000 m2. Các chỉ tiêu môi trường luôn được kiểm soát tốt, đồng thời thực hiện xi phông, thay nước mỗi ngày. Sau 60 - 75 ngày nuôi tiến hành thu hoạch, tôm đạt kích cỡ bình quân 40 - 50 con/kg, cho sản lượng 1,8 - 2 tấn/ao.
Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế được các rủi ro cho tôm nuôi ở giai đoạn nhỏ, dễ kiểm soát được mật số vi khuẩn không có lợi, cũng như hàm lượng các loại khí độc trong ao.
3. Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt lưới
Mô hình thực hiện tại hộ ông Dương Văn Hiệp (ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung), trên 1,2 ha diện tích ao nuôi (3 ao lót bạt lưới mịn Thái Lan phủ sát đáy ao, 2.500 m2/ao), thả 300.000 giống.
Ở giữa ao, ông Hiệp thiết kế một lồng chảo 30 - 50 m2, có âm một phuy nhựa gắn hệ thống xi phông nhằm đưa bùn ra ngoài. Trong ao có hệ thống sục khí đáy ao, quạt, máy cho ăn tự động và một máy xăng có ống xi phông chữ T khoan nhiều lỗ để thường xuyên xi phông trên mặt lưới tránh bùn lắng xuống dưới.
Khi tôm nuôi được 1 tháng, xi phông đáy qua hệ thống giữa ao hàng ngày, sử dụng vi sinh định kỳ và hạn chế sử dụng hóa chất diệt khuẩn trong quá trình nuôi.
Sau 86 ngày nuôi, ông Hiệp thu được 7 tấn tôm, kích cỡ trung bình 38 con/kg, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận trên 350 triệu đồng.
Ưu điểm của mô hình là giảm khoảng 1/3 chi phí so với sử dụng bạt chuyên dùng, nhờ trải lưới mành mà tôm sau khi thả nuôi không đào bới đáy ao nên môi trường nước trong ao không bị đục và luôn ổn định, tôm phát triển nhanh, tiết kiệm chi phí xử lý môi trường.
4. Nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, đảm bảo ATTP
Mô hình thực hiện tại hộ ông Tăng Văn Xúa (ấp Cảng Buối, thị xã Vĩnh Châu), trên diện tích 2 ha.
Hệ thống ao gồm: ao lắng 0,4 ha, độ sâu 1,3 - 1,5 m; ao xử lý 0,4 ha, độ sâu 1,3 - 1,5 m; ao ương 150 m2; 2 ao nuôi 1.500 m2/ao lót bạt bờ và đáy ao.
Nước từ ngoài đưa vào ao lắng để lắng đọng phù sa, tiếp tục tiến hành xử lý bằng thuốc tím với liều lượng 3 kg/1.000 m3, sau 12 giờ được bơm cấp qua ao xử lý. Sau đó, dùng Chlorine liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 để xử lý nước, sau 7 ngày bơm sang ao chứa.
Ao ương thiết kế hình tròn, mực nước khống chế 1 m, được lót bạt đáy và bờ, phủ lưới lan để đảm bảo nhiệt độ duy trì ở mức 28 - 290C, có hệ thống xi phông (tạo độ sâu lòng chảo ở giữa ao, lắp đặt ống nhựa 90 đưa qua ao xử lý). Thời điểm xi phông cùng lúc với việc bơm cấp bù nước từ ao chứa qua ao ương. Lắp đặt hệ thống sục khí, quạt nước, đảm bảo lượng ôxy đạt trên 5 - 6 mg/lít.
Sau khi lấy nước đưa vào ao ương, sử dụng 3 kg thức ăn số 0 + 3 kg mật đường + vi sinh, tiến hành vận hành quạt và hệ thống ôxy đáy 3 - 5 ngày để tạo sinh khối tảo làm thức ăn cho tôm giống trong giai đoạn ban đầu khi mới thả. Kiểm tra các yếu tố môi trường để tiến hành thả giống, mật độ ương 2.200 con/m2, thời gian ương 20 - 25 ngày, sau đó tiến hành mở van để chuyển tôm sang ao nuôi.
Sau 70 ngày nuôi, tiến hành thu tỉa, tôm đạt cỡ 58 con/kg, sản lượng đạt 2,42 tấn. Số tôm còn lại tiếp tục nuôi đến 92 ngày thì thu hoạch, tôm đạt cỡ 40 con/kg, sản lượng đạt 5,2 tấn. Tổng sản lượng đạt 7,62 tấn, năng suất bình quân 9,84 tấn/ha, thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Mô hình có ưu điểm là kiểm soát được chất lượng nước, thức ăn, tốc độ tăng trưởng, mầm bệnh. Sản phẩm tôm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng đặt kế hoạch đạt 49.700 ha nuôi tôm nước lợ. Để vụ nuôi thành công, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người nuôi cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ lịch thời vụ, làm tốt công tác chuẩn bị (cải tạo ao, chọn giống, vật tư…), áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn, cập nhật tình hình thời tiết, dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời…
Related news
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Hàng hải Virginia của William & Mary cho thấy việc loại bỏ ngư cụ vô chủ có thể tạo ra hàng triệu đô
Một dự án phát triển một thiết bị tiên phong để theo dõi nhiệt độ của hải sản trong quá trình vận chuyển và cải thiện chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản
Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) đã mở ra “cánh cửa mới” khi nghiên cứu thả nuôi tôm hùm trong bể xi măng.